BDK.VN - Thời gian qua, các cấp địa phương và các ngành tỉnh đã thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình, tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại các khu vực trọng điểm, xung yếu và các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Tình trạng sạt lở bờ biển tại Cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri ngày càng phức tạp.
Công tác tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về chỉ đạo, chủ trương, khắc phục hậu quả của sạt lở, xói lở được kịp thời, đảm bảo. Tuy nhiên, tình hình sạt lở ở một số địa phương vẫn chưa kịp thời khắc phục.
Phó chủ tịch UBND TP. Bến Tre Nguyễn Trúc Lâm, cho biết thời gian qua, việc xâm nhập mặn sâu và sạt lở bờ sông cũng đang ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung ở xã Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh, Sơn Đông. Từ năm 2022 đến nay, thành phố được Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đầu tư xây dựng kè chống sạt sạt lở bờ sông Bến Tre thuộc khu vực xã Nhơn Thạnh (giai đoạn 2); thu hồi đất 23 hộ và bồi thường giải phóng mặt bằng với kinh phí 7,042 tỷ đồng.
Thành phố cũng tập trung vận hành 13 cống ngăn mặn đang mang lại hiệu quả cho việc giảm xâm nhập mặn sâu vào đất liền và chống triều cường. Tuy nhiên, hệ thống cống chưa khép kín và còn gây ô nhiễm môi trường các kênh rạch như rạch Cá Cối, rạch Thơm, rạch Trôm thuộc xã Mỹ Thạnh An.
Tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam cũng diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Qua rà soát, thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện có khoảng 50 điểm sạt lở, xói lở với tổng chiều dài khoảng 35km.
Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Quốc Hưng cho biết, đối với các trường hợp hộ dân có nhà bị sạt lở, huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để khảo sát, đánh giá và hỗ trợ kịp thời. Đối với sạt lở bờ bao, đê bao, huyện tập trung huy động lực lượng khắc phục, xử lý nhanh đồng thời báo cáo cấp trên xem xét, hỗ trợ gia cố, nhất là các điểm sạt lở tại đê bao dự phòng ven sông Cổ Chiên, đê bao Thành Long không để tiếp tục xảy ra trường hợp vỡ đê. Riêng khu vực sạt lở bờ sông Mỏ Cày, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng tuyến kè với tổng chiều dài 1.663m; tổng kinh phí khoảng 110 tỷ đồng.
Huyện Chợ Lách nằm dọc theo sông Hàm Luông và Cổ Chiên, hàng năm chịu ảnh hưởng mặn xâm nhập sâu vào huyện khoảng 70 - 100% diện tích từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch, triều cường ảnh hưởng diện tích toàn huyện từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch. Với hệ thống sông chằng chịt là lợi thế về giao thông thủy, tuy nhiên việc đầu tư các công trình đê bao rất tốn kém về kinh phí. Những năm qua, huyện đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái, đến cuối năm 2024, có 242,49km đê bờ bao, diện tích đê bao 10.248ha đất nông nghiệp, chiếm 92,13%.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Hòn, huyện sẽ tiếp tục triển khai phương án bảo vệ công trình thủy lợi và phương án phòng chống triều cường các tuyến sông có đê, phương án hộ đê theo phương châm "4 tại chỗ" đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Huy động vật tư trong nhân dân để sẵn sàng ứng phó, khắc phục trong trường hợp xảy ra sự cố công trình; công tác chuẩn bị huy đông lực lượng xung kích, phòng chống thiên tai cấp xã đê hộ đê.
Hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện đã thực hiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu dân sinh và sản xuất. Các công trình quy mô khu vực liên vùng, các cửa sông chính rạch lớn do nguồn lực có hạn nên chưa được đầu tư đồng bộ, hiện còn hơn 15 cống giáp sông Hàm Luông, Tiền Giang và Cổ Chiên chưa được đầu tư.
Tình hình sạt lở trên địa bàn huyện Ba Tri có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, sạt lở bờ biển tập trung khu vực bờ biển thuộc xã Bảo Thuận; sạt lở bờ sông tập trung khu vực ven sông Hàm Luông, khu vực mõm trên cù lao Đất. Theo Phó chủ tịch UBND huyện Dương Văn Chương, hiện nay khu vực bờ biển thuộc xã Bảo Thuận đã được đầu tư tuyến kè dài 3,9km với tổng kinh phí khoản 500 tỷ đồng do ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Đối với tình hình sạt lở ven sông, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành khai thác khoáng sản trên tuyến sông Hàm Luông tăng cường kiểm tra. Từ năm 2022 đến 2024 xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 6,537 tỷ đồng. Đồng thời, trong năm 2025 dự kiến khi 3 mỏ cát trên tuyến sông Hàm Luông đi vào hoạt động sẽ giảm tình trạng khai thác trái phép và điều chỉnh dòng chảy.
Tại huyện Giồng Trôm, từ năm 2022 đến năm 2023 trên địa bàn huyện hỗ trợ kinh phí bố trí ổn định dân cư vùng sạt lở bờ sông cho 10 hộ, với tổng kinh phí 130 triệu đồng. Đối với các hộ dân có nhà ở bị sạt lở bờ sông phải di dời đến nơi an toàn hoặc gia cố ổn định tại chỗ, huyện đang xem xét bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện năm 2024 để xem xét hỗ trợ cho khoảng 64 hộ dân với tổng kinh phí dự kiến khoảng 1,670 tỷ đồng.
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được huyện tập trung triển khai hiệu quả. Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Tường cho biết đã gia cố, khắc phục sạt lở bờ sông, kênh rạch, các tuyến đường bị sạt lở gây ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân trên địa bàn các xã Bình Hòa, thị trấn, Phước Long, Hưng Nhượng, Bình Thành, Châu Hoà, Lương Phú, Lương Hoà, với tổng chiều dài khoảng 1.571m, tổng kinh phí là 3,499 tỷ đồng.
Khắc phục sạt lở Rạch Cái Sơn, xã Mỹ Thạnh, chiều dài 150m; sửa chữa, khắc phục sạt lở trên địa bàn xã Hưng Phong, chiều dài 986m; khắc phục sạt lở đường vào trung tâm xã Sơn Phú, chiều dài 114m. Tổng kinh phí thực hiện 7 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đang tiếp tục thực hiện khắc phục sạt lở khu vực Rạch Cái Sơn, xã Mỹ Thạnh, với chiều dài khoảng 110m, tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng.
Đánh giá về công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết, các cấp địa phương và các ngành tỉnh đã thường xuyên theo dõi diễn biến, tình hình, tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại các khu vực trọng điểm, xung yếu và các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp và người dân về phòng, chống sạt lở, xói lở được chú trọng, đặc biệt là các hộ dân hiện đang sinh sống dọc các tuyến sông, kênh, rạch, khuyến cáo người dân không xây dựng, sản xuất tại những nơi đang có diễn biến hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, xói lở để tránh xảy ra các sự cố sạt lở đáng tiếc, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sạt lở bờ sông, bờ biển, các địa phương đã chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; kịp thời gia cố, xử lý các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngành Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp cùng địa phương, các đơn vị có liên quan chủ động tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí cho tỉnh đầu tư các công trình phòng chống sạt lở nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.
Cụ thể đầu tư kè chống xói lở bờ biển xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú với chiều dài 1,37km; kè cồn Bửng xã Thạnh Phong, Thạnh Hải với chiều dài 1,9km; kè bảo vệ bờ biển cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri với chiều dài 2,3km; kè bảo vệ bờ biển cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri với chiều dài 0,8km; kè chống sạt lở bờ sông Giao Hòa, xã Giao Long với chiều dài 0,8km.
“Sắp tới, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông về phòng, chống thiên tai, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh qua các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều hình thức khác nhằm đảm bảo thông tin đến được với người dân, nhất là khu vực xung yếu, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai. Từng bước đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ dự báo, cảnh báo. Tiếp tục đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh để hạn chế ảnh hưởng do xâm nhập mặn gây ra. Tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn định kỳ. Sẵn sàng triển khai ứng phó tại chỗ đảm bảo an toàn về người, tài sản khi có tình huống thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.