BDK - Công nghiệp (CN) hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong đó, xây dựng và phát triển ngành CN chế biến, chế tạo luôn được ưu tiên hàng đầu, giúp nền kinh tế tránh khỏi nguy cơ tụt hậu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện đúng chủ trương đó, qua các giai đoạn phát triển của tỉnh, cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch đúng hướng theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản và tăng dần khu vực CN - xây dựng. CN chế biến đạt nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh.
Một số doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư chế biến con tôm tại Khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại.
Thành tựu nổi bật ngành công nghiệp
Thông tin từ Sở Công Thương, giai đoạn 2006 - 2010, CN, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn tỉnh có bước phát triển. Giá trị sản xuất tăng bình quân 14,13%/năm. Trong giá trị sản xuất CN của tỉnh, chế biến chiếm khoảng 96%. Riêng ngành chế biến thủy sản và chế biến dừa chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất của toàn ngành.
Thành công lớn của ngành là đã hình thành và đưa vào hoạt động 2 khu công nghiệp (KCN) Giao Long và An Hiệp (huyện Châu Thành), góp phần tạo ra giá trị sản xuất cho ngành CN năm 2010 khoảng 650 tỷ đồng, chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất của ngành, giải quyết việc làm cho trên 7 ngàn lao động.
Giai đoạn 2011 - 2015 đã tạo dấu ấn mạnh mẽ cho ngành CN của tỉnh, với giá trị sản xuất CN từ 9,2 ngàn tỷ đồng năm 2010 tăng lên 18,3 ngàn tỷ đồng năm 2015. Các ngành CN trọng tâm là CN khai thác và chế biến. Nổi bật là CN chế biến các sản phẩm từ dừa và chế biến thủy sản. Năng lực sản xuất mới tăng lên; trong đó, có sản xuất sữa dừa (công suất 46 ngàn tấn/năm), nước dừa đóng lon (7.500 tấn/năm). Các doanh nghiệp (DN) đã có sự quan tâm hơn về chất lượng sản phẩm, ứng dụng trang thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. DN có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh.
Bằng những chủ trương, chính sách tác động, ngành CN của tỉnh trong giai đoạn này đã có bước phát triển khá cao, nhất là CN chế biến nông sản, tạo ra nhiều mặt hàng mới, góp phần làm gia tăng chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, tạo động lực thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển. Tỷ trọng CN trong GRDP của tỉnh và kim ngạch xuất khẩu đều tăng cao, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch đáng kể. Các DN trong KCN đã vươn lên, góp phần quan trọng trong toàn ngành CN của tỉnh (chiếm 55,77% giá trị sản xuất và chiếm 65,87% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).
Bước sang giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Phát triển CN tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và hướng tới năm 2030. Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển CN để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nhanh và bền vững theo hướng CN hóa - hiện đại hóa. Cụ thể, giá trị sản xuất CN - TTCN (giá so sánh 2010) giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 14,5%/năm và giá trị tăng thêm tăng 13,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của ngành CN 13,8%/năm.
Nhằm đẩy mạnh phát triển CN, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 về phát triển CN chủ lực, lực lượng DN của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3070/KH-UBND ngày 1-7-2021 triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy.
Đến cuối năm 2024, giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa giai đoạn 2021 - 2025, ước tăng bình quân 2,29%/năm, chiếm 9,13% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu dừa giai đoạn 2021 - 2025 ước tăng bình quân 6,7%/năm, chiếm 27,78% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Giá trị sản xuất thủy sản tăng 0,39%/năm, chiếm 13,48% tổng giá trị sản xuất CN tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 10,3%/năm (từ 61,26 triệu USD năm 2020; ước đến năm 2025 đạt 100 triệu USD), đạt 5,56% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiện tỉnh đang triển khai các dự án hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao tại các địa phương trọng điểm, nhằm mở rộng quy mô sản xuất và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Định hướng đến năm 2030
Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng CN. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN trọng điểm như: KCN Phú Thuận, KCN Giao Hòa, KCN Phước Long. Hiện nay, KCN Phú Thuận (tổng mức đầu tư 3.539,586 tỷ đồng) đang được triển khai giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và đang thi công các gói thầu xây dựng. Có 22 nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư vào KCN Phú Thuận, với tổng diện tích đăng ký 142/167,68ha đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp (chiếm 85% diện tích đất có khả năng cho thuê). Tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư cho 2 dự án và đang trình UBND tỉnh xin đầu tư 1 dự án. Dự kiến đến cuối năm 2025, sẽ thu hút đầu tư lấp đầy KCN này theo định hướng ưu tiên đầu tư cho CN chế biến nông, thủy sản tại địa phương.
Theo Quy hoạch phát triển tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1399/QĐ-TTg, tỉnh sẽ phát triển 14 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích 918ha. Hiện nay, các huyện, thành phố đang tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng cũng như đề xuất các giải pháp để bố trí, huy động nguồn vốn nhằm phát triển các CCN trên địa bàn quản lý.
Đến thời điểm này, có 7 CCN được thành lập, với tổng diện tích 267,94ha. 6 CCN đã quy hoạch chi tiết, với tổng diện tích 249,4ha. 3 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các CCN có 22 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 5.020,521 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.453 lao động.
Hiện ngành điện đang đầu tư 6 công trình đường dây, trạm 110kV. Các công trình điện 110kV sẽ cấp điện cho KCN An Hiệp đang quá tải, ổn định cấp điện cho KCN Giao Long và KCN Phú Thuận sắp tới. Khi các đường dây này hình thành sẽ tạo mạch vòng 110kV hoàn chỉnh, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế cả 3 huyện biển.
Thời gian tới, tỉnh vẫn xác định trọng tâm là tăng tốc đầu tư hạ tầng KCN, CCN. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN trọng điểm như: KCN Phú Thuận, KCN Giao Hòa, KCN Phước Long. Các KCN được thúc đẩy phát triển theo hướng đồng bộ, tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư.
Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu nâng tỷ trọng ngành CN trong GRDP lên mức 30%, trong đó các ngành CN chủ lực đóng góp hơn 60% với chiến lược chính là: Tiếp tục thu hút đầu tư vào ngành CN chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững, thúc đẩy hợp tác giữa DN trong nước và nước ngoài.