
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 2 của vụ án. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Luật sư bào chữa cho bị hại N.T.T.H. lập luận rằng, bà Trương Mỹ Lan không thể một mình thực hiện hành vi phạm tội quy mô lớn như vậy, mà phải có sự tham gia, hỗ trợ từ nhiều cá nhân, tổ chức. Trong quá trình phát hành trái phiếu, SCB được cho là đã cử nhân viên trực tiếp tư vấn khách hàng. Nhiều trái chủ khẳng định họ bị nhầm tưởng đây là sản phẩm tiết kiệm chứ không phải trái phiếu, và bản thân không có nhu cầu đầu tư trái phiếu.
Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX buộc SCB và TVSI chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do hành vi tư vấn, phát hành và phân phối trái phiếu trái quy định pháp luật.
Đáng chú ý, luật sư đại diện một bị hại khác cũng đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát về việc xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bà Trương Mỹ Lan, do bị cáo đã chủ động khắc phục khoảng 1/4 hậu quả từ hành vi lừa đảo. Bị hại này cũng đề nghị HĐXX cân nhắc tạo điều kiện để bà Lan có cơ hội tiếp tục bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Trong phần bào chữa, luật sư của các bị cáo khác cũng nêu nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Cụ thể, bị cáo Vũ Quốc Tuấn (cựu Giám đốc tài chính Công ty Sunny World) được nhấn mạnh là có nhân thân tốt, gia đình khó khăn, đã nộp 1,25 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Bị cáo Trần Thị Lan Chi (cựu Kế toán trưởng Công ty CP Dịch vụ Thương mại TP. Hồ Chí Minh - SETRA) được trình bày có 9 tình tiết giảm nhẹ, trong đó có hoàn cảnh cá nhân và công tác sau thai sản. Bị cáo đã nộp tổng cộng 1,12 tỷ đồng khắc phục thiệt hại.
Bị cáo Lý Quốc Trung (cựu Phó Tổng Giám đốc kiêm kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C) đã nộp 1,1 tỷ đồng và có đơn xin giảm nhẹ từ phía bị hại, cán bộ công ty và Hiệp hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam.
Với bị cáo Huỳnh Phong Phú (cựu kế toán Công ty Quang Thuận), luật sư cho biết bị cáo mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Bị cáo cũng đã khắc phục 1,08 tỷ đồng cho các trái chủ.
Theo Thành Trọng - Cẩm Giang (Báo SGGP)