Chung tay phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

11/04/2025 - 05:21

BDK - Thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thời gian qua, các hoạt động phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú hơn, có sự tham gia, chung tay của các tổ chức, đoàn thể, cả các doanh nghiệp xã hội, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân thụ hưởng. Công tác thư viện công cộng, thư viện trường học cùng với các phong trào khuyến đọc được tổ chức bằng nhiều hình thức đã từng bước lan tỏa những giá trị tích cực của văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thư viện Nguyễn Đình Chiểu giới thiệu sách theo hình thức sân khấu hóa.

Đa dạng hoạt động khuyến đọc

Thư viện Nguyễn Đình Chiểu là thư viện công cộng cấp tỉnh; là đơn vị nòng cốt trong thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Với hệ thống thư viện công cộng rải khắp từ tỉnh, huyện, xã, cơ sở với các tủ sách pháp luật, tủ sách văn hóa, tủ sách Bưu điện - văn hóa, tủ sách Chi hội nông dân... đã và đang góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân; là môi trường học tập tin cậy, thân thiện ngoài nhà trường, góp phần giáo dục không nhỏ đến việc hình thành nhân cách, tâm hồn cho con người Việt Nam. Các hoạt động phát triển văn hóa đọc có sự phối hợp, cộng lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp xã hội.

Phó giám đốc Thư viện Nguyễn Đình Chiểu Hồ Duy Khánh cho biết: Thời gian qua, các mô hình phát triển văn hóa đọc đã được chúng tôi áp dụng, phát huy hiệu quả như: Tọa đàm giới thiệu sách “Sách, tri thức và cuộc sống”; chương trình “Hành trình văn hóa”, xe thư viện thông minh lưu động, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại công sở và các cơ sở thờ tự, tôn giáo, mô hình Cà phê sách... Hoạt động lĩnh vực thư viện cũng được tăng cường thời lượng và đổi mới hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc đọc sách.

Bên cạnh đó, hệ thống thư viện công cộng đã thường xuyên được bổ sung nguồn sách, báo, tạp chí đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu đọc của nhiều đối tượng độc giả. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ vào hoạt động thư viện, cung cấp các dịch vụ thư viện điện tử, thư viện số cho bạn đọc. Mạng lưới thư viện và điểm đọc sách được mở rộng thông qua công tác luân chuyển sách, tăng cường phối hợp với các trường học, cơ sở giáo dục để đưa sách đến gần hơn với học sinh, sinh viên. Đặc biệt là việc đặt tủ sách tại các quán cà phê, điểm du lịch, các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo…

Với vai trò là tổ chức đồng hành đáng tin cậy của thanh thiếu nhi, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trên địa bàn tỉnh đã chủ động, sáng tạo với nhiều mô hình, phong trào khuyến khích thanh thiếu nhi đọc sách. Nổi bật, ứng dụng các sản phẩm truyền thông hiện đại như: Motion graphics, Infographics, xây dựng mô hình thư viện chuyển đổi số, chương trình giao lưu, các diễn đàn, cuộc thi bằng hình thức trực tuyến.

Phó bí thư Tỉnh đoàn - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Phan Thanh Trẻ cho biết: “Chúng tôi đã có sự chủ động trong công tác phối hợp, vận động nguồn lực xã hội hóa trong nước và quốc tế để thực hiện các mô hình, phong trào khuyến khích thanh niên đọc sách. Tiêu biểu trong số đó là chuỗi hoạt động nằm trong Dự án “Thực hiện các hoạt động an sinh xã hội và nâng cao công tác khuyến đọc cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh” do Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Tổ chức Global Vision (Hàn Quốc) tại Việt Nam phối hợp thực hiện đã xây dựng được 4 công trình thư viện. Mỗi công trình với kinh phí hơn 700 triệu đồng đã trang bị hơn 3 ngàn đầu sách, máy tính, cùng các trang thiết bị cần thiết phục vụ việc nghiên cứu tài liệu, học tập và chia sẻ, trao đổi tri thức của đoàn viên, thanh niên và học sinh tại các trường. Hay mô hình “Thư viện lưu động” và chuỗi hoạt động hướng dẫn kỹ năng đọc sách, cảm nhận sách cho đoàn viên, thanh niên, học sinh tại 27 trường tiểu học trên địa bàn các huyện. Mô hình “Tủ sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” tại 100% trụ sở cơ quan làm việc…”.

Phát triển phù hợp với giới trẻ

Ngày nay, trong xu thế chuyển đổi số của cả đất nước, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu đang dần chuyển đổi từ phương pháp quản lý thư viện truyền thống sang phương pháp quản trị tri thức. Trong đó, chú trọng chia sẻ và kết nối nguồn tài nguyên, liên thông với các thư viện trong hệ thống Liên hiệp Thư viện đồng bằng sông Cửu Long, nhằm tăng cường chia sẻ, hợp tác trong sử dụng chung tài nguyên thông tin và liên kết tổ chức dịch vụ thư viện phục vụ bạn đọc. Đồng thời, thư viện còn đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi trọng tâm của thư viện từ các bộ sưu tập được lưu trữ trên giá kệ truyền thống thay đổi thành các cơ sở dữ liệu được lưu giữ trên các phần mềm hiện đại.

Để các hoạt động khuyến đọc hiện nay trở nên gần gũi, phù hợp hơn với giới trẻ, cán bộ, đoàn viên, thanh niên chính là lực lượng nòng cốt, là tấm gương trong việc thực hành thói quen đọc sách mỗi ngày. Thông qua việc tự đọc, tự học và lan tỏa, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh mong muốn có một thế hệ trẻ thanh niên Đồng Khởi khát vọng tri thức, phát triển tư duy, rèn luyện khả năng phân tích và phản biện. Từ đó, góp phần vào việc xây dựng một xã hội học hỏi, sáng tạo và phát triển bền vững.

“Chúng tôi luôn khuyến khích đoàn viên, thanh niên chủ động đề xuất nguyện vọng, tham gia tổ chức các hoạt động phát huy văn hóa đọc, sử dụng mạng xã hội đúng cách để chia sẻ cảm nhận sách, mở rộng không gian cho cộng đồng cùng tham gia trao đổi. Các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội quan tâm tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là những văn nghệ sĩ trẻ, người nổi tiếng tham gia vào các chương trình giáo dục cho thiếu nhi, như các hoạt động kể chuyện, đọc sách cho trẻ em, tổ chức các buổi giới thiệu sách, tặng sách tại các trường học…”, anh Phan Thanh Trẻ  - Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết.

Chuỗi hoạt động Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam tại tỉnh sẽ diễn ra từ ngày 15-4 đến hết ngày 2-5-2025. Trong đó, cao điểm sẽ được tổ chức vào ngày 17, 18 và 19-4-2025 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh với các thông điệp là: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”. Nhiều hoạt động sẽ được tổ chức, gồm: trưng bày, triển lãm tranh ảnh, sách, báo, tư liệu, công nghệ và dịch vụ số, đổi sách cũ - lấy sách mới, các cuộc thi, hội thi, tọa đàm chuyên đề, tập huấn kỹ năng, phục vụ sách cho cộng đồng…

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN