Lập di chúc cho con riêng tài sản thừa kế

30/03/2025 - 20:34

Ông N.V có nhu cầu tư vấn: Vợ tôi qua đời đã lâu và không có di chúc. Chúng tôi có 2 con chung đã lập gia đình ở riêng. Vợ chồng tôi có nhà cấp 4 cùng 5.000m2 đất vườn. Xin hỏi: Tôi muốn lập di chúc cho con riêng căn nhà được không. Cháu nay đã 16 tuổi, mẹ đã mất do bệnh nặng. Thủ tục ra sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Căn cứ theo Điều 609 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về quyền thừa kế: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Theo Điều 630 BLDS quy định: Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Luật quy định: Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Theo thông tin ông cung cấp thì ông và vợ ông có 1 căn nhà cấp 4 và 5.000m2 đất vườn, vợ ông qua đời đã lâu và không có di chúc. Như vậy, phần nhà và đất này là tài sản chung của vợ chồng ông, trong đó 1/2 là của ông và ½ là của vợ ông. Nay vợ ông đã mất, không để lại di chúc, do vậy nên phần tài sản của vợ ông trở thành “Di sản thừa kế” và được phân chia theo quy định pháp luật.

Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên và như trình bày của ông, nếu ông lập di chúc trong điều kiện tinh thần minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hay bị cưỡng ép, thì ông có quyền lập di chúc cho con riêng của ông đối với phần tài sản của ông trong khối tài sản chung nêu trên.

Theo quy định pháp luật, di chúc có thể được hình thành dưới nhiều hình thức: di chúc bằng miệng; di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc có công chứng, chứng thực.

Tùy thuộc vào hình thức di chúc ông lập mà thủ tục lập sẽ khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay loại di chúc phổ biến nhất là “Di chúc có công chứng, chứng thực”. Ông có thể liên hệ phòng công chứng để được hướng dẫn cụ thể.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN