Đậm đà bản sắc các dân tộc

21/04/2010 - 08:21
Tiết mục “Múa sạp” trong ngày liên hoan văn hóa các dân tộc. Ảnh: Thanh Long

Ngày 17-11-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668 về Ngày văn hóa các dân tộc và chọn ngày 19-4 hằng năm là “Ngày văn hóa các dân tộc”.

Dù không nhiều so với cả nước, nhưng các dân tộc anh em hiện đang sinh sống trên quê hương xứ dừa như Kinh, Hoa, Khmer, Chăm, Mường… phần nào vẫn còn lưu giữ được bản sắc riêng của mình và “Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam” (VHCDTVN) lần II năm 2010 do Sở VHTT&DL tổ chức tại Trung tâm VH tỉnh ngày 19-4-2010 là cuộc giao lưu đậm đà bản sắc dân tộc, giúp các dân tộc anh em có dịp gặp gỡ và thể hiện tinh thần đoàn kết. Đến tham dự Ngày hội VHCDTVN có ông Hà Thanh Hùng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ông Huỳnh Văn Hùng, ông Bùi Văn Chương, ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, ông Trần Quốc Việt - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre cùng đại diện ban ngành tỉnh và đông đảo quần chúng nhân dân.
Liên hoan văn hóa - văn nghệ chào mừng Ngày hội VHCDTVN tại Bến Tre năm nay diễn ra với nhiều hoạt động như: Các trò chơi dân gian (diễn ra buổi chiều) có tên gọi “Bịt mắt vẽ tranh”, “Bịt mắt đập nước”, biểu diễn lân chào mừng, đồng diễn thể dục dưỡng sinh và điểm nhấn là Liên hoan “Tiếng hát các dân tộc”, Liên hoan ẩm thực tạo nên một không khí náo nức, rất vui tươi và ý nghĩa. Anh Liêu Quốc Nghị (gốc gia đình người Hoa) công tác ở bộ phận kẻ vẽ Phòng VHTT huyện Mỏ Cày Nam vui vẻ cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia trò chơi “Bịt mắt vẽ tranh”, dù sản phẩm không hoàn mỹ nhưng tôi cảm thấy rất vui, rất thú vị. Khi hết giờ qui định, tôi mở khăn bịt mắt ra và chỉ biết đứng cười trước sản phẩm của mình”. Trò chơi “Bịt mắt đập nước” cũng không kém phần rộn rã với những tiếng reo hò cổ vũ nhiệt tình của các đội tham gia và khán giả. Thu hút sự chú ý  của nhiều người còn có hoạt động của Liên hoan ẩm thực với sự đa dạng của món cháo: cháo tép, cháo trâu, cháo sò huyết, cháo gà ác, cháo bò, cháo cá lóc, cháo gà tàu… Nhưng có lẽ sâu lắng nhất vẫn là 25 tiết mục biểu diễn của 10 đội (8 huyện, thành phố Bến Tre và Công an tỉnh) tham gia trong Liên hoan “Tiếng hát các dân tộc” vào buổi tối cùng ngày hôm ấy.
Nếu Thạnh Phú có “Xat-xa-ra-ca” (dân ca Khmer) mênh mang nỗi buồn của một tình yêu không trọn vẹn, thì TP Bến Tre với “Ánh trăng nói hộ lòng tôi” (dân ca Hoa) tha thiết từng lời “…em hỏi anh yêu em chừng nào? Anh nói anh yêu em rất nhiều, tâm tình này là thật, trái tim này là thật…”. Giồng Trôm lại chọn một “Bến Thượng Hải” (nhạc Hoa) đầy mạnh mẽ và vui cùng “Lập xuân” (dân ca Nùng). Khi Mỏ Cày Bắc giòn giã với “Tiếng Cồng bốn mùa” (nhạc Mường) thì Mỏ Cày Nam cũng đầy hào hứng niềm vui qua “Múa sạp”, và Chợ Lách hưởng ứng bằng “Độc tấu đàn sáo” rất điêu luyện, thu hút sự chú ý của người xem. Nhớ về nguồn cội, Ba Tri có “Bản hùng ca chim lạc” (nhạc người Kinh), Châu Thành vững tin cùng “Tự hào Đảng Cộng sản Việt Nam”…  Mỗi dân tộc một vẻ riêng, một cái hay riêng nhưng tựu trung đều đong đầy tình cảm, đặc biệt khi những bài hát ấy lại được trình bày bởi phần lớn người dân tộc (hoặc gốc gia đình dân tộc). Cô Lý Hồng Nhi (đơn vị Châu Thành) - người trình bày bài hát “Tình yêu trong đêm trăng” (nhạc Khmer) đã bộc bạch: “Tôi là con của hai dân tộc Kinh và Hoa, gia đình sinh sống ở Bạc Liêu nhưng lại có duyên về đất Bến Tre này (1984). Tôi thích tham gia văn nghệ từ lúc còn trẻ, bây giờ dù luống tuổi nhưng tôi vẫn còn thích hát. Tôi có thời gian sống ở Campuchia, nên có thể hát được cả 3 ngôn ngữ: Khmer, Hoa và Kinh. Đây là lần thứ hai, tôi tham gia Liên hoan này”.
Nhận xét chung về Liên hoan “Tiếng hát các dân tộc”, nhạc sĩ Quốc Nam - nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, Trưởng Ban Giám khảo đã nói: “Đây là lần thứ hai Bến Tre tổ chức Ngày hội VHCDTVN, các huyện đều tham gia đầy đủ. Tuy nhiên, do một số dân tộc (đang sinh sống tại tỉnh Bến Tre) có số lượng người quá ít, nên các tiết mục dàn dựng thể hiện nét văn hóa các dân tộc chưa được phong phú lắm. Mặt khác, có một số đơn vị đầu tư khá nhiều, nhưng cũng có một số đơn vị còn đơn điệu, hiệu quả chưa cao. Ngày hội VHCDTVN đã tạo cơ hội cho các anh chị em và các đơn vị một không khí vui tươi, hồ hởi và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em”. Ban tổ chức đã trao nhiều giải thưởng cho các trò chơi dân gian, ẩm thực. Nguyễn Văn Thạch (Ba Tri) đoạt giải nhất trò chơi “Bịt mắt đập nước”, đội TP Bến Tre đoạt giải nhất trò chơi “Bịt mắt vẽ tranh”, hai đội: Giồng Trôm và Ba Tri đồng giải nhất Liên hoan ẩm thực. Có 12 tiết mục trong Liên hoan “Tiếng hát các dân tộc” được chọn trao các giải, đơn vị có chương trình đoạt khá: Chợ Lách, Châu Thành và Ba Tri, các đơn vị còn lại đoạt giải phong trào.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN