Dấu ấn Đoàn Văn công giải phóng

26/06/2020 - 07:58

BDK - Buổi họp mặt kỷ niệm 58 năm Ngày thành lập Đoàn Văn công giải phóng (VCGP) Bến Tre (25-6-1962 - 25-6-2020) diễn ra trong không khí ấm áp vào tối 24-6-2020, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Văn Chương, cùng lãnh đạo sở, ngành tỉnh, các huyện và hơn 100 diễn viên, nhân viên Đoàn VCGP và các bạn trẻ thế hệ kế thừa.

Một tiết mục biểu diễn của các cô, chú Đoàn Văn công giải phóng tại buổi họp mặt.

Một tiết mục biểu diễn của các cô, chú Đoàn Văn công giải phóng tại buổi họp mặt.

Nhiệm vụ cách mạng

Truyền thống của Đoàn VCGP Bến Tre là một trong những trang sử vẻ vang, đầy bi tráng thời hoa lửa. Bởi lẽ, nơi đây chứa đựng tinh thần chiến sĩ và tấm lòng nghệ sĩ. Ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng đoàn VCGP Bến Tre chia sẻ: sau thời gian chuẩn bị, 19 giờ ngày 25-6-1962, Đoàn VCGP đã ra đời và có đêm diễn đầu tiên tại Hồ Cỏ với chương trình ca múa kịch tổng hợp. Khi ấy, có các anh chị như: Đoàn Tứ (Trưởng đoàn), Nguyễn Tấn, Xuân Cảnh, Cầu Tiến, Sáu Huệ, Mười Sườn, Chí Thiện, Ba Thu, Huấn Ngọc, Chí Thanh… Sau đó, đoàn đi lưu diễn khắp vùng giải phóng Bến Tre, được cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vô cùng mến mộ và hoan nghênh.

“Chiến tranh ác liệt, Đoàn VCGP phải chịu bao hy sinh, mất mát. Từ một đơn vị nghệ thuật có trên 50 người, đến năm 1969 chỉ còn vỏn vẹn 11 người. Dù vậy, đoàn vẫn bám trụ và hoạt động. Anh Lê Huỳnh được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn giai đoạn này. Trong chiến tranh ác liệt, chúng tôi đã “vượt qua khói bom và hát trong lửa đạn”. Đến hòa bình, đội ngũ những người làm văn hóa nghệ thuật ngày ấy lại tiếp tục cống hiến, hoạt động tích cực trên lĩnh vực văn hóa của tỉnh nhà. Đoàn VCGP là tiền thân của Đoàn Ca múa Bến Tre và Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre”, ông Trần Công Ngữ bày tỏ.

Tại buổi họp mặt, nhiều cô chú từng là diễn viên của Đoàn VCGP đã trình diễn lại các bài hát, tiết mục đã từng được biểu diễn trong thời kỳ ấy. Đó là “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”, “Người lính già vui vẻ”, “Nhớ cha trong mùa phượng đỏ”…

Kế thừa truyền thống

Nhiệt huyết, đoàn kết và dũng cảm, không ngại khó khăn, gian khó để hoạt động nghệ thuật cổ vũ cách mạng… là những giá trị tinh thần mà các cô, các chú Đoàn VCGP ngày ấy để lại cho các thế hệ tiếp nối về sau. Thế hệ ngày ấy, không có khoảng cách tuổi tác hay thứ bậc, chỉ có niềm đam mê ca hát và trải lòng vào tác phẩm. Giai đoạn có khác đi, cuộc sống và hoạt động nghệ thuật đã có nhiều đổi mới, song giá trị tinh thần của các thế hệ Đoàn VCGP vẫn mãi được lưu giữ và phát huy.

 Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Nguyễn Hoài Anh xúc động bày tỏ sự ngưỡng mộ tinh thần hoạt động nghệ thuật của các cô chú ngày ấy: “Tôi cảm thấy tự hào được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà văn hóa nghệ thuật, tự hào được kế thừa truyền thống, đi theo con đường mà các thế hệ đi trước đã đổ bao công sức và cả máu xương để xây nên. Xúc động vì được gặp lại những người thân thương, khi thấy tóc các cô chú đã ngã hẳn một màu trắng. Nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được nhiệt huyết các cô chú vẫn tràn trề và vững tin sự quan tâm dìu dắt chỉ bảo của tiền bối sẽ không vơi qua năm tháng”.

Ông Nguyễn Hoài Anh bày tỏ niềm tin về sự kế thừa truyền thống, sự đoàn kết chung lòng vì sự nghiệp của lớp người đi trước. Từ truyền thống: “Chắc tay súng, vững tay đàn, vượt qua mưa bom lửa đạn”, thế hệ kế thừa sẽ tiếp tục “Vững nhiệt huyết, trọn niềm tin”. Kế thừa, hoạt động nghệ thuật tỉnh nhà đã có nhiều đổi mới, lấy sự đoàn kết, năng động, đổi mới làm trọng tâm, mang hình ảnh xứ Dừa gửi vào các tác phẩm nghệ thuật để giới thiệu công chúng gần xa. Nhiều tiết mục, chương trình đã đạt giải cao tại các cuộc thi, liên hoan cấp khu vực; cũng như tổ chức hàng ngàn xuất diễn phục vụ cho hoạt động chính trị, văn hóa của tỉnh, của địa phương; đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

“Tôi đã từng xem qua vở cải lương Cây Dừa Đỏ của soạn giả Lê Huỳnh - cán bộ của Đoàn VCGP cũng như nhiều chương trình của các cô chú qua các thước phim tư liệu. Chúng tôi nhận thấy, những giá trị nghệ thuật mà các cô chú để lại là rất ý nghĩa. Kế thừa các thế hệ cô chú, hiện nay có Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh và các đơn vị hoạt động văn hóa cấp huyện, thành phố. Về phía ngành văn hóa, chúng tôi rất trân trọng những đóng góp của các cô, chú và sẽ tiếp nối truyền thống của Đoàn VCGP, cố gắng thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của ngành về phát triển nghệ thuật, văn hóa tỉnh nhà”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bàn nói.

Tại buổi họp mặt, ông Trần Công Ngữ và nhạc sĩ Lan Phong đã trao lại bức trướng có dòng chữ “Vượt qua mưa bom lửa đạn, chắc tay súng, vững tay đàn” cho thế hệ trẻ đang hoạt động lĩnh vực văn hóa tỉnh nhà. Đây là bức trướng do Tỉnh ủy Bến Tre tặng cho Đoàn VCGP nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đoàn (năm 2012).

Ngày 25-6-2020, Đoàn VCGP có chuyến về nguồn tại Nghĩa trang Hồ Cỏ, xã Thanh Hải, huyện Thạnh Phú - nơi biểu diễn đầu tiên, nơi thành lập Đoàn VCGP Bến Tre.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN