Đông đảo cán bộ, nhân dân đã đến viếng và thắp hương cụ Đồ Chiểu.
Sức hút Ngày hội
“Hay quá bạn ơi”, “Giống quá”, “Tuyệt quá”… Hàng trăm đoàn viên, thanh niên với sắc áo xanh tươi trẻ phủ khắp khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu đã cùng hò reo vang dội, cổ vũ cho các bạn mình đang tham gia phần thi hóa trang, trình diễn hình tượng cụ Đồ Chiểu. Đây là phần thi mới so với các năm (các năm trước thi diễn tiểu phẩm Lục Vân Tiên) do Tỉnh Đoàn và Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức. Bạn Nguyễn Hoàng Lam - đoàn viên xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri cho biết, để “vào vai” cụ Đồ, bạn không chỉ trông cậy vào việc hóa trang cho giống mà còn dành thời gian nghiên cứu từng chi tiết, tính cách của cụ để có thể diễn tả đúng thần thái.
Sau phần diễn, các bạn cùng nhau tham gia hội thi thắt lá dừa và trình diễn trang phục từ dừa, trắc nghiệm tìm hiểu về Ngày hội truyền thống Văn hóa tỉnh… Không khí ngày hội trở nên sôi động và vô cùng náo nhiệt với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Người chuộng thể thao thì đến tham gia hoặc xem và cổ vũ các hội thao với các trò chơi dân gian như: kéo co, đập thau… Người đam mê ẩm thực thì ghé 16 gian hàng “Hương vị miền quê” với hàng chục loại bánh, nước uống dân gian được làm ra từ những bàn tay khéo léo của các chị phụ nữ huyện Ba Tri.
Các khu vực trưng bày khác cũng đã thu hút đông đảo du khách tìm đến như: khu trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, trưng bày sách, tài liệu về cụ Đồ Chiểu… Tối đến, người dân lại được thưởng thức phần trình diễn của các tài tử trong tỉnh tại Liên hoan đờn ca tài tử - Giọng ca nhí.
Một hoạt động nữa cũng được xem là dấu ấn của Ngày hội năm 2019 - tọa đàm nghi thức cúng đình và đọc chúc văn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 18 đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh và 6 đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Tọa đàm nhằm trao đổi các vấn đề về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nghi thức đọc chúc văn, tế lễ trong đời sống tín ngưỡng cộng đồng.
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - nguyên Phó trưởng khoa Sau đại học - Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh - người đã có nhiều năm nghiên cứu về nội dung này nhận định, lễ Kỳ Yên đình làng đã cung cấp cho cộng đồng một tập hợp chuẩn mực đạo lý như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng…” hay những khát vọng về “Quốc thái dân an”, “Phong điền vũ thuận”. Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, các yếu tố hình thức bao gồm: cách chưng bày trên các bàn thờ, trang trí khuôn viên đình, trang phục của Ban hội đình, lễ sinh, nhạc sinh, đào thài, ban khánh tiết… cho đến người tham dự cũng cần được quy định thống nhất. Hiện tượng thiết kế trang phục lễ sinh, nhạc sinh tùy tiện; trang phục hở hang, lôi thôi, phản cảm của người tham dự… không chỉ mất vẻ mỹ quan mà còn phản ánh sự nông cạn về giá trị văn hóa truyền thống.
Nhắc nhớ hiền nhân
Sinh thời, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã trải qua một phần tư thế kỷ gắn bó và chiến đấu cùng với nhân dân huyện Ba Tri nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung. Ông là nhà thơ, nhà giáo yêu nước và chiến đấu chống kẻ thù không khoan nhượng bằng chính ngòi bút sắc bén của mình. Người dân Bến Tre nhớ đến ông là nhớ đến quan điểm cách mạng sâu sắc: “Cái gì có hại cho dân, cho nước là xấu, là tà phải trừ; còn cái gì có lợi cho dân, cho nước là chính nghĩa phải làm cho bằng được”.
Nhân dân các xã trong huyện Ba Tri tham gia các trò chơi dân gian (trong ảnh trò chơi kéo co).
Tưởng nhớ cụ, hàng năm rất đông người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh về viếng và thắp hương tại đền thờ cụ nhân dịp kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của cụ. Thầy Đặng Duy Phước - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, hàng năm, trường đều có tổ chức đoàn về Bến Tre để viếng Đền thờ cụ vào dịp Ngày hội truyền thống văn hóa 1-7, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của cụ. Thành phần đoàn có giáo viên, nhân viên, học sinh và có cả phụ huynh các em học sinh.
“Vì trường được vinh dự mang tên của cụ Nguyễn Đình Chiểu nên việc tổ chức về nguồn có ý nghĩa rất quan trọng. Đây không chỉ là dịp để nhà trường bày tỏ lòng tôn kính với cụ Đồ Chiểu mà còn là dịp để ôn lại thân thế cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của cụ. Tại trường, công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp cụ Đồ Chiểu cũng được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức đa đạng”, thầy Phước cho hay.
Thầy Đặng Duy Phước nhận định, Bến Tre tổ chức trang trọng các nghi thức lễ viếng cũng như có nhiều hoạt động phong phú tạo không khí sôi nổi cho ngày hội. Năm nay lại có nhiều điểm mới hơn so với mọi năm như có phần giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của địa phương, có các gian hàng ẩm thực với các món ăn dân dã… Dù đã có nhiều dịp về thăm Bến Tre nhưng mỗi chuyến tham quan đã giúp cho các thành viên trong đoàn hiểu thêm về những nét đặc trưng của Bến Tre.
Em Lê Bảo Hân - lớp 8 Trường THCS An Bình Tây, Ba Tri đã cùng các bạn nghiêm trang đến thắp hương tại Đền thờ cụ Đồ Chiểu vào ngày hội. Em chia sẻ, không chỉ được nghe thầy cô nhiều lần ôn lại thân thế và sự nghiệp thơ văn của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu mà hàng năm, các em đều được trường tổ chức đoàn đến viếng và thắp hương để tưởng nhớ cụ. Bản thân em cũng rất thích điều này vì không chỉ thể hiện lòng tôn kính với cụ mà còn là dịp để cầu nguyện cụ phù hộ cho em được mạnh khỏe và học hành tốt hơn.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo, Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh vừa đến viếng, thực hiện nghi thức dâng hương tại Đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu. Các đại biểu đã cùng tham dự lễ đọc văn bia tưởng nhớ về tinh thần yêu nước và đức độ của cụ Đồ Chiểu. |
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt