Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và các vấn đề cần lưu ý khi sắp xếp tổ chức bộ máy

14/02/2025 - 11:26

BDK.VN - Sáng 13-2-2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Tổ về các nội dung: (1) Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); (2) Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); (3) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn điều hành phiên thảo luận tại Tổ.

Tổ thảo luận số 9, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Tuyên Quang, Hòa Bình, Quảng Ninh và Bến Tre do Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre  Nguyễn Trúc Sơn điều hành.

Các đại biểu trong Tổ đã thảo luận sâu, vừa mang tính quy phạm vừa mang tính thực tiễn các nội dung nêu trên. Qua thảo luận, tất cả các đại biểu đều thống nhất với tính chất cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như việc trình Quốc hội ban hành nghị quyết (NQ) để xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, kịp thời thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng về “cuộc cách mạng” sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Qua thảo luận, một số vấn đề nổi lên được nhiều đại biểu quan tâm như: Vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền của Trung ương cho chính quyền địa phương; việc sắp xếp lại và đảm bảo hoạt động của ngành thanh tra sau sắp xếp; vấn đề phân định thẩm quyền chung của UBND với thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND...

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn bày tỏ kỳ vọng lần sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương này không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà còn góp phần giải quyết những vấn đề đang vướng mắc trong thực tiễn quản lý nhà nước ở cấp địa phương.

Liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, đại biểu thấy hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã mạnh dạn phân cấp, phân quyền về cho chính quyền cấp tỉnh. Như trong lĩnh vực quy hoạch, cấp Trung ương phê duyệt quy hoạch chung, còn kế hoạch, chương trình thì ủy quyền cấp tỉnh phê duyệt (như trong Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn...).

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền cấp tỉnh trên các lĩnh vực khác như: Quản lý xây dựng, đất đai, quản lý hạ tầng giao thông, môi trường, phân cấp phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, quản lý khoáng sản, đầu tư công để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh (Điều 17), của Chủ tịch UBND tỉnh (Điều 18): Đại biểu cho biết thực tế hiện nay, trong các văn bản luật đều quy định rõ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết, các bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn thì nhiều biểu mẫu để thực hiện các thủ tục hành chính đều ghi là “UBND tỉnh”. Nếu thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh thì phải thông qua phiên họp thành viên UBND tỉnh hoặc gửi xin ý kiến để tập thể thành viên UBND tỉnh cho ý kiến mới thực hiện được, trong khi nhiều thủ tục hành chính theo chuẩn ISO hiện nay quy định thời gian giải quyết rất ngắn, từ đó đã gây khó khăn cho công tác giải quyết thủ tục hành chính của UBND tỉnh.

Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) lần này, Ban soạn thảo cần phân định rõ các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh với nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh, và các văn bản dưới luật ban hành sau đều phải đảm bảo quy định thống nhất với Luật. Việc phân định rõ thẩm quyền chung của tập thể với thẩm quyền riêng của cá nhân người đứng đầu vừa nhằm phát huy trí tuệ tập thể của thành viên UBND đối với việc xem xét quyết định các vấn đề chung, cũng vừa góp phần nâng cao trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của Chủ tịch UBND trong chỉ đạo điều hành, xử lý công việc, hạn chế tình trạng việc gì cũng chờ đưa ra tập thể cho ý kiến rất mất thời gian.

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị trong sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này, cần làm rõ và có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn giữa thẩm quyền của HĐND tỉnh với Thường trực HĐND tỉnh, nhất là thẩm quyền giải quyết, quyết định các vấn đề giữa hai kỳ họp lệ kỳ của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cần được bổ sung thêm thẩm quyền quyết định nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương (giống như cơ chế Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề giữa hai kỳ họp lệ kỳ của Quốc hội).

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, - phát biểu tạ Tổ thảo luận số 9, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 13-2-2025. 

Đối với Dự thảo NQ của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành NQ. Đại biểu góp ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, việc chuyển một số chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị sang tổ chức mới thì cần quy định rõ cơ quan tiếp nhận nhiệm vụ mới gắn với con người, bộ máy biên chế, tránh chỉ nhận nhiệm vụ mà không tính đến con người hiện tại và chính sách, chế độ (như phân chia các nhiệm vụ hiện hữu của ngành thông tin truyền thông, lao động, xã hội sang các sở, ngành khác...).

Thứ hai, theo quy định thì đến ngày 20-2-2025, tất cả các địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thu hồi con dấu cũ để sử dụng con dấu mới nhưng còn nhiều việc đang thực hiện dang dở, nếu thu hồi con dấu cũ thì không xử lý được, các sở, ngành trong diện sáp nhập đang lo lắng vấn đề này, đề nghị có hướng dẫn.

Thứ ba, về kinh phí hoạt động, ngay từ đầu năm 2025, các bộ, ngành, các cơ quan ở địa phương đều đã được giao dự toán xong, bây giờ tiến hành việc sáp nhập, con người, biên chế, chức năng, nhiệm vụ đều có sự thay đổi, vậy việc thực hiện dự toán sẽ điều chỉnh như thế nào chưa thấy đề cập trong NQ, đề nghị bổ sung quy định hướng xử lý.

Thứ tư, việc xử lý cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, tài sản công của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Kho bạc nhà nước, Ngân hàng, Thuế...), các sở, ngành, cấp huyện thực hiện sáp nhập...cũng cần được quy định rõ nguyên tắc xử lý...nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho các địa phương triển khai thực hiện được thuận lợi, thống nhất, đảm bảo bộ máy sau khi sáp nhập nhanh chóng ổn định, vận hành thông suốt, đồng bộ, hiệu quả, cũng như chính sách nhất quán, đảm bảo quyền lợi cho những người bị ảnh hưởng.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN