Đội ngũ trí thức tham gia phát triển khoa học công nghệ

14/02/2025 - 05:30

BDK - Quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW  ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, cấp ủy, chính quyền tỉnh xác định phát triển KHCN, CĐS là khâu đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỉnh nhà phát triển giàu mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia chủ động, tích cực của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học và nhân dân đối với phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.

Đại biểu trí thức tham dự họp mặt đầu xuân Ất Tỵ 2025.

Khoa học công nghệ đạt kết quả nổi bật

Năm 2024, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, lĩnh vực KHCN của tỉnh có được các kết quả đáng ghi nhận. Theo đánh giá chung, các kết quả lĩnh vực KHCN đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Đáng chú ý, chỉ số (TFP) đóng góp vào tăng trưởng năm 2024 là 47%, đạt 100% kế hoạch, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 101,36% kế hoạch, đạt 110% chỉ tiêu Đề án 04 (35%). Thương mại hóa 8 sản phẩm từ kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và phát triển công nghệ đạt 133,3% so với kế hoạch. Tiềm lực KHCN của tỉnh được tăng cường. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành, tăng 6 bậc; Chỉ số chuyển đổi xanh cấp tỉnh (PGI) xếp vị trí 19/63 tỉnh, thành, tăng 43 bậc so với năm 2022. Chỉ số ĐMST cấp tỉnh (PII) năm 2024 xếp hạng thứ 30/63 tỉnh, thành…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, những kết quả đạt được đầy tự hào của tỉnh trong thời gian qua, nhất là trên lĩnh vực KHCN có nhiều tiến bộ có sự đóng góp quan trọng của lực lượng trí thức của tỉnh và các nhà khoa học, các chuyên gia từ các đơn vị viện, trường tham gia nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án, chuyển giao thành tựu KHCN. Các đề tài, dự án nghiên cứu của tỉnh với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đã chuyển từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu gắn với ứng dụng nhiều hơn. Điều này đã mang lại những kết quả tích cực cho ngành KHCN cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Nâng cao năng lực con người

Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW, một trong các giải pháp quan trọng chính là phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã đề cập đến giải pháp nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là cần ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, đặc biệt là nhân tài KHCN, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế, với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở và môi trường làm việc. Đẩy mạnh phong trào tôn vinh tài năng và sáng tạo, khơi dậy tinh thần yêu nước, cống hiến của các nhà khoa học. Tiếp tục duy trì phong trào học tập suốt đời, cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, trọng tâm là sau đại học, đại học, dạy nghề.

Đội ngũ trí thức, các nhà khoa học được xác định là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS của tỉnh nhà. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tập hợp, thu hút đội ngũ trí thức đang sinh sống, học tập và làm việc ở các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các người con của tỉnh, để họ có điều kiện đóng góp chất xám và nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về vấn đề này, GS.TS Hà Thanh Toàn - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Đội ngũ trí thức Bến Tre tại các địa phương như Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác có nhiều điều kiện để đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên cần có chính sách thật tốt để thu hút đội ngũ trí thức trở về với tỉnh, đóng góp cho tỉnh. Trường Đại học Cần Thơ cũng như các viện, trường sẵn sàng kết nối với tỉnh để mời gọi sinh viên Bến Tre trở về quê hương. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cố vấn là các trí thức người Bến Tre đang công tác tại các viện, trường, đơn vị để tham vấn cho tỉnh.

Từ góc độ Ban Liên lạc đồng hương Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Đoàn Hoàng Hải - Phó trưởng Ban Liên lạc đề nghị cần tiến tới thành lập hội đồng tư vấn hoặc câu lạc bộ trí thức Bến Tre ngoài tỉnh để huy động thêm được nhiều ý kiến đóng góp cho tỉnh. Ban Liên lạc sẽ tiếp tục các hoạt động vận động hỗ trợ, đầu tư cho phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà.

Theo ThS. Nguyễn Võ Nhất Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trí thức trẻ tỉnh, đứng trước xu thế hiện nay, đội ngũ trí thức trẻ của tỉnh nói riêng sẽ tích cực tham gia vào thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đồng thời để nâng cao hiệu quả hoạt động trong hệ thống chính trị, lực lượng trí thức trẻ sẽ chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay của địa phương. Ngoài ra, câu lạc bộ sẽ chú trọng kết nối với các trí thức ngoài tỉnh nhằm mở rộng mạng lưới, huy động thêm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức họp mặt trí thức tiêu biểu đầu xuân Ất Tỵ năm 2025. Sự kiện họp mặt đã thông tin với đội ngũ trí thức về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024. Đồng thời ghi nhận ý kiến của đội ngũ trí thức, cùng đề xuất giải pháp trên các khía cạnh, các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong năm 2025, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Nhất là việc nghiên cứu quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.

Tại họp mặt, tỉnh biểu dương 5 trí thức tiêu biểu đã có nhiều sáng kiến, ứng dụng KHCN.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN