Nhân các giống chuối invitro tại Khu Sinh học Cái Mơn. Ảnh: K.Tuyền
Triển khai quán triệt
Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 36-CTr/TU ngày 16-9-2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp chính quyền, địa phương đã tổ chức hội nghị triển khai quán triệt chỉ thị và các văn bản cụ thể hóa của tỉnh cho đội ngũ cán bộ và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Hầu hết các cấp chính quyền đều xây dựng chương trình hành động để thực hiện chỉ thị; trong đó, đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp khá sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Ngành KH&CN, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, y tế, tài nguyên và môi trường đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện trong hệ thống ngành; xây dựng các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ KH&CN để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và ứng dựng CNSH trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy sản, y tế, môi trường.
Trong giai đoạn 2006 - 2020 tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực tổ chức thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua việc triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ về CNSH.
Ứng dụng trong sản xuất và đời sống
Lai tạo giống bằng CNSH với ứng dụng công nghệ phân tích điện di protein đã bình tuyển được 3 cá thể bưởi da xanh chất lượng ngon, rất ít hay không hạt, sạch bệnh cùng với quy trình thiết kế giống sạch bệnh, phòng trị bệnh bằng biện pháp sinh học. Sản xuất giống cây có múi sạch bệnh sử dụng kỹ thuật vi ghép. Ứng dụng công nghệ tế bào thực vật nhân giống sản xuất một số loại cây giống, hoa kiểng sạch bệnh có chất lượng cao góp phần nâng cao năng suất và an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ vi sinh vật phân lập và xây dựng mô hình nhân giống nấm cấp I, II, III bào ngư, linh chi trên cơ chất mụn dừa quy mô công nghiệp. Khảo nghiệm trên 40 bộ giống với khoảng 150 giống lúa, trên cơ sở đó đã tuyển chọn 10 giống lúa triển vọng với năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cao hơn. Các giống lúa mới 3536, OM 6162, OM 6073, OM 4088, OM 1350, OM 1348, OM 2496... Năng suất lúa bình quân 14 tấn/ha/năm vào năm 2005, nay tăng lên 16,2 tấn/ha/năm. Đến nay, có trên 99% diện tích trồng lúa sử dụng giống mới chất lượng cao. Trên 90% nông dân đã biết sử dụng chế phẩm sinh học kích thích ra rễ trong việc ghép, tháp, chiết cành trong sản xuất giống cây ăn trái làm tăng tỷ lệ sống từ 60% lên 90 - 95%.
Trong phòng trị bệnh cho cây trồng, đã sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trị và kéo giảm tỷ lệ xì mủ, sượng trái, da cám trên măng cụt xuống còn dưới 10%, tỷ lệ sượng trái trên cây sầu riêng còn dưới 2%. Ứng dụng tập đoàn nấm xanh phòng trừ hữu hiệu một số loại sâu, rầy hại trên lúa, dừa, rau màu, hoa kiểng; nhân nuôi thả các thiên địch như ong ký sinh bọ dừa, bọ đuôi kìm phòng trừ bọ cánh cứng, sâu đục trái hại dừa; ong ký sinh mắt đỏ để quản lý sâu đục trái bưởi và kiến vàng phòng trừ sâu bệnh trên cây có múi. Ứng dựng công nghệ phân tử PCR trong chẩn đoán bệnh trên cây trồng được triển khai áp dụng.
Ứng dụng chế phẩm sinh học - hợp chất Ramale biến đổi giới tính của hoa (hoa cái thành hoa đực) tăng khả năng đậu trái trên chôm chôm (tăng năng suất từ 5 - 6 lần so với tự nhiên), trên 90% diện tích trồng chôm chôm trong tỉnh áp dụng. Ứng dụng các chế phẩm sinh học để điều khiển cây cho trái rãi vụ trên cây chôm chôm, sâu riêng, cam, quýt, bưởi... kích thích ra hoa trên khoảng 40% diện tích cây ăn trái của tỉnh, làm tăng năng suất cây ăn trái 2 - 4 lần...
Nhờ ứng dụng CNSH đã làm nền tảng phát triển mạnh phương thức canh tác hữu cơ trên địa bàn, đến nay diện tích được chứng nhận VietGAP 333,75ha trên cây ăn quả và 6.987,1ha dừa hữu cơ. Ngoài ra, tỉnh đã làm chủ công nghệ nuôi trồng nấm bào ngư, linh chi, đùi gà, đông trùng hạ thảo và các sản phẩm chế biến từ nấm. |
(còn tiếp)
Đặng Văn Cử