Việc mấy năm liên tục tỉnh Bến Tre tổ chức Liên hoan Dừa (Festival Dừa) mang ý nghĩa cả về kinh tế và văn hóa, trước hết là tôn vinh ngành dừa và người trồng dừa. Nếu Liên hoan Dừa tại địa phương năm 2009 là sự khởi động cho quá trình tôn vinh đó thì sự kiện tổ chức Liên hoan Dừa lần III năm 2012 này đã nâng lên tầm quốc gia, tiếp cận nhiều cơ hội hội nhập quốc tế để các sản phẩm dừa Bến Tre có giá trị cao hơn, đi xa hơn, ngành dừa phát triển bền vững hơn trước những biến động lớn của thị trường.
Có người băn khoăn: Liên hoan Dừa cấp quốc gia kỳ này hoành tráng và tốn bạc tỷ, lại diễn ra trong thời điểm giá dừa trái tại địa bàn sụt giảm thê thảm! Đối với người nông dân đã từng nắng mưa vất vả cùng cây dừa, sống và thu nhập từ dừa thì hai sự việc trên gần như trái chiều. Còn đối với nhà quản lý và doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm từ dừa thì đây là sự kiện mang tính đột phá, tạo ra những cơ hội, điều kiện để doanh nhân đồng hành cùng người nông dân trồng dừa vượt qua những khó khăn trước mắt để khai thác và phát triển tiềm năng ngành dừa, làm giàu từ dừa, chuẩn bị bước đi hợp lý cho việc xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển về dừa, khai thác tối đa chuỗi giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch từ dừa. Qua đó, tôn vinh người lao động trồng dừa - người nông dân với tư cách là chủ thể trung tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Bến Tre tổ chức Liên hoan Dừa cấp quốc gia có ý nghĩa đặc biệt. Hiệp hội Dừa Việt Nam từ khi thành lập cuối năm 2009, ra mắt BCH nhiệm kỳ 2010- 2015, đã quan tâm đến sứ mệnh phát triển ngành dừa trở thành một mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, việc qui hoạch, sản xuất, chế biến, kinh doanh từ sản phẩm dừa. Nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học, tổ chức tín dụng quan tâm đến sự phát triển lâu dài và khả quan từ chuỗi giá trị, lợi ích mà ngành dừa mang lại. Tuy chưa được công nhận là cây công nghiệp mang tính chiến lược, song cây dừa và ngành công nghiệp chế biến sản phẩm từ dừa đã được đầu tư và phát triển mạnh trong thời gian qua. Từ năm 2011, khi đại diện lãnh đạo Hiệp hội Dừa Việt Nam đến làm việc tại Bến Tre đã bàn thảo việc tổ chức Liên hoan Dừa cấp quốc gia. Bến Tre được chọn là nơi tổ chức thích hợp nhất cho hoạt động này.
Liên hoan Dừa lần III tại Bến Tre cũng là lần đầu tiên được tổ chức với cấp độ quốc gia sẽ là sự hội tụ đại biểu cả nước đại diện cho các cơ quan quản lý, xúc tiến thương mại sản phẩm dừa, tiếng nói người trồng dừa, doanh nghiệp sản xuất từ nguyên liệu dừa và các tổ chức kinh tế quốc tế. Sự quan tâm đặc biệt này xuất phát từ tiềm năng, khả năng khai thác lâu dài từ cây dừa với diện tích ngày càng gia tăng, từ nguyên liệu dừa có thể khai thác, chế biến trở thành sản phẩm chất lượng cao về công nghệ thực phẩm, công nghệ luyện kim và hàng thủ công mỹ nghệ, khai thác giá trị văn hóa, du lịch… Chính vì vậy, nội dung Liên hoan Dừa lần III tại Bến Tre được gửi gắm nhiều thông điệp qua chủ đề “Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển”.
Bến Tre có diện tích trồng dừa và sản lượng dừa lớn nhất nước. Nghề trồng dừa đã gắn bó lâu đời với người dân địa phương. Cây dừa là sản phẩm của nhà nông đồng thời là nguyên liệu đầu vào của hàng loạt các dây chuyền sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp. Dầu dừa, than hoạt tính gáo dừa, cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa… là những mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng nguồn ngoại tệ cho Nhà nước và doanh nghiệp. Trồng dừa, thu nhập từ dừa từ lâu đã trở thành phương thức sản xuất của một bộ phận không nhỏ người nông dân Bến Tre. Ngành công nghiệp chế biến cây có dầu ra đời ngay sau khi đất nước thống nhất năm 1975 và không ngừng phát triển trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương, chủ động hội nhập quốc tế hiện nay.
Vậy nên, Liên hoan Dừa lần III này trước hết để tôn vinh ngành dừa và người trồng dừa. Bởi người nông dân quê Dừa đã làm nên điều kỳ diệu là những giá trị kinh tế và văn hóa mà xã hội hiện đại gọi là thương hiệu và tinh thần. Cả ngàn năm trước, khi thủ đô Hà Nội được gọi là kinh đô Thăng Long, ông cha ta đã kỳ công xây đắp 5 cửa ô để phòng thủ trấn giữ kinh kỳ, trong đó có một cửa ô mang tên Chợ Dừa. Địa danh ấy đến nay vẫn còn. Bến Tre - xứ Dừa có nguồn cội từ hàng trăm năm nay khi các bậc tiền nhân mở cõi, khai hoang, lập ấp. Cây dừa theo cha anh đi đánh giặc. Hương vị dừa thấm đượm tình người, tình quê trong mỗi món ăn miền quê dân dã. Hình ảnh cây dừa thân thương đã đi vào thơ ca, nhạc họa, vào lời ru trên cánh võng.
Chỉ mấy năm vừa qua, chính người nông dân khi tiếp cận thị trường hàng hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, diện mạo ngành dừa có bước chuyển biến lớn. Từ sự định hướng của Nhà nước, tăng cường và mở rộng hợp tác trồng và chế biến dừa, mối liên kết “4 nhà” ngày càng hiệu quả. Nhờ tiếp cận thị trường, người trồng dừa Bến Tre đã lựa chọn, đầu tư thay đổi cơ cấu dừa giống tại địa phương, thực nghiệm và mở rộng các mô hình trồng xen dừa và các loại cây ăn trái khác đã gặt hái thành công bước đầu. Nhiều gia đình khó khăn nhờ vậy mà ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả.
Tuy nhiên, để ngành dừa Bến Tre có bước đột phá mạnh mẽ vươn lên trở thành cây công nghiệp được Nhà nước công nhận thì còn nhiều việc phải làm. Trước hết, cần nhìn nhận cây dừa, sản phẩm dừa và cả ngành dừa nói chung theo quan điểm, tư duy tái cấu trúc nền kinh tế. Nền sản xuất hàng hóa đòi hỏi sự tập trung và kỹ thuật cao không cho phép việc trồng dừa manh mún, không có qui hoạch, hoặc sự không đồng bộ giữa nguồn nguyên liệu dồi dào và công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ. Do vậy, hiện nay rất cần có đội ngũ cán bộ, nhà nghiên cứu, doanh nhân tâm huyết có trình độ quản lý, kinh nghiệm thương trường để bao quát hết tổng thể qui mô và chuỗi giá trị từ cây dừa, qua đó có định hướng qui hoạch và xây dựng chiến lược về ngành dừa. Vận dụng thành tựu khoa học sinh học để tạo nên giống dừa chất lượng cao, qui hoạch vùng nguyên liệu và hệ thống các cơ sở sản xuất, chế biến từ dừa, tăng cường xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, chế biến từ dừa…, tất cả những yếu tố quan trọng đó hướng tới mục tiêu để ngành dừa phát triển bền vững đang trông chờ, kỳ vọng vào tuần Liên hoan Dừa lần III, từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 4-2012 này.