Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Casablanca, Maroc ngày 7-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 27-6-2020 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 9.883.623 ca, trong đó có 495.613 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 5.344.264 bệnh nhân đã hồi phục, số ca nguy kịch hiện là 57.601 và 4.043.735 ca đang điều trị tích cực.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới làm gia tăng quan ngại về nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai, đặc biệt là tại Mỹ, nơi nhiều bang đã phải ngừng hoặc rút kế hoạch bước sang giai đoạn tiếp theo của quá trình mở cửa lại.
Một hiệu cắt tóc mở cửa phục vụ khách hàng ở New York, Mỹ ngày 22-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ: Số ca nhiễm có thể gấp 10 lần con số chính thức
Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh, ghi nhận 2.547.376 ca mắc, trong đó có 127.361 ca tử vong, tính đến 6h sáng 27-6-2020 (giờ VN), tăng 42.788 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố báo cáo cho thấy khoảng từ 5-8% dân số nước này đã nhiễm virus SARS-COV-2. Ước tính trên được CDC Mỹ đưa ra dựa trên các khảo sát đại diện các kết quả xét nghiệm kháng thể trên toàn quốc. Các khảo sát cũng chỉ ra số ca mắc bệnh COVID-19 tại Mỹ trên thực tế có thể còn gấp 10 lần số ca đã được xác nhận chính thức.
Trước tình hình ca lây nhiễm mới tăng mạnh, Thống đốc bang Texas ngày 26-6-2020 đã yêu cầu thêm các hạn chế với hoạt động kinh doanh, một ngày sau khi ông tạm ngừng giai đoạn tiếp theo mở cửa lại nền kinh tế. Texas ghi nhận 5.707 ca COVID-19 trong ngày 26-6-2020, nâng tổng số ca lên ít nhất 137,624, trong đó 2.324 người đã tử vong. Trước đó, hôm 25-6-2020, bang này ghi nhận tới 5.996 ca nhiễm mới. Trong khi đó Thống đốc bang South Carolina Henry McMaster tuyên bố sẽ không dỡ bỏ các hạn chế đối với hộp đêm, sự kiện ca nhạc, nhà hát, thể thao... cho đến khi COVID-19 được kiểm soát tại bang. Tình hình lây nhiễm tăng mạnh cũng khiến thành phố San Francisco phải trì hoãn kế hoạch mở cửa lại.
Theo CNN, có ít nhất 11 tiểu bang tại Mỹ đã tạm ngừng hoặc rút lại các kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế xã hội theo giai đoạn do làn sóng lây nhiễm tăng mạnh. Các bang này bao gồm Florida, Texas, Arizona, Arkansas, Delaware, Idaho, Louisiana, Maine, Nevada, New Mexico, và North Carolina.
Một chuyến bay của hãng American Airlines ngày 15-5-2020. Ảnh: Getty Images
Mỹ Latinh: Argentina tái phong toả Buenos Aires
Tổng thống Argentina Alberto Fernández ngày 26-6-2020 đã tái áp đặt lệnh phong toả lên khu vực vùng thủ đô Buenos Aires, sau khi tuyên bố rằng "các ca lây nhiễm tại đây đã tăng đột biến" trong những ngày gần đây. "Virus Corona là một kẻ thù vô hình mà không ai biết khi nào họ đánh bại được nó. Khi mọi chuyện tưởng như yên ổn, thì nó bắt đầu trở lại", ông Fernandez nói. Lệnh phong toả sẽ buộc người dân vùng Thủ đô phải ở trong nhà từ ngày 1 đến 17-7-2020.
Hiện tại có tới 97% ca lây nhiễm mới tại Argentina được phát hiện tại khu vực Buenos Aires. Bản thân Tổng thống Fernandez đã phải tự cách ly tại dinh thự Quinta de Olivos từ hôm 17-6-2020.
Argentina hiện ghi nhận tổng cộng 52.457 ca COVID-19, với 2.606 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, và tổng số ca tử vong là 1.167.
Trong khi đó, Bộ Y tế Brazil cho biết ngày 26-6-2020 nước này ghi nhận 46.860 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên ít nhất 1.274.974 người, bao gồm 55.961 ca tử vong (tăng 990 ca so với một ngày trước).
Sao Paulo, bang đông dân nhất Brazil tiếp tục là tâm dịch, ghi nhận ít nhất 258.508 ca COVID-19, trong đó 13.966 người đã tử vong. Trong khi đó, Rio de Janeiro có ít nhất 108.497 ca bệnh, bao gồm 9.587 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Guatemala City, Guatemala, ngày 8-6-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Châu Âu chia rẽ về mở cửa biên giới
Các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ về việc liệu có tiếp tục cấm du khách đến từ các nước đang chống chọi với dịch COVID-19 hay không trong bối cảnh EU dự định mở lại các đường biên giới châu Âu từ ngày 1-7-2020.
Sau một loạt các cuộc đàm phán kéo dài nhiều ngày qua, ngày 26-6-2020, các nhà ngoại giao EU vẫn thống nhất được tiêu chí để mở lại biên giới, do một số nước lo ngại về độ chính xác con số lây nhiễm mà một số nước khác thông báo. Tuy nhiên, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp và một số nước châu Âu khác vốn phụ thuộc vào ngành du lịch lại hy vọng vớt vát được phần nào, ít nhất là kỳ nghỉ Hè này và mở cửa cho du khách trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang rơi tự do.
Một số nước thành viên EU muốn hạn chế mở cửa đối với những nước mà tình hình dịch bệnh "khả quan hơn", tức là có số ca mắc COVID-19 từ 16 ca trở xuống/100.000 dân trong vòng hai tuần qua. Nếu tiêu chí này được thống nhất và nếu các nước thành viên nhất trí rằng báo cáo về số ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 của các nước khác là chính xác thì du khách đến từ Mỹ, Brazil và Canada sẽ vẫn bị cấm nhập cảnh vào EU trong khi du khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Maroc, Venezuela, Ấn Độ, Cuba và các nước vùng Balkan được chào đón.
Nga: Số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất kể từ cuối tháng 4
Nga thông báo số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất kể từ cuối tháng Tư - 6.800 ca. Hiện tổng số ca dương tính virus SARS-CoV-2 tại Nga đã lên tới 620.794 ca. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của nước này cũng thông báo có thêm 176 người tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người chết do COVID-19 lên 8.781 trường hợp.
Trong ảnh: Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, nga ngày 15-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Ukraine cũng thông báo số ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục trong khi chính quyền cảnh báo có thể tái áp đặt lệnh phong tỏa nếu người dân tiếp tục không tuân thủ các biện pháp hạn chế phòng dịch. Nhà chức trách Ukraine đã ghi nhận thêm 1.109 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên hơn 41.000 ca. Chính quyền Ukraine hiện đang xem xét tái áp đặt các biện pháp hạn chế tại một số khu vực bị tác động mạnh của dịch.
Đức: Thủ đô Berlin tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội
Với sắc lệnh vừa được chính quyền bang Berlin thông qua, kể từ ngày 27-6-2020, các quy định về giãn cách xã hội vốn được áp dụng trong nhiều tuần qua tại thành phố thủ đô nước Đức sẽ tiếp tục được nới lỏng. Sắc lệnh mới quy định học sinh các cấp và sinh viên đại học ở thủ đô Berlin sẽ đi học bình thường sau kỳ nghỉ hè. Quy định về giữ khoảng cách 1,5m sẽ không áp dụng cho năm học mới 2020-2021 trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Người dân tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời sẽ không cần phải tuân thủ về quy tắc giữ khoảng cách.
Bên cạnh việc nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội, chính quyền bang Berlin vẫn tiếp tục duy trì một số biện pháp, trong đó yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng cũng như cấm tổ chức các sự kiện lớn có sự tham gia của hơn 1.000 người từ nay đến ngày 31/8 và các sự kiện với hơn 5.000 người tham gia đến ngày 24-10-2020.
Ngày 26-6-2020, sân bay Orly ở thủ đô Paris của Pháp đã mở cửa trở lại lần đầu tiên trong vòng gần 3 tháng sau khi giới chức nước này áp đặt biện pháp phong tỏa để khống chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, các chuyến bay sẽ chưa được khôi phục hoàn toàn. Một máy bay của hãng hàng không giá rẻ Transavia đã cất cánh từ sân bay Orly đi thành phố Porto (Póc-tô) của Bồ Đào Nha. Đây là chuyến bay thương mại đầu tiên cất cánh từ sân bay phía Nam thủ đô Paris này kể từ ngày 31-3-2020.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại tại một số nước đã nới lỏng các biện pháp phòng ngừa, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định sự lơ là, chủ quan của người dân nhiều nước trong việc tuân thủ các hướng dẫn y tế phòng dịch, cũng như sự coi thường của giới trẻ là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng trở lại này.
Đám đông trên bãi biển ở Bournemouth, miền nam xứ England, Anh ngày 25-6-2020. Ảnh: AFP/Getty Images
Dự kiến, Anh sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế tại xứ England, cho phép các quán bia, nhà hàng và quán rượu mở cửa trở lại từ ngày 4-7-2020.
Theo trang thống kê worldometes.info, tính đến 6h ngày 27-6-2020 (giờ Việt Nam), Anh ghi nhận tổng cộng 307.360 ca nhiễm và 43.414 ca tử vong do COVID-19. Anh hiện là nước chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Brazil, Nga và Ấn Độ.
Ấn Độ lại thêm kỷ lục, vượt ngưỡng nửa triệu ca bệnh
Tại châu Á, ngày 26-6-2020, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ cho biết nước này tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất trong ngày với việc phát hiện thêm 18.276 ca dương tính, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 509.446 người, trong đó có 15.689 trường hợp tử vong.
Chính phủ Ấn Độ thông báo tỷ lệ nhiễm COVID-19 của nước này hiện đang ở mức 334 ca/1 triệu dân, so với tỷ lệ trung bình thế giới là 1.202 ca/1 triệu dân. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong ở nước này hiện cũng thuộc nhóm thấp nhất thế giới với 10,6 người chết/1 triệu dân so với mức trung bình của thế giới là 62,4 người chết /1 triệu dân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Cơ quan Hàng không dân dụng Ấn Độ thông báo duy trì lệnh cấm bay đối với tuyến đường bay nội địa và quốc tế cho đến ngày 15-7-2020. Các chuyến bay vận chuyển hàng hóa vẫn hoạt động bình thường.
Chôn cất thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại Chennai, Ấn Độ ngày 16-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung Quốc: Bắc Kinh dỡ một phần lệnh phong toả
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa kéo dài nhiều tuần qua nhằm ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 thứ hai lây lan trên diện rộng. Lệnh phong tỏa được nới lỏng đối với 7 tòa chung cư ở Bắc Kinh sau khi các cư dân tại đây có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, các tòa chung cư còn lại trong thành phố này hiện vẫn bị phong tỏa.
Theo các số liệu thống kê công bố ngày 26-6-2020, trong 24 giờ qua, Bắc Kinh ghi nhận thêm 11 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 280 ca kể từ khi bùng dịch ngày 11-6-2020.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhật Bản: Dịch có dấu hiệu lây lan mạnh trở lại
Trong ngày 26-6-2020, Nhật Bản phát hiện 103 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức cao nhất kể từ khi nước này nới lỏng lệnh phong tỏa từ ngày 9-5-2020. Đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày ở mức trên 100 ca. Riêng tại thủ đô Tokyo có 54 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 26-6-2020.
Tuần trước, Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại giữa các địa phương, vốn là hạn chế cuối cùng trong một loạt các biện pháp được áp đặt khi nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng Tư.
Tại khu vực Đông Nam Á, cùng ngày 26-6-2020, Bộ Y tế Indonesia thông báo có thêm 1.240 bệnh nhân và 63 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Hiện tổng số bệnh nhân và tử vong do dịch bệnh COVID-19 ở nước này lần lượt ở con số 51.427 người và 2.683 người.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 25-6-2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại Thái Lan, Cơ quan Vận tải công cộng Bangkok (BMTA) thông báo bỏ tất cả các quy định giãn cách xã hội trên xe buýt, trong bối cảnh nước này ngày 26-6-2020 chỉ ghi nhận 4 ca nhiễm mới và đã bước sang ngày 32 liên tiếp không có thêm ca COVID-19 trong cộng đồng. Lý do BMTA nới lỏng biện pháp phòng dịch cũng nhằm phục vụ hành khách khi kỳ học mới bắt đầu từ ngày 1-7-2020 tới và sẽ có thêm nhiều học sinh, sinh viên đi xe buýt.
Cùng ngày, Bộ Y tế Singapore cho biết bắt đầu từ ngày 1-7-2020 tới, tất cả các đối tượng từ 13 tuổi trở lên có dấu hiệu bệnh về hô hấp sẽ được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Đây là một phần trong những biện pháp của Chính phủ Singapore nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khi nước này bước vào giai đoạn 2 mở cửa trở lại nền kinh tế.
Người dân đi qua khu vực Cổng An toàn khi chờ vào một trung tâm mua sắm ở Singapore, ngày 20-6-2020. Ảnh: Getty Images
Tại khu vực Trung Đông, trong ngày 26-6-2020, Iran ghi nhận thêm 2.628 ca nhiễm mới. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Iran hiện lên tới 217.724 người.
Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Baghdad, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp hiện nay, WHO và lãnh đạo nhiều nước trên thế giới kêu gọi cộng đồng quốc tế đề cao cảnh giác nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai, đồng thời nhấn mạnh chỉ đến khi tình hình chỉ có thể kiểm soát khi có vaccine phòng COVID-19.
Trong khi đó, các nước đang đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại vaccine và hiện cũng có một số loại vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng trên người. Ngày 26-6-2020, công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh thông báo công ty này đã nhất trí với Chính phủ Nhật Bản bắt đầu các cuộc thảo luận về cung cấp vaccine phòng COVID-19 do công ty này và Đại học Oxford hợp tác phát triển. Loại vaccine có tên AZD1222 dự kiến sẽ xuất hiện trên thị trường vào tháng Chín tới nếu giai đoạn thử nghiệm sau cùng đang diễn ra đạt kết quả tích cực.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin COVID-19 thử nghiệm tại bệnh viện Baragwanath ở Soweto, Nam Phi, ngày 24-6-2020. Ảnh: AFP/Getty Images
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức