Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 28-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 121.976 người mắc COVID-19 và 3.861 người tử vong. Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua là Mỹ với 24.068 ca. Tiếp đó là Brazil với 20.612 ca, Ấn Độ với 12.023 ca. Các nước còn lại đều ghi nhận dưới 10.000 ca mắc trong 24 giờ qua.
Số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất được ghi nhận ở Brazil với 819 ca, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 42.720 ca. Đứng thứ hai là Mỹ với 670 ca, tiếp đó là Mexico với 504 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Tính tới nay, toàn thế giới đã có trên 4 triệu người khỏi bệnh, nhưng vẫn còn gần 300.000 ca nguy kịch.
Trong bối cảnh giới khoa học chạy đua để sản xuất vaccine phòng COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi thế giới chia sẻ loại vaccine này và cho rằng vaccine phòng virus SARS-CoV-2 cần phải được xem là hàng hóa công toàn cầu.
Vaccine phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm Novavax ở Gaithersburg, Maryland, Mỹ ngày 20-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo WHO, cần phải đảm bảo tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận công bằng đối với bất kì loại vaccine nào đang được phát triển. Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus khẳng định mọi loại vaccine được xem là hàng hóa công toàn cầu cần phải được thúc đẩy và giới lãnh đạo cần đưa ra cam kết chính trị. Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại rằng một số quốc gia có thể tích trữ vaccine hoặc thuốc dùng để điều trị COVID-19, khiến các nước nghèo không thể tiếp cận.
Trong khi đó, ngày 13-6-2020, Bộ Y tế liên bang Đức công bố nước này cùng với Pháp, Italy và Hà Lan đã ký hợp đồng đầu tiên với công ty dược phẩm AstraZeneca nhằm cung cấp ít nhất 300 triệu liều vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Đơn đặt hàng với công ty dược phẩm AstraZeneca lên tới 400 triệu liều vaccine và trong trường hợp thuận lợi sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
Bộ Y tế Đức cho biết hợp đồng phát triển vaccine có liên quan đến dự án phát triển vaccine phòng dịch COVID-19 mang tên AZD1222 do AstraZeneca cùng Đại học Oxford nghiên cứu và phát triển, đang được thử nghiệm trong một nghiên cứu lớn. Theo một thông báo gần đây của AstraZeneca, công ty này dưới danh nghĩa khác cũng đã ký kết các thỏa thuận tương tự với Vương quốc Anh và Mỹ.
Liên quan tới điều trị COVID-19, các nhà nghiên cứu Chile tuyên bố đã phát hiện kháng thể “mạnh nhất thế giới” có khả năng chống lại virus SARS-CoV-2. Kháng thể trên do một loài lạc đà không bướu sản sinh ra và có thể đưa vào cơ thể người để trung hòa virus SARS-CoV-2 thông qua một ống hít qua đường mũi.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Santiago, Chile ngày 24-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo bác sĩ Alejandro Rojas, trưởng phòng thí nghiệm công nghệ sinh học y tế tại trường Đại học Austral của Chile, kháng thể này có thể ngăn chặn hiệu quả khả năng sao chép của virus. Những người tiếp nhận kháng thể này có thể tự sản sinh nhiều kháng thể hơn về lâu dài trong khả năng miễn dịch.
Sau khi phân lập thành công kháng thể từ loài lạc đà không bướu, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Austral còn phải chứng minh khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 của loại kháng thể này. Bác sĩ Rojas cho biết chi phí để thử nghiệm kháng thể mới có thể lên đến 2 triệu USD và nhấn mạnh rằng đây là "một vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu".
Trung Quốc đóng cửa chợ bán buôn lớn nhất Bắc Kinh
Cảnh sát gác tại lối vào chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 13-6-2020 sau khi chợ phải đóng cửa do phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 13-6-2020, chợ bán buôn lớn nhất ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã đóng cửa để khử trùng sau khi các nhân viên làm việc tại đây và những khu vực xung quanh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Nhà chức trách y tế đã xét nghiệm tất cả các nhân viên tại chợ Tân Phát Địa ở quận Phong Đài, sau khi phát hiện các ca mắc mới ngày 11 và 12-6-2020 đã từng tới khu chợ này. Khu chợ có tổng diện tích khoảng 112 ha với 1.500 nhân viên quản lý và trên 4.000 chủ sạp, chuyên cung cấp buôn các mặt hàng rau, quả, thịt. Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, chính quyền thành phố đã cho lập các điểm phân phối đặc biệt hoạt động dưới sự quản lý chặt chẽ.
Người dân chuyển hàng hóa khỏi chợ Tân Phát Địa ngày 13-6-2020 sau khi chợ phải đóng cửa để khử trùng do phát hiện các ca nhiễm COVID-19 mới. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới chức y tế Bắc Kinh thông báo tổng cộng 46 người có kết quả xét nghiệm dịch mũi họng dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi tiến hành xét nghiệm trên diện rộng tại các chợ bán buôn nông sản và các siêu thị lớn trong thành phố ngày 12-6-2020.
Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Bắc Kinh cho biết nhân viên y tế đã xét nghiệm đối với 1.940 người ở các khu chợ. Đặc biệt, trong số 517 mẫu xét nghiệm lấy từ chợ Tân Phát Địa có 45 kết quả dương tính. Ca dương tính còn lại nằm trong mẫu xét nghiệm từ một chợ nông sản ở quận Hải Điến, có tiếp xúc gần với một ca được xác nhận mắc bệnh trước đó. Cả 46 người này đều không có triệu chứng và đang được theo dõi sát sao.
Thành phố Bắc Kinh đã phong tỏa 11 khu dân cư sau khi phát hiện các trường hợp nhiễm mới ở chợ Tân Phát Địa. Chín trường học và nhà trẻ gần khu vực này cũng đã đóng cửa.
Brazil ghi nhận trên 20.000 ca mắc trong 24 giờ qua
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Brasilia, Brazil ngày 26-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Với cố ca mắc mới trên, tính tới 6 giờ sáng 14-6-2020 (giờ Việt Nam), Brazil có tổng cộng 850.514 ca mắc COVID-19, trong đó 42.720 ca tử vong.
Chuyên gia hàng đầu của WHO Mike Ryan nhận định tình hình hiện nay ở Brazil, một trong những điểm nóng trên bản đồ COVID-19 hiện tại, ngày càng trở nên đáng quan ngại ở khu vực các thành phố. Theo ông Ryan, hệ thống y tế Brazil vẫn đang ứng phó được dịch, dù một số khoa điều trị tích cực đang chịu áp lực lớn với hơn 90% số giường đều có bệnh nhân.
Trước đó, Bộ Y tế Brazil đã ra mắt trang web mới cập nhập số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc. Bên cạnh đó, trang tin điện tử có tên miền "susanalitico.saude.gov.br” còn cung cấp thông tin về số bệnh nhân hồi phục và số người đang trong diện theo dõi, cũng như các biểu đồ hàng ngày về số ca tử vong do COVID-19.
Thông qua nền tảng mới này, người dùng còn có thể truy cập thông tin về số người chết do COVID-19 cũng như các trường hợp nhiễm bệnh tại từng địa phương, dựa trên dữ liệu được cung cấp bởi các cơ quan y tế tại các tiểu bang khác nhau.
Theo thống kê cập nhật, Brazil hiện là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc COVID-19, sau Mỹ.
Venezuela gia hạn "tình trạng báo động"
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Caracas, Venezuela ngày 3-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Venezuela đã quyết định gia hạn thêm một tháng "tình trạng báo động" được tuyên bố hồi giữa tháng 3 nhằm ngăn chặn COVID-19.
Thông cáo đăng trên tờ Công báo của Venezuela nhấn mạnh do bối cảnh trật tự xã hội có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe cộng đồng và an toàn của người dân, chính phủ quyết định gia hạn 30 ngày "tình trạng báo động", biện pháp tạo cơ sở pháp lý để kéo dài lệnh cách ly xã hội.
Đây là lần thứ 3 chính phủ Venezuela gia hạn biện pháp này sau khi đã thử nghiệm linh hoạt các biện pháp giãn cách xã hội từ hôm 1-6-2020. "Tình trạng báo động" là một biện pháp để trao quyền đặc biệt giúp Tổng thống có thể thể ngay lập tức ra lệnh cách ly xã hội bắt buộc tại những khu vực bùng phát dịch bệnh.
Theo thống kê chính thức, đến nay Venezuela đã ghi nhận 2.879 ca mắc COVID-19, trong đó có 23 trường hợp tử vong.
Ấn Độ ghi nhận ca nhiễm mới cao nhất trong ngày
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong ngày 13-6-2020, Ấn Độ đã ghi nhận 12.023 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 321.626 ca và khiến Ấn Độ vượt Anh trở thành nước có số ca mắc cao thứ 4 thế giới. Trong số đó, có 9.205 người tử vong.
Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình cho biết số ca nhiễm đã tăng gấp đôi sau 17 ngày, và tăng thêm 100.000 ca chỉ trong 10 ngày qua. Phần lớn được ghi nhận tại 4 bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Maharashtra, Tamil Nadu, Delhi và Gujarat. Một số bang khác cũng đang chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh, lên trên 10.000 ca.
Mumbai là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề tại Ấn Độ với trên 2.000 ca tử vong. Chính quyền địa phương đã buộc phải phong tỏa Dharavi, một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á, trong suốt một tháng qua. Điều đáng lo ngại là trái ngược với xu hướng chung, tỷ lệ dương tính tại các bang này tăng dù mức xét nghiệm ở một số bang giảm.
Tại bang Delhi, mức xét nghiệm trung bình của 7 ngày (tính đến 11-6-2020) đã giảm từ 6.540 xét nghiệm/ngày xuống còn 5.001, nhưng tỷ lệ cho kết quả dương tính tiếp tục tăng từ 18,3% lên 27,7%, khiến thủ đô New Delhi trở thành nơi có tỷ lệ xét nghiệm dương tính cao nhất trên cả nước. Dịch bệnh diễn biến phức tạp ghi nhận sau khi nước này đã nới lỏng lệnh phong tỏa áp dụng từ cuối tháng ba vừa qua.
Pháp lên kế hoạch mở cửa biên giới với các nước ngoài Schengen
Cảnh sát gác tại khu vực biên giới Pháp và Italy ngày 3-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cho biết quốc gia châu Âu này sẽ bắt đầu từng bước mở lại biên giới với các quốc gia trong khu vực Schengen từ ngày 15-6-2020, và với các nước bên ngoài khu vực Schengen kể từ ngày 1-7-2020 tới.
Giữa tháng 3 vừa qua, Chính phủ Pháp đã quyết định đóng cửa biên giới để ngăn chặn COVID-19. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) ngày 11-6-2020 đã khuyến khích các nước thành viên của khối mở trở lại biên giới với một số quốc gia ở khu vực Balkan từ ngày 1-7-2020 tới.
Lực lượng dân phòng Tây Ban Nha kiểm tra các phương tiện tại một trạm kiểm soát biên giới ở Pausu, gần Hendaye, Tây Nam Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner nhấn mạnh Pháp sẽ thực hiện lộ trình mở lại biên giới một cách hài hòa với các nước thành viên còn lại trong EU. Tuyên bố chung nêu rõ: "Việc mở cửa này sẽ diễn ra theo từng bước và sẽ có điều chỉnh tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh ở mỗi quốc gia, và theo các thỏa thuận sẽ được thống nhất ở cấp châu Âu vào thời điểm đó".
Châu Âu chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 khi gần 50% số ca tử vong trên thế giới được ghi nhận tại châu lục này. Tuy nhiên, đà lây lan chậm dần ở nhiều quốc gia vốn bị dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, như Tây Ban Nha, Italy và Pháp, cho phép chính phủ các quốc gia này dỡ bỏ các hạn chế xã hội.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại châu Phi
Một số quốc gia châu Phi đã có thể hoàn toàn kiểm soát được diễn biến của dịch bệnh như Tunisia, Burkina Faso hay Maroc, nhưng nhiều nước khác như Nam Phi, Ai Cập và Nigeria lại gặp khó khăn thực sự trong nỗ lực ứng phó đại dịch.
Thi thể một bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Cape Town, Nam Phi ngày 9-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhiều quốc gia trong khu vực đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát đối với COVID-19, đặc biệt là Ai Cập, Nam Phi và Nigeria. Ba nước hiện ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất châu lục, từ vài trăm cho đến vài nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận sau 24 giờ.
Cụ thể, trong vòng 24 giờ qua, Nam Phi ghi nhận thêm 3.809 ca mắc và 69 ca tử vong; Ai Cập ghi nhận 1.677 ca mắc và 62 trường hợp tử vong. Theo thống kê từ ngày 31-5 đến 11-6-2020, tức là trong vòng 11 ngày, số trường hợp mắc COVID-19 ở châu Phi đã tăng từ 147.600 lên khoảng 216.800, tương đương gần 48%.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Maiduguri, Nigeria. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều đáng quan ngại là đại dịch đang lây lan nhanh ở Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 200 triệu dân. Trong khi đó, Nam Phi từng ghi nhận tỷ lệ tử vong do dịch thấp, nhưng nay lại đang chứng kiến tỷ lệ tử vong ngày càng tăng, với tổng cộng 1.423 trường hợp tử vong tính từ khi đại dịch bùng phát.
Với 1.484 ca tử vong, Ai Cập hiện là quốc gia có nhiều người thiệt mạng nhất do đại dịch COVID-19 tại châu Phi. Châu lục này đang trong giai đoạn tồi tệ, khi ghi nhận hơn 30 người chết mỗi ngày kể từ đầu tháng 6 đến nay.
Ở khía cạnh tích cực, Tunisia hiện là ví dụ điển hình của quốc gia kiểm soát tốt đại dịch. Từ giữa tháng 4 đến nay, quốc gia Bắc Phi chỉ ghi nhận thêm 14 ca tử vong và tính từ khi dịch bùng phát, Tunisia chỉ ghi nhận 49 ca tử vong trên tổng cộng 1.093 ca mắc. Burkina Faso và Maroc cũng là những trường hợp thành công khác.
TTXVN