Theo số liệu của trang thống kê worldometers.info, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 69.568 ca bệnh và 5.834 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 3.206.076 và 227.301.
Mỹ ghi nhận số ca tử vong tăng trở lại trên 2.000 ca sau hai ngày liên tiếp chỉ ghi nhận khoảng 1.300 ca tử vong mỗi ngày.
Nga đang trở thành điểm nóng COVID-19 tiếp theo ở châu Âu khi số ca nhiễm trong 24 giờ qua trên mức 5.000, chỉ kém Mỹ. Tây Ban Nha và Anh đều ghi nhận trên 4.000 ca bệnh trong ngày 29-4.
Về số ca tử vong, trong 24 giờ qua, Mỹ vẫn có nhiều người chết nhất với 1.874 người. Tiếp đó là Anh với 765 người. Pháp và Tây Ban Nha đều ghi nhận trên 400 ca tử vong.
Các bang của Mỹ dần dần mở cửa trở lại
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi dạo trong công viên ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 28-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhiều bang của Mỹ đã dỡ bỏ một số hạn chế, theo đó mở cửa một phần các hoạt động kinh doanh. Hầu hết thống đốc các bang đang lên kế hoạch mở cửa trở lại theo giai đoạn với các mốc thời gian khác nhau tùy thuộc tình hình ở mỗi bang.
Tại Alaska, Thống đốc Mike Dunleavy đã cho phép các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ mở cửa trở lại với công suất hoạt động 25% và các dịch vụ hạn chế sau khi sắc lệnh yêu cầu ở nhà của bang này hết hiệu lực vào ngày 21-4. Các dịch vụ cá nhân như tiệm làm tóc được yêu cầu duy trì tỷ lệ một nhân viên – một khách hàng. Các khu vực tụ tập đông người, bao gồm các hoạt động tại nhà thờ và các trung tâm thể thao được giới hạn từ 20 người trở xuống.
Tại Colorado, thành phố Denver lớn nhất bang vẫn duy trì một sắc lệnh riêng cho đến ngày 8-5 dù quy định ở nhà đã hết hạn vào ngày 26-4. Thống đốc Jared Polis cho biết bang vẫn trong giai đoạn an toàn hơn khi ở nhà trong vòng ít nhất 30 ngày, nghĩa là cư dân được khuyến nghị ở nhà nhưng không bắt buộc. Các doanh nghiệp bán lẻ được phép mở cửa trở lại để giao hàng nhanh và các thủ tục y tế tự chọn được phép tiếp tục từ ngày 27-4.
Tại Minnesota, một số hoạt động giải trí như chơi gôn, chèo thuyền, câu cá, săn bắn và đi bộ đường dài đã được khởi động lại từ ngày 18-4. Thống đốc Tim Walz đã cho phép một số nhân viên trở lại làm việc từ ngày 27-4 tại một số văn phòng, các doanh nghiệp công nghiệp và sản xuất.
Tại Texas, các công viên bang đã mở cửa trở lại ngày 20-4 và một số cửa hàng bắt đầu cung cấp dịch vụ bán lẻ mang đi bắt đầu từ ngày 24-4 với yêu cầu phải đeo khẩu trang.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nghi mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 8-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Vermont, một số doanh nghiệp với đặc thù hạn chế tiếp xúc được phép mở lại với tỷ lệ một nhân viên - hai khách hàng bắt đầu từ ngày 20-4.
Tại Georgia, Thống đốc Brian Kemp đã cho phép một số doanh nghiệp, bao gồm trung tâm thể thao và tiệm làm tóc, mở cửa trở lại từ ngày 24-4. Các cuộc tiểu phẫu không khẩn cấp cũng đã được phép thực hiện.
Tại bang New York, số người nhập viện trong một ngày của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua, cho thấy cuộc khủng hoảng COVID-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm tại bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước Mỹ. Số người nhập viện trong 3 ngày liên tiếp vừa qua tại New York đã xuống thấp dưới 1.000 người, mức thấp nhất kể từ ngày 24-3. Thống đốc New York Andrew Cuomo ngày 28-4 cho biết ông cho phép mở lại hoạt động ở những khu vực mà tình trạng dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn so với thành phố New York, tâm dịch của bang.
Châu Âu: Nga trở thành điểm nóng mới
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 17-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Âu, Nga hiện là được coi là điểm nóng của dịch bệnh khi vài ngày gần đây ghi nhận số ca nhiễm mới luôn ở mức trên 5.000 ca. Ngày 29-4, Nga ghi nhận 5.841 ca mắc, nâng tổng số ca lên 99.399 ca.
Địa phương có số ca nhiễm mới nhiều nhất vẫn là thủ đô Moskva với 2.220 ca, nâng tổng số người nhiễm tại đây lên hơn 50.000 người. Thủ đô Moskva trong ngày 29-4 cũng ghi nhận con số kỷ lục 67 ca tử vong. Các địa phương khác có số người nhiễm mới cao còn có thành phố St. Petersburg – 290 ca; tỉnh Nizhny Novgorod – 131 ca; Cộng hòa Bắc Ossetia thuộc Nga – 121 ca.
Ngày 29-4, Nga đã gia hạn lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh, nhằm kiềm chế sự lây lan của COVID-19 trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh. Sắc lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh đã được ban bố từ giữa tháng 3 vừa qua, và sẽ hết hiệu lực ngày 29-4. Thủ tướng Mikhail Mushustin cho biết sắc lệnh này sẽ được gia hạn cho đến khi Nga kiểm soát được dịch.
Sau Nga, Tây Ban Nha là quốc gia ghi nhận số ca mắc cao thứ 2 tại châu Âu với 4.771 ca được thông báo trong ngày 29-4, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 236.899 ca. Với tổng cộng 24.275 ca tử vong, quốc gia này hiện cũng đứng thứ 3 thế giới về số người tử vong, chỉ sau Mỹ và Italy (27.359 ca).
Người dân đeo khẩu trang đạp xe tại Seville, Tây Ban Nha, ngày 26-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Đức, sau khi có thời điểm tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh xuống còn 0,7 trong vài ngày qua, tỷ lệ này đã tăng lên trên dưới 1,0 và diễn biến này đang khiến nhiều địa phương lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai trong bối cảnh việc nới lỏng giãn cách xã hội đã được thực hiện tại hầu hết các bang. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách và phòng ngừa không để tỷ lệ lây nhiễm tăng trên 1,0 - có nghĩa một bệnh nhân sẽ lây nhiễm cho một người khác.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết nước này đã gia hạn cảnh báo việc đi ra nước ngoài cho đến ngày 14-6 do diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới vẫn phức tạp. Đức đã đưa 240.000 công dân bị mắc kẹt ở nhiều nơi về nước. Đến nay, Đức đã ghi nhận 161.197 ca nhiễm, trong đó 6.405 ca tử vong.
Ngày 29-4, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố nước này đã kiểm soát được dịch COVID-19 và đang từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được triển khai trước đây nhằm ngăn chặn đại dịch. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Frederiksen nhấn mạnh: "Dịch bệnh đã nằm trong tầm kiểm soát và chiến lược của Đan Mạch đã thành công trong giai đoạn đầu đầy khó khăn". Giữa tháng 3 vừa qua, Copenhagen đã đóng cửa tất cả các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, cũng như các quán cà phê, hàng ăn, quán bar, phòng tập gym và các tiệm làm tóc. Bên cạnh đó, Chính phủ Đan Mạch cũng ban hành quy định cấm tụ tập trên 10 người. Cho đến nay, một số biện pháp đã được dỡ bỏ với việc trường học dành cho trẻ dưới 11 tuổi được phép hoạt động trở lại cùng một số hoạt động kinh doanh nhỏ như tiệm cắt tóc... Theo kế hoạch, giai đoạn mở cửa thứ hai dự kiến bắt đầu vào ngày 10-5 tới.
Biển thông báo chỉ bán thức ăn mang về được dán bên ngoài một nhà hàng tại Copenhagen, Đan Mạch trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, ngày 19-3-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Từ ngày 1-4, Đan Mạch cũng đã mở rộng diện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với những người có các triệu chứng bệnh nhẹ, thay vì chỉ xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng ở mức độ vừa phải cho tới nặng như trước đây. Tính đến hết ngày 29-4, Đan Mạch ghi nhận tổng cộng 9.008 ca mắc COVID-19, trong đó có 443 ca tử vong.
Ngày 29-4, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo các khách sạn và trung tâm mua sắm ở nước này sẽ mở cửa trở lại vào ngày 4-5 tới. Trong tuyên bố, Thủ tướng Morawiecki cũng cho biết Ba Lan đang cân nhắc mở cửa trở lại các trường mầm non vào ngày 6-5 tới, trong khi các cấp học cao hơn có thể tiếp tục đóng cửa đến hết ngày 24-5 như thông báo trước đó. Tính đến hết ngày 29-4, Ba Lan đã ghi nhận 12.640 ca mắc COVID-19 và 624 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ Ziya Selcuk cùng ngày thông báo các trường học trên toàn quốc tiếp tục đóng cửa cho đến hết tháng 5 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19. Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đóng cửa trường học từ ngày 12-3 sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. Tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận 117.589 ca mắc COVID-19, trong đó 3.081 ca tử vong.
Châu Á: Các nước siết chặt phòng chống dịch bệnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 24-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Mễ Phong ngày 29-4 cho biết nước này sẽ tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu hàng không và trên bộ. Người phát ngôn trên nhấn mạnh nhằm ngăn chặn các ca lây nhiễm từ bên ngoài, Trung Quốc sẽ tăng cường việc xét nghiệm, điều tra dịch tễ, cách ly tập trung và điều trị y tế tại các cửa khẩu. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng nhanh tại một số nước đang thách thức các nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn các ca lây nhiễm từ bên ngoài.
Cùng ngày, chính quyền thủ đô Bắc Kinh thông báo bắt đầu từ ngày 30-4 sẽ hạ mức độ phản ứng khẩn cấp đối với dịch COVID-19 từ mức cao nhất xuống mức thứ 2. Quyết định trên được đưa ra sau khi Bắc Kinh không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào trong 13 ngày liên tiếp.
Với quyết định trên, những người đến từ các vùng có nguy cơ thấp ở Trung Quốc không cần cách ly 14 ngày tại nhà khi tới Bắc Kinh, trong khi những người đang trong diện cách ly hoặc theo dõi tại nhà không cần tiếp tục việc này. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh sẽ vẫn duy trì việc quản lý nghiêm ngặt những người từ nước ngoài trở về hoặc những người đến từ các khu vực có nguy cơ cao và trung bình cũng như từ tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch COVID-19 ở Trung Quốc trước đây.
Trong 24 giờ qua, Trung Quốc ghi nhận 22 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong nào.
Tại Hàn Quốc, trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ 4 ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5 (gồm hai ngày Phật đản và Quốc tế Lao động) đang tới gần, Chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi người dân hạn chế du lịch do dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, đồng thời ban hành các hướng dẫn cơ bản, đảm bảo an toàn cho du khách trong kỳ nghỉ dài ngày.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 4-3-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 29-4, Ủy ban Quản lý an toàn trung ương Hàn Quốc cho biết đã soạn thảo các quy tắc cơ bản cho khách du lịch và công ty lữ hành, đăng tải trên trang chủ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cũng như các trang web địa phương. Hướng dẫn được xây dựng dựa theo các hoạt động thông thường của du khách như: phương tiện di chuyển, điểm nghỉ chân, điểm du lịch, nhà hàng, hoạt động trải nghiệm, mua sắm, nơi ở. Theo đó, khách du lịch phải đeo khẩu trang, nếu có triệu chứng nhiễm bệnh phải ở trong phòng, cố gắng sử dụng khay ăn riêng.
Ở những điểm du lịch tập trung đông người, chính quyền địa phương phải bố trí hướng dẫn viên du lịch để theo dõi sát sao và khuyến khích du khách tuân thủ các quy định an toàn. Tại những nơi dự kiến sẽ tiếp đón số lượng lớn khách du lịch, chính quyền địa phương cũng đã chuẩn bị các biện pháp phòng dịch riêng biệt.
Cũng trong ngày 29-4, Iraq đã siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt lại lệnh giới nghiêm 24/24. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều người dân Iraq không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội của chính phủ.
Trong một tuyên bố, Văn phòng của Thủ tướng tạm quyền Adel Abdul Mahdi cho biết nhà chức trách nước này đã quyết định tăng 1 giờ giới nghiêm, bắt đầu từ 6 giờ đến 18 giờ, kéo dài đến ngày 22-5. Bên cạnh đó, những người không đeo khẩu trang và không giữ đúng khoảng cách khi đi mua sắm tại các cửa hàng sẽ bị phạt tiền. Trong trường hợp số ca mắc COVID-19 tại Iraq tiếp tục tăng, chính phủ có thể áp đặt lại lệnh giới nghiêm 24/24 cùng với các biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Trong những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại Iraq tiếp tục tăng bất chấp chính phủ áp đặt các biện pháp, trong đó có lệnh giới nghiêm toàn quốc. Lệnh giới nghiêm này đã được dỡ bỏ một phần vào ngày 19-4. Tính đến nay, Iraq đã ghi nhận 2.003 ca nhiễm, trong đó có 92 người tử vong.
Ngày 29-4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố quốc gia này sẽ nối lại các hoạt động kinh doanh dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Phát biểu trên được đưa ra khi Bộ Y tế Iran thông báo 80 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 5.957 ca. Trong khi đó, quốc gia này ghi nhận 1.073 ca nhiễm trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng ca nhiễm lên 93.657 ca.
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Philippines ngày 29-4 thông báo số ca nhiễm đã vượt 8.000 ca. Singapore, quốc gia có số ca nhiễm cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, cũng ghi nhận 690 ca mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 15.641 ca. Hầu hết các ca mới tại Singapore là lao động nhập cư sống trong các khu tập thể. Trong khi đó, Thái Lan xác nhận 9 ca mới, ngày thứ 3 liên tiếp số ca mới ở mức 1 con số. Tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 2.947 ca nhiễm, trong đó có 54 ca tử vong.
Châu Phi bên bờ vực khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng
Cảnh sát nhắc nhở người dân thực hiện giãn cách xã hội trong khi chờ đợi đến lượt tại một điểm xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Phi Hùng - PV TTXVN tại Nam Phi
Giá cả nguyên vật liệu sụt giảm, dòng tài chính sụp đổ, ngành du lịch đình trệ, công nhân bị bó hẹp… Đó là những gì châu Phi đang phải đối mặt khi mà dịch bệnh COVID-19 tràn đến lục địa này. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế quốc tế, châu Phi đang “bên bờ vực” của cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Ethiopia Airlines, hãng hàng không nhà nước lớn nhất ở châu Phi, biểu tượng của tham vọng kinh tế lục địa hay của mô hình kinh tế "tinh thần châu Phi mới" đang phải vật lộn để tồn tại. Đại dịch Covid-19 đã buộc hãng phải dừng 85% hoạt động trên các chuyến bay quốc tế và khu vực.
Trường hợp của Ethiopia Airlines là một ví dụ đặc trưng của cú sốc kinh tế tàn khốc và không thể đoán trước được. Tất cả mọi thứ đều bị biến động: từ những doanh nghiệp lớn như hãng Ethiopia Airlines kể trên, đến những người bán hàng rong trên đường phố.
Các mô hình kinh tế lượng cũng đang “vận hành” ở tốc độ tối đa trong nỗ lực đánh giá mức độ nghiêm trọng của thảm họa kinh tế được công bố ngay cả khi thảm họa về y tế vẫn chưa xảy ra. Bất kể độ tin cậy của số liệu trên như thế nào, nhưng có thể khẳng định rằng đại dịch COVID-19 đã và đang đẩy các doanh nghiệp châu Phi rơi vào tình cảnh bi thảm.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế được công bố giữa tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý vùng nam sa mạc Sahara châu Phi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế chưa từng có, đe dọa làm xáo trộn khu vực và đảo ngược tiến trình đạt được trong thời gian gần đây trên mặt trận phát triển. IMF đã cố gắng định lượng sự suy giảm này mà không thể. Nhiều khả năng châu Phi sẽ hứng chịu sự suy giảm từ âm 2% đến âm 5% tổng GDP trong năm 2020, so với mức tăng trưởng 3,2% dự kiến trước đại dịch, điều chưa từng xuất hiện ở “lục địa đen” kể từ 25 năm qua.
Về tình hình phòng chống dịch, Nam Phi đã bước đầu ghi nhận những thành công nhất định trong công tác kiểm soát dịch nhờ tiến hành những biện pháp quyết liệt, không để dịch bệnh bùng phát ở quy mô lớn mặc dù quốc gia này vẫn đang là ổ dịch lớn nhất tại châu Phi với 4.996 ca nhiễm bệnh.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize nhấn mạnh quyết định áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tháng qua đã phát huy tác dụng rõ rệt trong việc kiềm chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong khi có gần 5.000 ca mắc COVID-19 kể từ khi thông báo trường hợp đầu tiên hôm 5-3, đến thời điểm hiện tại nước này đã ghi nhận hơn 2.000 người khỏi bệnh và chỉ có 96 ca tử vong.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mkhize nêu rõ rằng về bản chất, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng trong giai đoạn áp dụng lệnh phong tỏa, do vậy ông yêu cầu các lực lượng chức năng cũng như mọi người dân Nam Phi không được chủ quan trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh này.
Lý giải về tỷ lệ tử vong hiện ở mức 1,9%, thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ trưởng Mkhize cho biết đa số các trường hợp mắc COVID-19 tại Nam Phi có sức khỏe nền tốt và hầu hết trong lứa tuổi thanh niên, do đó có khả năng phục hồi và khỏi bệnh rất cao.
Nguồn: Báo Tin tức