Tại TPHCM, thời tiết nóng nực và hanh khô trong ngày 1-5 càng thu hút đông đảo người dân đến những nơi công cộng nhiều cây xanh bóng mát và có các sinh hoạt văn hóa văn nghệ sôi động, vui tươi. Hàng trăm ngàn lượt khách tham quan từ các quận, huyện trong thành phố và các tỉnh lân cận đổ về các khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Văn Thánh, Bình Quới, Thảo Cầm viên Sài Gòn, Đầm Sen, Kỳ Hòa, Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng… khiến có lúc những nơi này trở nên quá tải. Một số nơi dùng vòi nước phun sương như kiểu mưa phùn nhẹ bay để phục vụ du khách.
Ở khu vực ngoại thành, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TPHCM đã điều động hàng trăm lượt ca sĩ, nghệ sĩ đến phục vụ bà con, tập trung tại huyện Cần Giờ, Bến Dược - Củ Chi, Trung tâm VH quận 12, quận 9, công viên Gia Định.
Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM đã đưa chuyên đề triển lãm nghệ thuật thư pháp về tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra trưng bày, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh khai mạc các phòng trưng bày mới và đưa nhiều hiện vật gốc có giá trị cao và độc đáo trong số 15.000 hiện vật đã sưu tầm được trong 25 năm qua ra phục vụ công chúng.
Các NVH Thanh niên, Phụ nữ, Cung VH Lao động TP đã tổ chức một số chương trình giao lưu, biểu diễn về đề tài công nhân lao động phong phú và hấp dẫn. Nhiều đơn vị công đoàn cơ sở tổ chức cho tập thể công nhân đi tham quan các khu văn hóa, vui chơi giải trí.
* Trong hai ngày 30-4 và 1-5, các điểm vui chơi công cộng tại Hà Nội rất đông khách. Công viên Thống nhất, Vườn Bách thảo, Vườn thú Thủ Lệ nườm nượp “khách nhí”, được cha mẹ đưa đi chơi. Các điểm chiếu phim cũng thu hút giới trẻ, tuy dịp này không công chiếu những siêu phẩm điện ảnh “bom tấn” như kiểu Avatar.
Hôm qua 1-5, tình trạng khan hiếm taxi trên địa bàn Hà Nội đã khiến nhiều người dở khóc dở cười. Anh Phạm Mạnh Hùng (KTT Đại học Hà Nội, quận Thanh Xuân) cho biết, đã gọi hàng chục cuộc điện thoại đến các hãng taxi nhưng đều nhận câu trả lời hết xe hoặc phải đợi nửa giờ đến 1 giờ sau.
Tại cổng khu vui chơi giải trí Vườn thú Thủ Lệ hoặc công viên Hồ Tây, vào thời điểm cuối ngày, rất nhiều gia đình chờ taxi để về nhưng người nào cũng mất hàng chục ngàn đồng gọi điện thoại mà vẫn không có xe. Nhiều người ra đường vẫy xe nhưng thực tế các xe chạy bắt khách dọc đường lại chủ yếu là taxi dù. Các xe dù này có treo biển taxi, có đồng hồ nhưng cách tính cước “trên trời” với lý do ngày lễ.
Theo một nhân viên điều hành taxi Mai Linh, do nhu cầu về quê, đi du lịch của người dân trong kỳ nghỉ lễ này tăng cao nên nhiều taxi của các hãng đã nhận khách hợp đồng chạy đường dài, vì vậy lượng xe chạy cự ly ngắn trong thành phố giảm hẳn, dẫn đến tình trạng khan hiếm xe. Trong khi đó, nhu cầu đi tới các điểm vui chơi giải trí trong thành phố vẫn còn khá lớn.
Ngày 1-5, lượng khách du lịch đổ về ĐBSCL vẫn tăng mạnh so với ngày thường. Theo ước tính của ngành du lịch Cần Thơ, lượng khách đến TP tăng gấp 5 lần so với ngày thường. Những nơi đông du khách tham quan như Khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, Phù Sa, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền và các vườn trái cây thuộc quận Phong Điền, Cái Răng.
Tại khu du lịch Phù Sa (Cồn Ấu nằm gần chân cầu Cần Thơ) ngoài thưởng thức hàng chục món ẩm thực Nam bộ, chèo thuyền, tham gia các trò chơi vui nhộn, du khách còn có thể tổ chức cắm trại và ngắm cầu Cần Thơ.
Do lượng khách tăng đột biến nên hầu hết khách sạn lớn ở trung tâm TP Cần Thơ cũng “cháy phòng”. Giá phòng không tăng so với ngày thường, chỉ khoảng 250.000 - 500.000 đồng/phòng/đêm. Lượng khách ở các nhà trọ, nhà nghỉ nhỏ ở nội ô Cần Thơ cũng đông gấp 3 lần ngày thường.
Tại Vĩnh Long, Khu du lịch nông trại Vinh Sang là nơi lượng khách về đông nhất. Chủ yếu là khách đi tour Vĩnh Long - Cần Thơ để vừa có thể thư giãn với các dịch vụ cưỡi đà điểu và tham quan khu nuôi thả chim quý của Nam bộ ở Vinh Sang vừa được đi qua cầu Cần Thơ sang đất Tây Đô.
Hầu hết công ty du lịch tại Cần Thơ, Vĩnh Long đều mở thêm dịch vụ tham quan sông Hậu và ngắm cầu Cần Thơ vào tour của mình. Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ đã mở thêm dịch vụ “Chào ngày mới trên sông Hậu và chiêm ngưỡng cầu Cần Thơ” bằng du thuyền hiện đã cháy vé do lượng khách đăng ký quá đông, gấp 3 lần so với dự kiến.
Tại cầu Cần Thơ, trong 2 ngày qua, mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt khách lên cầu tham quan. Công an Cần Thơ, Vĩnh Long và Công ty TNHH một thành viên Quản lý và khai thác cầu Cần Thơ đã phải bố trí lực lượng trực liên tục trên cầu để điều tiết giao thông, không cho người dân tụ tập đông trên cầu. Vào các giờ cao điểm như buổi sáng và chiều tối, các loại xe khách, xe tải trọng tải lớn đã được điều tiết đi đường phà để tránh ùn tắc giao thông.
2 ngày qua, lượng du khách từ các tỉnh, thành về Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng khá đông. Do thời tiết Đà Lạt mưa về chiều, du khách chỉ đi chơi được quá nửa ngày nhưng lượng khách dồn về các điểm du lịch vẫn tăng từ 50-70%. So với mọi năm, đợt này, lượng khách du lịch theo đoàn và gia đình bằng ô tô riêng khá nhiều nên vào buổi sáng, tại các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Chí Thanh, Phan Bội Châu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…) và các tuyến đường vào các khu du lịch đã xảy ra tình trạng kẹt xe.
|
Du khách đổ dồn về khiến giao thông tại nhiều tuyến đường ở trung tâm Đà Lạt tắc nghẽn. Ảnh: HOÀI HƯƠNG |
Theo các công ty vận tải hành khách tại TP Đà Lạt như: Phương Trang, Mai Linh, Thành Bưởi, lượng vé đăng ký về TPHCM sau kỳ nghỉ đã hết đến ngày 3-5. Các chuyến bay đi Hà Nội và TPHCM trong dịp này cũng đã kín chỗ.
Vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, nhiều nhà trọ, khách sạn… tại TP Vũng Tàu tiếp tục bị “cháy phòng” nên khách hàng không đặt phòng trước sẽ không có chỗ nghỉ. Không chỉ những khách sạn tên tuổi, cả những nhà nghỉ bình dân giá cũng tăng chóng mặt. Trên đường Nguyễn An Ninh, khu Bãi Sau, một phòng nhỏ ngày 29-4 có giá khoảng 200.000 đồng; vào ngày lễ 30-4 và 1-5, ở mức 400.000 – 800.000 đồng, tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Thậm chí, một số cò nhà nghỉ còn giới thiệu với khách hàng giá 1 triệu đồng/phòng 2 người.
Ngày 1-5, hàng trăm du khách đã nô nức di chuyển vào xã Tả Phìn, huyện Sa Pa (Lào Cai) để được hòa mình vào “một ngày làm nông dân” trong chương trình “Tuần lễ hội du lịch Sa Pa năm 2010” (kết thúc vào 4-5).
Đến đây, nhiều du khách được tham gia tour đi rừng lấy lá thuốc tắm, học cách sử dụng thảo dược và chuẩn bị thuốc tắm; tham quan và học cách làm vải thổ cẩm, thêu hoa văn theo quy trình truyền thống dân tộc Dao Đỏ; chuẩn bị bữa ăn truyền thống và thưởng thức ẩm thực dân tộc; khám phá kiến trúc nhà ở và phong tục truyền thống dân tộc Dao.
Sau “một ngày làm nông dân” ở xã Tả Phìn, du khách sẽ tiếp tục được tìm hiểu, đắm mình vào đời sống người dân các xã khác với nhiều làng nghề truyền thống khác nhau như: “Hội làng văn hóa dân tộc Mông” với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc của dân tộc Mông, du khách được giả làm cô dâu, chú rể người Mông, xay ngô làm mèn mén, làm bánh dày, làm nghề thủ công truyền thống dân tộc Mông như rèn đúc nông cụ, chạm khắc bạc, xe lanh, dệt vải, nhuộm chàm, in hoa văn trên sáp ong, nghề đan thồ, bện hài... “Đêm chợ tình Sa Pa” với nghi thức hát giao duyên của người Dao đỏ, hò hẹn giao duyên, cảnh kéo vợ của người Mông… đã mang tới lễ hội những nét mới mẻ và hấp dẫn du khách tìm hiểu và khám phá.
Từ đêm 29-4 đến nay, do lượng khách du lịch đến Hà Giang đông nên các nhà nghỉ, khách sạn ở thị xã Hà Giang, kể cả các huyện vùng cao thuộc “Cao nguyên đá Đồng Văn” là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần đều đầy ắp khách.
Dự báo từ 5-5 đến 15-5 các huyện thuộc “Cao nguyên đá Đồng Văn” sẽ đón nhiều du khách đến với lễ hội chợ tình Khâu Vai tại huyện Mèo Vạc nên tình trạng “cháy” phòng nghỉ sẽ tiếp tục diễn ra.
NHÓM PV
|
|
Trong 2 ngày 30-4 và 1-5, lượng người đến tham quan Khu di tích Kim Liên và Quảng trường Hồ Chí Minh ở Nghệ An tăng đột biến. Hòa trong dòng người có cả những cụ già cao tuổi và các cháu thiếu nhi được bố mẹ đưa đi chơi trong những ngày nghỉ; có cả những người ở các huyện miền núi xa nhất của tỉnh Nghệ An và các địa phương khác trong nước, cả du khách nước ngoài.
Trong hai ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 và có thể kéo dài sang đầu tuần, lượng du khách đổ về Quảng Bình tăng mạnh lên hàng chục ngàn người. Thống kê ban đầu cho thấy có gần 3.000 phòng đã được thuê chỗ, nhiều du khách phải liên hệ với bạn bè, người quen nghỉ tại gia đình. Giá phòng tại các khách sạn nhỏ ở TP Đồng Hới tăng lên gấp đôi, bình thường nhà nghỉ bình dân giá 120.000 đồng đã bị hét 200.000 – 250.000 đồng/phòng. |
|
|
|
|
Tối 1-5, tại sân khấu ngoài trời khu vực Bến phà Bãi Cháy, TP Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ hội Carnaval - hoạt động tâm điểm của lễ hội Du lịch Hạ Long 2010. Với chủ đề “Hạ Long - Thăng Long và bè bạn quốc tế”, sau màn pháo hoa rực rỡ, đêm Carnaval Hạ Long bắt đầu với 3 phần chính là: Chương trình biểu diễn nghệ thuật, diễu hành đường phố và vũ hội hóa trang. Phần đầu của chương trình là một đại tiệc âm nhạc với sự góp mặt của những ca sĩ nổi tiếng. Điểm nhấn chính là chương trình Carnaval đường phố (ảnh) với sự tham gia biểu diễn của gần 3.000 diễn viên chuyên và không chuyên; thể hiện 6 tiết mục về các chủ đề: Hạ Long kỳ quan thế giới, chiếc nôi văn hóa cổ, Quảng Ninh và các trung tâm du lịch, Vòm trời người thợ mỏ, Hội nhập công nghiệp, Thăng Long Hà Nội, Hội tụ sắc màu quốc tế.
Carnaval Hạ Long 2010 còn độc đáo với điệu nhảy múa riêng mang tên “Khúc Samba Hạ Long”.Lần đầu tiên xuất hiện trong không gian Carnaval là những ảnh sinh động về thủ đô 1.000 năm tuổi với Tháp Rùa, Khuê Văn Các, thiếu nữ Hà thành duyên dáng trong tà áo dài truyền thống. Kết thúc Carnaval là một màn pháo hoa rực rỡ. |