Đường Hồ Chí Minh trên biển - hào hùng 60 năm lịch sử

22/10/2021 - 06:17

BDK - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với đường Trường Sơn, “đường Hồ Chí Minh trên biển” và “Đoàn tàu không số” làm nhiệm vụ bí mật, tổ chức tiếp nhận, vận chuyển vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bìa sách Lịch sử A101 - Đoàn 962 và Bến cảng lòng dân.

Bìa sách Lịch sử A101 - Đoàn 962 và Bến cảng lòng dân. 

Nhằm ghi nhận, tri ân những đóng góp vô giá của cán bộ, chiến sĩ một số địa phương Nam Bộ, trong đó nòng cốt là lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, nhiều năm qua, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã phối hợp với các đơn vị, địa phương và tác giả am hiểu về sự kiện, nhân chứng, biên soạn, xuất bản một số đầu sách về đề tài “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Bộ sách là nguồn tư liệu quý giá để tham khảo và nghiên cứu, qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng của quân và dân ta. Bộ sách đang có tại Thư viện Nguyễn Đình Chiểu, xin giới thiệu với bạn đọc 2 tựa tiêu biểu.

Lịch sử A101 - Đoàn 962 Bến - Bến Tre (1961 - 1976)

Sách “Lịch sử A101 - Đoàn 962 Bến - Bến Tre (1961 - 1976)” do Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre chỉ đạo thực hiện nội dung. Sách ấn bản lần đầu tiên vào năm 2004, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2004) và được đích thân Trung tướng Đồng Văn Cống viết lời giới thiệu. Sau đó, sách tiếp tục được tái bản vào năm 2011 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2011) và vẫn là tư liệu quan trọng để tra cứu, tìm hiểu về lịch sử đơn vị A101 - Đoàn 962 Bến - Bến Tre.

Ấn bản năm 2011 hơn 250 trang đã được thẩm định, chỉnh lý nội dung. Cùng với lời giới thiệu, lời mở đầu, nội dung cuốn sách được trình bày gồm phần chính sử và phụ lục. Phần chủ yếu trình bày các nội dung từ giai đoạn mở đường, mở bến tiếp nhận và hoạt động, chuyển địa bàn đến biên giới Campuchia, trở về Bến Tre mở bến lần 2.

Nhiều bài viết của các nhân chứng, chỉ huy bến được tập hợp vào sách đã góp thêm cứ liệu về những chiến công của A101 và Đoàn 962 anh hùng. Tiêu biểu như các bài viết: Chiến công của quân báo A101 Đoàn 962 anh hùng (tác giả Dương Thanh Hùng), Đánh càn “Phượng Hoàng bủa lưới phóng lao” (tác giả Nguyễn Sơn - nguyên Chính ủy A101 Đoàn 962); Nhìn lại những thành tích của bến Bến Tre trong kháng chiến chống Mỹ (Thượng tá Đỗ Văn Phước - Bí thư Đảng ủy, Phó trung đoàn trưởng chính trị Trung đoàn 962, Quân khu 9)… Những câu chuyện được ghi lại bởi chính người trong cuộc như “Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông” của Trần Huỳnh Trung, nguyên Chính trị viên tàu 176, kể về xương máu, nghĩa tình và sự kiện chuyến tàu thứ 28 vào bến Bến Tre đụng địch chiến đấu, tự phá hủy ngoài biển khơi.

Bên cạnh đó, sách cũng tập hợp nhiều hình ảnh tư liệu quý về truyền thống A101 Đoàn 962, chân dung các đồng chí cán bộ, chiến sĩ mở đường và Bến A101, danh sách cán bộ chiến sĩ các đơn vị trực thuộc.

Bến cảng lòng dân

“Bến cảng lòng dân” là tập truyện ký của tác giả Lê Minh Đào - nguyên Phó tư lệnh Quân khu 8, Tỉnh đội trưởng Tỉnh Đội Bến Tre thời kỳ chống Mỹ cứu nước ra mắt độc giả lần đầu tiên năm 1999. Trong lần tái bản, tập sách được gia đình ông Lê Mình Đào, nhà báo Đinh Phong chỉnh lý, bổ sung thêm nội dung. Ấn bản năm 2011 của “Bến cảng lòng dân” cũng thuộc bộ sách tư liệu về đường Hồ Chí Minh trên biển do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.

Tập sách là những câu chuyện thực tế về lịch sử hào hùng của quân và dân trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển được ông Lê Minh Đào tái hiện bằng giọng văn súc tích, rõ ràng nhưng cũng giàu hình ảnh, thể hiện chân thật tấm lòng khâm phục của tác giả đối với “công lao được đổi bằng xương máu của các dũng sĩ đã vượt trùng dương ra Bắc, vào Nam, đồng chí, đồng bào vùng ven biển Nam Bộ nói chung và Bến Tre thuộc khu vực A101 - Đoàn 962 nói riêng”.

Tập truyện ký gồm 10 phần cụ thể: Mở đường ra bắc; A101; Xây dựng bến tiếp nhận và tuyến hành lang, Bến Tre nhận hàng trên tuyến hành lang và con tàu không số đầu tiên; Những ngày hoạt động sôi nổi của A101; Vượt qua thời kỳ khó khăn, ác liệt nhất; A101 chuyển bến tiếp nhận; Những chuyến tàu không số cuối cùng; Tiểu đoàn 518; Di tích lịch sử quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

Không chỉ nói về sự kiên trung, anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số, tập truyện ký còn đặc biệt đề cập và nêu bật những hy sinh, mất mát và vai trò quan trọng của nhân dân địa phương. Tác giả viết: “Ròng rã 14 năm dài khi sôi nổi, lúc âm thầm, hàng chục vạn đồng bào của mười tỉnh bờ biển Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã sẵn sàng chấp nhận hy sinh mất mát, đùm bọc, che chở và phối hợp với cán bộ chiến sĩ Đoàn 962 nói chung, bến tiếp nhận A101 Bến Tre nói riêng, đảm bảo an toàn, đưa ra chiến trường gần như trọn vẹn số vũ khí, đạn dược từ miền Bắc vào”.

Qua lời kể của tác giả, những cứ liệu lịch sử hiện rõ lên hình ảnh, vai trò của nhiều bộ phận, từ các lực lượng ra khơi đón tàu vào trực tiếp vận chuyển trên tuyến hành lang ven biển, phụ trách các kho vũ khí đến quần chúng nhân dân địa phương đã bám trụ liên tục, trước sự săn đuổi thường xuyên của kẻ thù. Tất cả điêu khắc nên tượng đài bất diệt về một “Bến cảng lòng dân” đi vào lịch sử. Một khu vực tiếp nhận và vận chuyển, một bến cảng không bảng hiệu, không có cầu tàu, không phương tiện bốc dỡ; “bến cảng trong lòng dân” và “tuyến hành lang ven biển Nam Bộ thành đồng” dù kẻ thù gian ác đến đâu cũng không ngăn chặn được.

“Trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ của mình, bằng những kết quả trên, đồng bào ven biển đã cùng lực lượng vũ trang làm công tác đặc biệt ở công đoạn cuối cùng này đã góp phần xứng đáng vào sự thành công rực rỡ của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Chúng ta sẽ thiếu sót lớn nếu nói về chiến tranh nhân dân địa phương Nam Bộ mà không đề cập đến thành tích cống hiến của đồng bào và chiến sĩ ta trên khu vực rừng ngập mặn dọc bờ biển” - trích “Bến cảng lòng dân”.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (1961 - 2021), “Đoàn tàu không số” và 75 năm (1946 - 2021) thực hiện chuyến vượt biển ra Bắc đầu tiên, dự kiến trong 2 ngày 30 và 31-10-2021, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tổ chức trưng bày, triển lãm và phục vụ tài liệu cho Hội thảo khoa học tại Hội trường Huyện ủy Thạnh Phú, thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú.

Các hoạt động gồm: xếp sách nghệ thuật mô hình “Tàu không số huyền thoại”; tổ chức trưng bày, triển lãm khoảng 200 đầu sách, báo, tài liệu chủ đề đường Hồ Chí Minh trên biển, tàu không số, Bác Hồ, lịch sử đấu tranh cách mạng tỉnh Bến Tre, tài liệu về biển đảo Việt Nam… để tuyên truyền và phục vụ.

Đồng thời, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu cũng triển khai viết bài giới thiệu sách, thực hiện audio và video trình chiếu giới thiệu sách và số hóa một số tài liệu phục vụ thông qua trang Web và trang Fanpage đơn vị chủ đề về kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển; trưng bày và phục vụ tài liệu chủ đề đường Hồ Chí Minh trên biển tại tủ sách chuyên đề.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN