Tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ xã Phong Nẫm (Giồng Trôm) ngày 2-3-2020.
Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm Hồ Văn Trí cho hay: Trước khi sáp nhập ĐVHC, cán bộ huyện và xã đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Trong ngày làm việc đầu tiên của xã mới sáp nhập, các giao dịch hành chính phục vụ đều diễn ra bình thường.
Ông Tăng Hữu Danh (60 tuổi) ngụ ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm (trước đây là xã Phong Mỹ) bày tỏ: “Tôi đi chứng giấy có xa hơn chút. Tuy nhiên, khi tới xã mới, tôi gặp nhân viên hướng dẫn nhiệt tình, vui vẻ nên cũng phấn khởi”. Hiện tại, ông Danh đang lo ngại việc vay tiền ngân hàng sẽ bị chậm vì phải đổi sổ đỏ cho đúng theo tên gọi của xã mới.
Không riêng gì ông Danh, nhiều người dân địa phương cũng e ngại, nếu việc đổi sổ đỏ chậm thì họ sẽ bị thiệt thòi. Bởi vì, đa số người dân có vay ngân hàng thì khi đến hạn trả họ phải mượn tiền “nóng” bên ngoài để trả; lúc này, nếu việc đổi sổ đỏ bị chậm thì người dân phải chịu đóng thêm nhiều tiền lãi.
Trong ngày làm việc đầu tiên, bộ phận một cửa của xã Phong Nẫm đã thực hiện 16 trường hợp dịch vụ thủ tục hành chính. Đa số là chứng thực khai sinh, chứng thực bản sao, chữ ký.
Ngày đầu tuần, xã Phước Ngãi (xã mới nhập từ xã Phước Tuy và Phú Ngãi), huyện Ba Tri có ít người tới xã thực hiện các thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức xã có thời gian để ổn định chỗ làm việc.
Chủ tịch UBND xã Phước Ngãi Võ Minh Công chia sẻ: Xã đang tập trung ổn định tổ chức, bàn giao và triển khai các vấn đề về trực, họp giao ban, chế độ báo cáo, lưu trữ... Đảng ủy xã chủ trương là thực hiện tốt công tác tiếp công dân, nhất là việc tiếp dân ở bộ phận một cửa. Từng ngành, tùy theo nhiệm vụ phải liên hệ thường xuyên với huyện để được hướng dẫn về cấp, đổi giấy tờ nhằm phục vụ tốt cho người dân.
Tại xã Bình Khánh (huyện Mỏ Cày Nam), xã Bình Phú (TP. Bến Tre) và xã Giao Long (huyện Châu Thành), việc thực hiện các thủ tục hành chính diễn ra bình thường. Trong đó, xã Bình Khánh thực hiện 39 trường hợp chứng thực bản sao và chứng thực chữ ký; xã Bình Phú thực hiện 13 trường hợp dịch vụ thủ tục hành chính; xã Giao Long thực hiện 24 trường hợp.
Trong ngày làm việc đầu tiên, UBND phường An Hội, TP. Bến Tre không thu phí dịch vụ đối với tất cả các dịch vụ hành chính. Chủ tịch UBND phường An Hội Nguyễn Thị Kim Chi cho hay: Trong tháng 3-2020, Công an phường sẽ hoàn thành việc thu và đổi sổ hộ khẩu cho người dân; sau đó là đổi giấy chứng minh nhân dân, hoàn toàn không thu phí.
Chủ tịch UBND phường An Hội cho rằng, đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì người dân có thể đổi khi có nhu cầu. Nếu một người vay ngân hàng, khi trả nợ đáo hạn thì phải lấy sổ đỏ đem tới Phòng Tài nguyên và Môi trường (Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất) để xác nhận tình trạng đất, trong thời hạn khoảng 3 ngày, cơ quan này cũng hoàn tất thủ tục đổi sổ đỏ cho dân.
Sau khi sáp nhập, các xã, phường đã nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai công tác và phục vụ tốt nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính của công dân. Tin rằng, chính quyền các cấp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, sớm hoàn thành việc cấp đổi các giấy tờ cần thiết cho nhân dân.
Bài, ảnh: Huỳnh Đức