Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Gắn kết giữa cung cấp kiến thức, kỹ năng và tự học
Nhấn mạnh Chiến lược có tầm quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chính sách giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Phó thủ tướng nêu rõ: Phát triển nguồn nhân lực chính là sự gợi mở tư duy đột phá, đổi mới cho ngành giáo dục, tận dụng công nghệ Cuộc cách mạng lần thứ tư, kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một thế giới đang phát triển và hội nhập toàn cầu.
Do đó, Chiến lược cần có điểm nhấn, nhiệm vụ trọng tâm, tư duy cốt lõi; kiên trì định hướng đúng đắn nhưng cũng có sự thay đổi, đột phá.
Theo Phó thủ tướng, Chiến lược phải kiên trì thực hiện mục tiêu, quan điểm trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế về cơ sở giáo dục, đào tạo, người dạy, người học... Từ đó xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp chương trình, tiêu chuẩn, tiêu chí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… đối với từng bậc học (phổ thông, học nghề, đại học, sau đại học); gắn kết giữa cung cấp kiến thức, kỹ năng và tư duy tự học, giữa thực học và thực nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cũng như quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế.
"Giáo dục đào tạo phải là tiền đề, động lực cho chuyển đổi kinh tế. Cần tận dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để thiết kế một hệ thống giáo dục mở, liên thông về chương trình, nội dung, tiêu chuẩn đánh giá, thi cử… nhằm xây dựng xã hội học tập", Phó thủ tướng nói.
Chiến lược cần xây dựng cách tiếp cận khoa học, bài bản, khả thi; có lộ trình, kế hoạch, nguồn lực, giải pháp rõ ràng, đồng bộ, trọn gói; xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong dự báo nhu cầu, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội… trong quá trình thực hiện.
Phó thủ tướng lưu ý, cần tính đến cấu trúc của nền kinh tế, các ngành công nghiệp trong tương lai, trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình tham gia vào quá trình hoạch định mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với ngành giáo dục.
Lựa chọn những khâu đột phá
Theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu của Chiến lược nhằm phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo lập thế hệ người Việt Nam mới sống lương thiện, giàu khát vọng, có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, tài năng. Đồng thời cung cấp nguồn nhân lực chất ượng cao để thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á.
Xác định mục tiêu cụ thể cho từng bậc học đến năm 2030, ở bậc Mầm non, phấn đấu toàn bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ mẫu giáo, số cơ sở giáo dục Mầm non tư thục đạt 30%. Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ hoàn thành cấp Tiểu học 99,7%, Trung học Cơ sở đạt 99%, Trung học Phổ thông đạt 95%. Trong giáo dục đại học, tỷ lệ 260 sinh viên/vạn dân, số cơ sở giáo dục đại học tư thục đạt 35% với số sinh viên theo học đạt 25%.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp thu những nội dung trong quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, đánh giá 5 năm đổi mới đối với giáo dục phổ thông, cập nhật nhu cầu nguồn nhân lực tương lai…
Tại hội nghị, các ủy viên Hội đồng đã phân tích những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong dự thảo Chiến lược; đề xuất các mục tiêu mới, giải pháp bứt phá nhằm đáp ứng theo yêu cầu nhân lực hiện nay.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị xác định trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan (bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, gia đình, xã hội…) trong thực hiện Chiến lược; lựa chọn những khâu đột phá để tập trung triển khai.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho rằng, khâu đột phá đầu tiên của Chiến lược là tạo môi trường đào tạo công bằng đối với người học lẫn cơ sở giáo dục; bổ sung các nội dung về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường vai trò của gia đình…
Tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Mai Hoa cho rằng, Chiến lược phát triển giáo dục phải gắn kết với chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo thành hệ thống giáo dục mở, liên thông...
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức