Giới thiệu nhân sự bầu Bí thư TP.HCM thuộc thẩm quyền Bộ Chính trị

17/10/2015 - 19:53

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 phát biểu bế mạc đại hội. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sau gần 4 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, ngày 17-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa X gồm 69 đồng chí. Tại phiên họp lần thứ nhất, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa X đã bầu Ban Thường vụ Thành ủy khóa X gồm 15 đồng chí.


Các đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy gồm: Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy; Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; Ông Tất Thành Cang, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa X.

Đại hội cũng bầu Đoàn đại biểu Đảng bộ Thành phố dự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng gồm 35 đại biểu chính thức, 3 đại biểu dự khuyết cùng với 7 đại biểu đương nhiên.

Liên quan đến việc Đại hội không bầu Bí thư Thành ủy, ông Võ Văn Thưởng cho biết, theo quy định, việc giới thiệu nhân sự bầu chức danh Bí thư Thành ủy thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế lớn của Vùng, cả nước, có vị trí chính trị rất quan trọng của cả nước, việc chuẩn bị nhân sự Bí thư Thành ủy gắn với công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị khóa XII của Đảng.

Việc để sau Đại hội XII phân công Ủy viên Bộ Chính trị làm Bí thư Thành ủy là đúng quy định, quy trình công tác nhân sự của Đảng. Trong thời gian này, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy điều hành hoạt động của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong phiên bế mạc, Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Đại hội, trong đó xác định, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, ra sức phát huy truyền thống vẻ vang là xây dựng Đảng bộ Thành phố thật trong sạch, vững mạnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị-xã hội; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết của Đại hội với 14 chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) bình quân hàng năm từ 8% - 8,5% (tính theo GDP thì tăng hơn 1,5 lần mức tăng trưởng GDP bình quân của cả nước), chuyển dịch cơ cấu theo định hướng dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, nông nghiệp; trong đó tỷ trọng của dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm từ 56% đến 58%; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP bình quân hàng năm từ 35% trở lên; t ổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP. Cùng với đó, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 9.800 USD.

Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 là 3,5 lần; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020 bình quân 1%/năm; đảm bảo nước sạch cho 100% hộ dân; tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8 m2/người; đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 tuổi đến 18 tuổi); đạt tỷ lệ 20 bác sỹ/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân; x ử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100% .

Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh năm sau cao hơn năm trước theo hướng ngày càng thực chất hơn; kéo giảm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém xuống dưới 0,5%/năm.

Về năng lực quản lý của bộ máy chính quyền, thành phố phấn đấu trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, Đại hội đã đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Tạo sự đột phá trong nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh; phát triển đô thị bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của Thành phố; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; phát triển, ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ thật sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng bộ với nhân dân; phát huy dân chủ, kỷ cương và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Đảng bộ Thành phố đ ẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và từng cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, trước hết là ba vấn đề cấp bách; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố, củng cố niềm tin của n hân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Thành phố đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả 6 chương trình đột phá trong nhiệm kỳ 2010-2015 ( nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập; giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giảm ô nhiễm môi trường), có bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trong từng chương trình để đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập và nâng cao chất lượng sống của nhân dân; đồng thời xây dựng thêm chương trình đột phá thứ 7 về chỉnh trang và phát triển đô thị./.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN