Tìm đường theo cách mạng
Vào một ngày đầu xuân năm 1927, tại làng Phú Vang, quận An Hóa (nay là huyện Bình Đại) có một người thanh niên 23 tuổi, dứt áo ra đi làm “quốc sự”. Đó là anh Lê Hoàng Chiếu - người được các bậc đàn anh giáo dục giác ngộ cách mạng, cùng với các anh Trần Ngọc Giải (Thới Thuận - An Hóa), Trần Văn Hòe (Vĩnh Kim - Mỹ Tho) từ giã gia đình, rời xa quê hương tìm đường theo cách mạng.
Các anh đã bí mật lên Sài Gòn, cùng một số thanh niên ở đây xuống tàu Viễn dương đến thành phố Quảng Châu (Trung Quốc). Tại phố Văn Minh (TP. Quảng Châu), các anh được dự lớp học bí mật do ông Hồ Tùng Mậu huấn luyện về “Đường cách mạng” và những kiến thức về công tác vận động, tổ chức tập hợp quần chúng. Lớp học được tiến hành trong 3 tháng. Cuối khóa, Lê Hoàng Chiếu cùng các anh em trong lớp được vinh dự gặp anh Vương đến dặn dò những điều cơ bản của người chiến sĩ cách mạng. Mãi sau này các anh mới biết anh Vương chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ kính yêu. Trước khi về nước, tất cả đều tự nguyện xin gia nhập và được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Ba lần vào tù ra khám vẫn kiên trung
Rời Quảng Châu, trở về Tổ quốc, các anh được giao nhiệm vụ vận động, gầy dựng cơ sở cho tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Lê Hoàng Chiếu được đưa về hoạt động ở quê hương. Cuối năm 1927, anh được cử vào Tỉnh bộ lâm thời Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Mỹ Tho.
Năm 1928, sau khi cơ sở Xứ ủy Nam kỳ Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị lộ, một số cán bộ bị mật thám Pháp bắt, chúng đã theo dõi và bắt giam Lê Hoàng Chiếu lần thứ nhất. Sau 10 tháng giam cầm, tra tấn, nhưng không khai thác được gì, chúng phải trả tự do cho anh. Lê Hoàng Chiếu không hề nao núng, khiếp sợ, anh tiếp tục lao vào hoạt động. Trước tình hình thực tiễn lớn mạnh của phong trào cách mạng, đòi hỏi phải có một chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo, đầu tháng 8-1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập tại Sài Gòn, Anh đã cùng với Nguyễn Ngọc Ba, Trần Ngọc Giải, Nguyễn Thiệu, Nguyễn Văn Ngự chuyển tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập những chi bộ đầu tiên của An Nam Cộng sản Đảng ở Mỹ Tho. Tháng 8-1929, anh trực tiếp vận động thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng liên xã Lộc Thuận, Phú Vang, Vang Quới. Chi bộ có 7 đảng viên do anh làm Bí thư. Cuối năm 1929, anh lại bị địch bắt lần thứ hai. Bọn mật thám tra tấn dã man nhưng cũng như lần trước, anh vẫn kiên quyết thà chết không khai báo, giữ tròn khí tiết của người cộng sản, cơ sở cách mạng bảo toàn. Chúng giam giữ anh hơn một năm ở Khám Lớn Sài Gòn, đến đầu năm 1931 chúng đưa anh ra tòa xử và đày ra Côn Đảo. Đến tháng 4-1936, phong trào dân chủ của Mặt trận Bình dân do Đảng xã hội Pháp làm nòng cốt thắng cử, chủ trương nới lỏng tự do dân chủ ở các nước thuộc địa, nhiều tù nhân chính trị được thả về, trong đó có anh Lê Hoàng Chiếu.
Tù ngục và cực hình không làm nhụt ý chí người thanh niên cộng sản Lê Hoàng Chiếu. Trở về địa bàn, anh lại lao vào hoạt động, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Sau cuộc khởi nghĩa không thành công, địch khủng bố trắng, hàng loạt cơ sở Đảng ở Mỹ Tho, Bến Tre bị phá vỡ. Năm 1941, Lê Hoàng Chiếu bị sa vào tay giặc lần thứ ba và bị đày lên trại giam Bà Rá. Đến năm 1945, anh cùng một số tù chính trị tổ chức vượt ngục, trở về tiếp tục hoạt động.
Đầu năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, khắp nơi diễn ra cao trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Lúc này, ở An Hóa chưa có Quận ủy, do bị tổn thất sau Nam kỳ khởi nghĩa chưa được khôi phục. Lê Hoàng Chiếu liên lạc với Tỉnh ủy Mỹ Tho, với các chi bộ, đảng viên còn lại tổ chức lực lượng và khi nhận được mệnh lệnh đã phát động nhân dân quận An Hóa nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân ngày 23-8-1945 theo đúng kế hoạch của Tỉnh ủy.
Kháng chiến Nam bộ bùng nổ, những năm đầu chống Pháp, tại chiến trường quận An Hóa diễn ra vô cùng khốc liệt. Tên Tây lai Leon Léroy khát máu, từng là Quận trưởng An Hóa năm 1947, đã đánh phá cách mạng quyết liệt và tàn sát đồng bào ta vô cùng dã man. Chỉ riêng quận An Hóa trong 3 năm (1947 - 1949) tên Leon Léroy cùng đội quân UMDC của hắn giết hại trên 3.000 người. Quận An Hóa trở thành nơi đầu sóng ngọn gió của phong trào và đây cũng là địa bàn Lê Hoàng Chiếu phụ trách. Các căn cứ bí mật như Hốt Hỏa (Thừa Đức) Mương Trên, Rạch Lầy (Thới Thuận), cù lao Lá (Phú Long), Bình Khương (Châu Bình), Cái Muồng (Lộc Thuận)… là những địa bàn đứng chân của các xã để cán bộ, Đảng viên bám vào dân hoạt động. Trong tình huống cực kỳ khó khăn, gian khổ, lúc nào cũng có mặt Lê Hoàng Chiếu đồng cam cộng khổ với đồng đội, đồng chí mình. Trong hàng ngũ những người lãnh đạo cuộc kháng chiến trên đất Cù lao An Hóa, Lê Hoàng Chiếu là người chịu đựng gian khổ, bám trụ lâu bền, vững vàng, kiên định nhất. Chính tên Leon Léroy cũng phải thừa nhận rằng: trong hàng ngũ Việt Minh ở An Hóa, Lê Hoàng Chiếu là một đối thủ đáng sợ nhất.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Lê Hoàng Chiếu đã đảm nhận các nhiệm vụ Ủy viên chính trị Ủy ban Kháng chiến Hành chánh, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh quận, rồi Bí thư Quận ủy An Hóa, từ năm 1950 đến năm 1954.
Những năm đen tối dưới chế độ Mỹ - Diệm, Lê Hoàng Chiếu vẫn ở lại hoạt động bí mật tại quê hương với cương vị là Bí thư Huyện ủy. Lúc ở căn cứ, lúc hóa trang đi công khai, sống bán hợp pháp trong dân để hoạt động tại các xã Tân Phú Trung, Phú Vang, Vang Quới, lúc chuyển lên các xã Phước Thạnh, An Khánh (Châu Thành), khi bám trụ tại Thới Thuận và cơ động lên xuống các xã cặp sông Ba Lai, Lê Hoàng Chiếu đã từng đóng các vai người làm ruộng, chăn vịt, câu cá, thầy thuốc… để đi lại hoạt động trong dân. Về vai thầy thuốc thì ông là một lương y thực sự, ông biết bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc và đã trị bệnh cho rất nhiều người. Cũng nhờ có nghề này mà có lần ông đi công khai đến Giồng Trôm để dự cuộc họp do Tỉnh ủy triệu tập, chưa đến nơi đã bị địch theo dõi, gặp lúc vợ tên trưởng ấp đang bị bệnh, ông đã điều trị hết bệnh cho vợ hắn, nhờ đó mà ông đã thoát nạn.
Năm 1959, Lê Hoàng Chiếu được Xứ ủy điều về Trung ương Cục và sau đó giữ nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy Liên cơ dân chính Đảng. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lê Hoàng Chiếu đã sống chiến đấu tại khu căn cứ Trung ương Cục Tây Ninh.
Hạt giống đỏ cuối cùng, ngôi sao trên đất cù lao An Hóa đã tắt…
Ngày 17-12-1991 (nhằm ngày 12-11-1991 âm lịch), ngôi sao cuối cùng của thời dựng Đảng trên đất Cù lao An Hóa đã tắt. Lê Hoàng Chiếu qua đời thọ 87 tuổi, với 62 tuổi Đảng, 3 lần vào tù ra khám vẫn trọn vẹn một cuộc đời kiên trung với Đảng, hết lòng vì nước vì dân, để lại tấm gương sáng cho lớp đàn em và con cháu tại quê nhà. Thế hệ cách mạng tiền bối cùng thời với ông, có mặt từ những ngày đầu nhen nhóm tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên trên Cù lao An Hóa và trên đất Bến Tre, nay hầu hết đã về với Các Mác - Lênin, nối gót Bác Hồ mà Lê Hoàng Chiếu là hạt giống đỏ cuối cùng. Ông đã sống, chiến đấu trải qua bốn thời kỳ sôi động, đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vĩ đại và quang vinh trong lịch sử của dân tộc.
Lê Hoàng Chiếu tiêu biểu cho ý chí cách mạng kiên cường của một người cộng sản, nhân cách trung hậu của một trí thức nho học thức thời, tấm lòng nhân ái của một lương y như từ mẫu. Suốt cuộc đời trong sáng, mẫu mực của ông gắn bó với vận mệnh của Tổ quốc và nhân dân, trước kẻ thù kiên cường bất khuất, gặp hiểm nguy không chùn bước, đối với đồng chí anh em khiêm tốn, chân thành. Vài năm cuối đời dù tuổi cao, sức yếu, khi nhớ khi quên, nhưng ông vẫn không quên ngày sinh hoạt Đảng.
Lê Hoàng Chiếu, hạt giống đỏ, ngôi sao cuối cùng của thời dựng Đảng trên đất Bến Tre đã tắt, nhưng ánh sáng mãi mãi còn lung linh, rực rỡ dẫn đường cho các thế hệ con cháu tiếp nối con đường suốt đời ông đã chọn.
__________________
(Theo Nhớ Nguồn Tập I - Ban TGTU Bến Tre - 1993)