Triển khai khảo sát chỉ số hài lòng năm 2024

03/12/2024 - 21:02

BDK - UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 8158/KH-UBND ngày 29-11-2024 về việc xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024. Kế hoạch ban hành nhằm huy động người dân, tổ chức tham gia vào quá trình xây dựng, thực thi, đánh giá chính sách, quy định, hoạt động cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước kịp thời, chính xác, khách quan, góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác cải cách hành chính nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, xã hội của các cơ quan hành chính nhà nước.

Kết quả khảo sát về sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính năm 2023.

Thông qua việc khảo sát ý kiến người dân, tổ chức nhằm đánh giá một cách khoa học và khách quan chất lượng của các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả khảo sát, các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức. Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà... của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân, tổ chức. Góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, trong sạch, chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu quả.

Trên cơ sở đó, các cơ quan tham mưu có trách nhiệm xác định các tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức bao gồm 5 tiêu chí: Tiếp cận dịch vụ; Thủ tục hành chính; Công chức trực tiếp giải quyết công việc; Kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị.

Xây dựng phiếu khảo sát trên cơ sở 5 yếu tố đo lường, phù hợp với trình độ và sự hiểu biết của người dân, tổ chức. Phiếu khảo sát phải đáp ứng được những yêu cầu sau: Đảm bảo thang đánh giá của các câu hỏi được thống nhất ở 5 mức theo thứ tự tăng dần là: “rất không hài lòng”, “không hài lòng”, “bình thường”, “hài lòng” và “rất hài lòng” (tương đương cấp độ từ 1 cho đến cấp độ 5). Đảm bảo sự thuận tiện trong việc thu thập được ý kiến người dân, tổ chức về sự hài lòng đối với cơ quan hành chính các cấp.

Đối tượng khảo sát: Cá nhân, người đại diện tổ chức đã trực tiếp thực hiện giao dịch và đã nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa của cơ quan, đơn vị, địa bàn được khảo sát từ ngày 1-1-2024 đến thời điểm khảo sát.

Phạm vi khảo sát: Tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (trong đó, Văn phòng Đăng ký đất đai được đánh giá độc lập với Sở Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo khách quan và chính xác đối với dịch vụ công lĩnh vực đất đai); tất cả 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; cơ quan ngành dọc: Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Công an tỉnh; dịch vụ công ngành y tế: Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Đại và Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh.

Phương pháp thực hiện: Hợp đồng với đơn vị độc lập là Bưu điện tỉnh thực hiện khảo sát, bố trí điều tra viên phát phiếu khảo sát để người dân, tổ chức tự nghiên cứu và trả lời (gặp trực tiếp người dân, tổ chức tại địa bàn phát phiếu và thu phiếu về ngay khi người dân trả lời xong).

UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kế hoạch này đảm bảo theo đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ đề ra; xây dựng báo cáo, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, công bố Chỉ số SIPAS của các cơ quan, đơn vị.

Các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện được chọn thực hiện năm 2024 theo kế hoạch: Lập danh sách cỡ mẫu theo yêu cầu của Sở Nội vụ đảm bảo đúng quy định và kịp thời gian. Riêng UBND cấp huyện phải xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính trong thẩm quyền quản lý để đưa ra được Chỉ số hài lòng cấp xã đảm bảo hiệu quả, thực chất.

Bưu điện tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ tập huấn cho điều tra viên về kỹ năng tiếp cận và phỏng vấn với người dân để họ không ngại khi tham gia trả lời các câu hỏi.

Để cuộc điều tra xã hội đạt chất lượng như mong muốn, các cơ quan thông tấn, báo chí cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục đích, yêu cầu và phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với dịch vụ công để nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm của người dân, tổ chức trong việc theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ công.

Bài, ảnh: Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN