|
Ông Lương Thế Ngọc - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường 5. |
Mô hình bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã đã được triển khai ở nhiều địa phương trong tỉnh. Qua gần hai năm thực hiện, mô hình đã phát huy tính tích cực của cá nhân lãnh đạo Đảng và chính quyền cấp xã.
Bí thư kiêm chủ tịch: rộng quyền hạn, nặng trách nhiệm
Chúng tôi gặp ông Trần Văn Hải - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thành Thới A (Mỏ Cày Nam) đúng vào thời điểm ông đang bận rộn với công tác tổ chức ngày khai giảng năm học mới cho các trường trên địa bàn. Chỉ trong một buổi sáng mà ông đã liên tục xử lý nhiều công việc, nào là kiểm tra khâu chuẩn bị khai giảng của các trường, xem lại nội dung làm việc cho cuộc họp ngày hôm sau, tiếp công dân…
Ông Trần Văn Hải - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thành Thới A đang trao đổi công việc cùng đồng nghiệp.
Ông Hải cho biết, từ ngày đảm nhận cùng lúc hai vai trò Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, quyền hạn được mở rộng, trách nhiệm của ông cũng tăng lên. Nhưng không phải vì thế mà ông chùn bước. Bố trí, sắp xếp công việc khoa học, tôn trọng, lắng nghe sự góp ý của tập thể là một trong những biện pháp ông Hải áp dụng trong vai trò mới. Nhiệm kỳ 2005-2010, ông Hải là Chủ tịch UBND xã, đến năm 2009 ông được Huyện ủy chọn là một trong hai người thí điểm thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã. Ông chia sẻ: “Trước đây, có những việc tôi phải chờ đưa ra cấp ủy quyết, mới có thể thực hiện được (như duyệt chi ngân sách nhà nước cho việc làm đường). Giờ thì đơn giản hóa, triển khai nhanh chóng, kết quả cao hơn”. Cuối năm 2010, Đảng bộ xã Thành Thới A được công nhận trong sạch vững mạnh ba năm liền, xã đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 14,91%, hộ cận nghèo còn 6,36%; thu nhập bình quân đầu người từ 10,5 triệu đồng/năm tăng lên 13 triệu đồng/năm.
Đảng bộ phường 5 (TP. Bến Tre), năm 2008-2009, chỉ được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, thì năm 2010 đã vươn lên đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Ông Lương Thế Ngọc - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường, cho biết, gần đây, chính quyền và nhân dân địa phương vừa hân hoan làm lễ rước bằng công nhận Phường văn hóa.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, ông Hải, muốn chủ thể của mô hình nhất thể hóa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì cần phải tập huấn, trang bị cho họ kỹ năng điều hành, quản lý cả về mặt Đảng lẫn chính quyền. Có như vậy, họ mới tự tin, không cảm thấy áp lực khi cùng một lúc đảm nhận hai vai trò. Bởi một người vừa đứng đầu cấp ủy, vừa đứng đầu cơ quan nhà nước, khối lượng công việc nhiều, tăng thời gian hội họp, hạn chế thời gian nghiên cứu, định hướng những công việc lâu dài, dễ “cuốn vào” xử lý sự vụ, sự việc trước mắt.
Mô hình mang lại hiệu quả bước đầu
Theo thông tin từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau hai năm thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, Bến Tre có 17 đảng bộ cấp xã thực hiện. Trong đó, có 8 đơn vị là điểm để thực hiện mô hình và 9 đơn vị do sắp xếp tổ chức. Kết quả đánh giá tổ chức cơ sở đảng từ năm 2008-2010, các xã được chọn thí điểm đều giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh. Đối với các xã, phường do sắp xếp cán bộ thì phần lớn cũng đạt kết quả tốt.
Tuổi đời của những cán bộ thực hiện nhất thể hóa thường còn khá trẻ, trung bình khoảng 45 tuổi, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cũng như uy tín với tập thể, địa phương. Sau đại hội Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2010-2015, những cán bộ này vẫn tiếp tục được tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã. Ông Trần Văn Hoàng - Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành cho biết, huyện có xã An Hóa thực hiện mô hình từ năm 2009 và Phú Túc triển khai năm 2010. Cả hai nơi này đều đạt kết quả tốt. Lợi ích của việc thực hiện mô hình nhất thể hóa là: người trực tiếp tiếp thu, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, đồng thời là người trực tiếp chỉ đạo việc triển khai tổ chức thực hiện. Do đó, nghị quyết của cấp ủy được xây dựng sát với thực tiễn; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra phù hợp với tình hình, đặc điểm ở địa phương; tiết kiệm được thời gian, kinh phí tổ chức các cuộc họp, dành thời gian cho công tác lãnh đạo, quản lý của bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND. Thực tế ở những địa phương thực hiện thí điểm, các cuộc họp giao ban, điều hành công việc có nhiều điều chỉnh mới, hoạt động của cấp ủy và chính quyền linh hoạt hơn. Tính chủ động của các phó bí thư, phó chủ tịch UBND trong thực hiện nhiệm vụ được nâng lên. Công tác chỉ đạo của đảng ủy đối với UBND được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, giảm được các bước trung gian như báo cáo, xin ý kiến.