Phụ nữ và trẻ em tại trại tị nạn ở al-Damazin, đông nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Michèle Taylor - Đại diện phái đoàn Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền - cho biết: “Nghị quyết này là lời kêu gọi hành động vì điều mà tất cả chúng ta đều đồng ý.Đó là những ưu tiên cấp bách đối với các bên tham chiến, nhằm chấm dứt hành vi tàn bạo và lạm dụng khác, hạ vũ khí và cho phép tiếp cận nhân đạo một cách an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở, điều rất cần thiết”.
Theo thông báo, nghị quyết về mở cuộc điều tra ở Sudan nhận được 19 phiếu ủng hộ, 16 phiếu phản đối và 12 phiếu trắng.
Bạo lực và tình trạng di tản đã leo thang kể từ khi giao tranh giữa quân đội và RSF nổ ra vào tháng 4 vừa qua. Trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tây Darfur, nơi các cuộc tấn công có mang động cơ sắc tộc đã làm hàng trăm người thiệt mạng.
Trước đó, ngày 3-10-2023, các đại sứ của Liên minh châu Âu đã nhất trí về một khuôn khổ trừng phạt sẽ được áp dụng đối với các tác nhân chính trong cuộc chiến ở Sudan và áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh.
Giao tranh nổ ra ở Sudan vào tháng 4 năm nay giữa quân đội do Tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo, người đã lật đổ nhà độc tài lâu năm Omar al-Bashir vào năm 2019, và một lực lượng bán quân sự do Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, được gọi là Hemedti, lãnh đạo.
Giao tranh và đổ máu tiếp tục leo thang bất chấp nỗ lực quốc tế nhằm đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài.
Nguồn: Vietnam+