Hội nghị Thượng đỉnh EU đưa ra những quyết định quan trọng

25/06/2011 - 07:43

Những quyết định được đưa ra sẽ có những ảnh hưởng lâu dài, trong đó có những quyết định về chính sách kinh tế, chính sách nhập cư, chính sách láng giềng...

Sau hai ngày làm việc, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo chính phủ 27 nước thành viên đã bế mạc tại Brusseles (Bỉ) với nhiều quyết định quan trọng được đưa ra.

Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso tuyên bố: “Hội nghị lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì những quyết định được đưa ra sẽ có những ảnh hưởng lâu dài, trong đó có những quyết định về chính sách kinh tế, chính sách nhập cư, chính sách láng giềng phía Nam của EU hay việc Croatia gia nhập EU".

Tại Hội nghị lần này, EU đặt trọng tâm vào vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra tại Hy Lạp có nguy cơ lây lan toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất về nguyên tắc giải ngân 12 tỷ euro tiếp theo trong gói cứu trợ khẩn cấp 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp đã được thông qua năm 2010, đồng thời sẽ dành cho nước này một gói cứu trợ mới ước khoảng 100 tỷ euro (từ những nguồn chính thức và các nguồn tư nhân), với điều kiện Quốc hội Hy Lạp phải thông qua một gói biện pháp liên quan đến chính sách “thắt lưng buộc bụng”.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng đã đạt được thỏa thuận về cơ chế ổn định châu Âu để thay thế cơ chế tạm thời hiện nay sẽ hết hạn vào giữa năm 2013 nhằm đảm bảo cho EU có khả năng tự bảo vệ và tránh được những cuộc khủng hoảng nợ tương tự đang diễn ra tại Hy Lạp.

Cũng tại Hội nghị này, EU đã tái khẳng định không gian đi lại tự do Schengen là thành tựu quan trọng của EU. Tuy nhiên, sẽ có một điều khoản bổ sung vào Hiệp ước Schengen là, các quốc gia trong trường hợp khẩn cấp (theo hệ thống đánh giá và giám sát của EU) có quyền thiết lập các trạm kiểm soát tại biên giới của mình.

Về chính sách láng giềng phía Nam của EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy khẳng định: “EU sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phát triển mang tính lịch sử đang diễn ra tại Bắc Phi và Trung Đông ” và “EU đang cùng với các đối tác quốc tế chuẩn bị quá trình chuyển giao dân chủ tại Libya”.

Các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí với việc Croatia trở thành thành viên thứ 28 của khối và cử Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy, ông Mario Draghi giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)./.

Nguồn TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN