Huyền thoại Chiến khu D

19/04/2010 - 08:14
Các nhà báo lớp B6, Trường Tuyên huấn TW III về nguồn thăm Chiến khu D. Ảnh: H.T.V

Mới đây, tôi may mắn có mặt trong đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau về thăm căn cứ TW Cục miền Nam tại Tây Ninh. Chuyến đi thật ý nghĩa, tôi cảm giác như được trở lại rừng xưa vào dịp kỷ niệm tròn 35 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Khu căn cứ TW Cục được quy hoạch trên diện tích 70 hecta, tại sóc Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách thị xã Tây Ninh 60km, cách biên giới Việt Nam – Camphuchia 3km. Công trình do hai đồng chí Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt chủ trì, cho khảo sát, phục chế 15 ngôi nhà, có 8 ngôi nhà của các đồng chí lãnh đạo; được công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 1990 và được trùng tu, tôn tạo 2 giai đoạn 1994 và 2005.

Vào nhà trưng bày, chúng tôi nhìn sa bàn và được nghe thuyết minh mà thêm hiểu... TW Cục miền Nam được thành lập năm 1951 thời chống Pháp, sau được đồng chí Lê Duẩn đặt lại là Xứ ủy Nam bộ, đóng căn cứ từ kinh xáng Chắc Băng, Thới Bình (Cà Mau) chuyển lên Sài Gòn, vòng qua Tây Ninh – căn cứ Dương Minh Châu, rồi Chiến khu D.

Tham quan nhà trưng bày Trung ương Cục miền Nam.

Sau năm 1954, Xứ ủy Nam bộ giải thể… Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với phong trào Đồng Khởi năm 1960 ở Bến Tre và chiến thắng Tua Hai ở Tây Ninh đã tạo ra bước phát triển mới cho cách mạng miền Nam. TW Cục được thành lập vào tháng 10-1961 tại Mã Đà, căn cứ đóng ở Suối Nhung (Chiến khu D) tỉnh Đồng Nai. Đầu năm 1962, căn cứ chuyển về Chiến khu Bắc Tây Ninh cho đến ngày 30-4-1975. Trong chống Pháp và Mỹ, đất Tây Ninh 2 lần vinh dự là nơi đứng chân của TW Cục - cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam.

Nhân viên Tổ di tích TW Cục – Lê Thanh Chiến 34 tuổi, quê thị trấn Tân Châu, huyện Tân Biên (Tây Ninh) và cũng là một cháu rể của Bến Tre – đó là cháu nội rể của soạn giả cải lương Vĩnh Xuân, tức đồng chí Dương Văn Răng, cố Giám đốc Sở VHTT tỉnh Bến Tre - hướng dẫn chúng tôi đi vào khu rừng, thuyết minh nhiều chi tiết, sự kiện thật hấp dẫn.

Tôi từng sống với rừng đước Năm Căn, rừng tràm U Minh Hạ và hít thở hương vị 5 tầng sinh thái của rừng dừa Bến Tre, nay được về với Tây Ninh – biết khu vừng nguyên sinh đại ngàn với nhiều loại gỗ quý như cây lộc vừng và 2-3 cây cầy cổ thụ, còn gọi là cây kơ-nia nổi tiếng… Từ cửa khẩu Xa Mát trở vào là vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, rừng nối tiếp rừng đến căn cứ TW Cục. Nhân viên Lê Thanh Chiến nói: Hồi xưa rừng 3 tầng dày đặc che kín, không có ánh sáng lọt vào như bây giờ!.

Đài liệt sĩ tại Chiến khu D.

Chúng tôi cùng bước trên con đường bê-tông nhỏ vòng quanh, ánh nắng chiếu rọi ấm áp trong không khí lá cây rừng mát lạnh. Dừng lại trên chiếc cầu bắc qua dòng suối mùa khô, mọi người nghe kể như truyền thuyết: Sau Hiệp định Paris 1973, đoàn ca múa Giải Phóng về biểu diễn phục vụ các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan TW Cục, vào một buổi trưa vắng vẻ, bỗng có người chợt bắt gặp hình ảnh 3 cô diễn viên xuống dòng suối này rắm rửa, đẹp như tiên nữ giáng trần thời kháng chiến và từ đó, người ta gọi là “Suối Tiên Cô”.

Trong khu rừng lịch sử văn hóa này, có 3 đồng chí từng giữ trọng trách cao:  Đồng chí Nguyễn Văn Linh từ năm 1961-1964 làm Bí thư TW Cục, từ năm 1964-1975 là Phó Bí thư, phụ trách tuyên huấn và đô thị Sài Gòn. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào miền Nam làm Bí thư TW Cục kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy Miền từ tháng 10-1964. Còn nhớ trận càn Giôn-xơn, Xi-ty của 45.000 quân Mỹ và ngụy Sài Gòn vào căn cứ TW Cục từ tháng 2 đến tháng 4-1967 diễn ra hết sức ác liệt. Đồng chí Phạm Hùng, Bí thư TW Cục từ năm 1967-1975 được nhân dân trong vùng biết và trìu mến gọi đây là “Căn cứ Phạm Hùng”.

Bếp Hoàng Cầm.

Tại đây, chúng tôi được giới thiệu qua các ngôi nhà: thường trực, bảo vệ, trạm gác, hội trường lớn, nhà ở và làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng, Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung. Thật bồi hồi! Một thế hệ cán bộ lãnh đạo TW Cục - lớp học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ CHí Minh, trọn đời hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, hoàn thành tâm nguyện thống nhất Tổ quốc, đã lần lượt thanh thản ra đi… Phần lớn nhà được phục chế ngay vị trí ban đầu, lợp lá trung quân, mỗi nhà có một căn hầm chữ A thông ra hệ thống giao thông hào, dẫn tới hội trường… Trong khu rừng, còn dấu tích những hố bom B52 của Mỹ rải thảm thời chiến tranh và còn 2 nhà chưa phục chế là nhà đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, được tăng cường về TW Cục sau Mậu Thân 1968 và nhà đồng chí Võ Chí Công, Phó Bí thư TW Cục…

Và đây là nhà văn phòng, nhà bếp Hoàng Cầm. Tôi chợt nhớ, thời kháng chiến, có 3 người trùng tên: Thượng tướng Hoàng Cầm, nhà thơ Hoàng Cầm, anh nuôi Hoàng Cầm và Hoàng Cầm nào cũng nổi tiếng cả. Nghe nói, hồi nhỏ nghèo, ông đốt rơm thổi lòn vào hang để bắt chuột, mà khi đi kháng chiến đã nghĩ ra bếp chụm nấu không khói trong chiến khu… Tác giả bếp Hoàng Cầm quê Hà Nam, nghỉ hưu cấp hàm đại úy, qua đời năm 1992, thọ 92 tuổi.

Về với rừng đại ngàn che chở Chiến khu.

Trong khu rừng lịch sử văn hóa này, có 24 cơ quan TW Cục với 7.357 cán bộ từng sống và chiến đấu, chưa kể lực lượng bảo vệ. Nhân viên Lê Thanh Chiến nói: Bà Trần Thị Trung Chiến (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) quê Bến Tre, cũng từng ở đây! Và, Lê Thanh Chiến giải thích: Đồng chí Phạm Thái Bường, bí danh Ba Bình (1915) thời chống Pháp là phái viên TW Cục, có chỉ đạo tỉnh Bến Tre, nên người ta ngỡ ông quê Bến Tre, nhưng thực ra quê ông ở huyện Càng Long (Trà Vinh). Ông là Trưởng Ban An ninh TW Cục, bị bệnh tiểu đường, qua đời năm 1974 tại cánh rừng này, thọ 60 tuổi.

Nhiều cán bộ người Bến Tre từng sống và hoạt động ở các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam trên này, có Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Trung tướng Đồng Văn Cống, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nhà thơ Lê Anh Xuân, nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc và nhiều người nữa…

Thật là xúc động khi biết chính ngay “vùng đất thánh cách mạng thiêng liêng này” trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ kính yêu đã gửi vào đây nhiều thư từ, thông điệp, mệnh lệnh thông qua các đồng chí lãnh đạo TW Cục, động viên tinh thần kháng chiến của quân dân miền Nam anh hùng, tiến lên giành thắng lợi trọn vẹn bằng kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30-4-1975 lịch sử.

Nguyễn Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN