Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

03/04/2012 - 17:22

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã làm cho nhân dân bất bình, lo lắng và giảm lòng tin đối với Đảng; là hiểm họa to lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ ta.

Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IV (khóa XI) đã nêu vấn đề cấp bách, hàng đầu trong công tác Xây dựng Đảng hiện nay là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ quản lý các cấp”.

1.Đánh giá sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong các văn kiện của Đảng

Thật ra, sự suy thoái của một số ít phần tử trong tổ chức Đảng là một hiện tượng bình thường. Nhưng đã đến lúc có “một bộ phận không nhỏ” và đã trở nên “nghiêm trọng” thì không còn bình thường nữa. Khái niệm “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” Đảng ta lần đầu tiên, chính thức đưa vào văn kiện tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”. Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, tiếp tục đánh giá: “Tình trạng tham nhũng, thoái hóa tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng”. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng”. Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ thêm, tình trạng trên đã diễn ra “trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”, “chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”. Lần này, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa XI) đã nêu cụ thể hơn nữa: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên đang giữ vị trí lãnh đạo, quản lý kể cả cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” và nếu không sửa chữa được sẽ “thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

2. Sự  suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống        

Khái niệm suy thoái (trên lĩnh vực xã hội): suy có nghĩa là giảm sút dần, theo hướng càng ngày càng yếu đi; thoái có nghĩa là thụt lùi dần, theo hướng ngày càng kém đi, mất dần những phẩm chất tốt đẹp. Như vậy, suy thoái có nghĩa là quá trình biến đổi dần dần, ngày càng yếu kém và xấu đi, mất dần những phẩm chất tốt đẹp.

Tư tưởng chính trị: Tư tưởng là hệ thống những quan điểm của con người nhận thức đối với hiện thực. Tư tưởng chính trị mà ở các văn kiện của Đảng đã nêu, chính là hệ thống lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đạo đức, lối sống : Đạo nghĩa là đường đi, lối ứng xử của con người; Đức là trình độ, năng lực thái độ ứng xử của con người đối với cuộc sống theo những chuẩn mực chung của một xã hội cụ thể. Nói cách khác, đạo đức là tập hợp những chuẩn mực, những nguyên tắc nhằm điều chỉnh đánh giá hành vi của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội và tự nhiên, được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, truyền thống và sức mạnh của  dư luận xã hội. Đạo đức mà các văn kiện của Đảng đã nêu chính là đạo đức cách mạng; đạo đức theo Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó, bao gồm các chuẩn mực: Trung với nước, hiếu với dân; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người, sống với nhau có nghĩa, có tình và tinh thần quốc tế trong sáng.

 Lối sống là cách sống của một cá nhân, một cộng đồng phụ thuộc vào quan điểm đạo đức, văn hóa của xã hội. Lối sống theo các văn kiện của Đảng nêu là lối sống biết nỗ lực đem hết sức mình cống hiến cho xã hội, đem lại hạnh phúc cho xã hội, trong đó có mình. Đó là lối sống có lý tưởng, có mục tiêu. Lý tưởng, mục tiêu mà toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm thực hiện đó là “độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội”; vì một đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

3. Những nguy hại từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Suy thoái về tư tưởng chính trị biểu hiện trước hết là ở sự xem thường và không chịu nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó, dẫn tới thiếu hiểu biết sâu về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, mơ hồ về bản chất giai cấp của Đảng. Chính vì vậy, dễ bị phai nhạt lý tưởng, dao động, ngả nghiêng “tự diễn biến” trước những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Từ đó đánh mất niềm tin, phủ nhận thành quả đấu tranh cách mạng, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, nhất là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Suy thoái về tư tưởng chính trị là cơ sở phát sinh cơ hội chính trị, nói và làm không đúng đường lối, chính sách của Đảng, phản bội lại lý tưởng…

Suy thoái về đạo đức lối sống  biểu hiện là sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện vô nguyên tắc, nói không đi đôi với làm.

Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trong thực tế đã có phần tử phản bội lại lý tưởng cách mạng, lợi ích của nhân dân, trở thành kẻ thù của dân tộc. Chính vì thế, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ của Đảng và trong hệ thống chính trị là cực kỳ nguy hiểm. Cán bộ, đảng viên cấp càng cao, phạm vi suy thoái càng rộng, càng kéo dài, nếu không kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi thì càng nguy hại cho sự nghiệp cách mạng. Bởi chính nó làm cho nhân dân lo lắng, bất bình, mất lòng tin với Đảng, thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng, nguy cơ tồn vong của chế độ.

 Chính vì nguy hại vô cùng to lớn mà hậu quả nghiêm trọng của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đưa đến, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị cán bộ triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tại Hà Nội, ngày 27-2-2012 vừa qua: “Lần này Trung ương không bàn toàn diện về công tác Xây đựng Đảng mà chỉ chọn một số vấn đề cấp bách về Xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay”. Trung ương đã chọn 3 vấn đề, trong đó, vấn đề cấp bách đầu tiên cũng vừa là cơ bản và lâu dài đó là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.

Với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, lại được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất định Đảng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên lần này, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN