Sở dĩ nghị quyết này có sức lay động mạnh mẽ như vậy là vì Trung ương đã lựa chọn đúng vấn đề nổi cộm, đánh giá đúng tình hình và đề ra đúng hệ thống các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giải quyết 3 vấn đề cấp bách hiện nay:
Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong ba vấn đề đó, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.
Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, sau khi tiếp thu nội dung và kế hoạch thực hiện nghị quyết, các cấp ủy, các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương sẽ tiến hành phổ biến, quán triệt và bàn kế hoạch tổ chức thực hiện ở cấp mình với tinh thần đồng bộ, kiên trì, không nôn nóng, thận trọng, nghiêm túc gắn với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Toàn xã hội đang phấn khởi và kỳ vọng lần này từ Trung ương đến từng tổ chức cơ sở Đảng, từ cán bộ lãnh đạo cấp cao đến người đảng viên không giữ chức vụ sẽ tự giác thực hiện tốt các nội dung và giải pháp mà trước mắt là thực hiện tốt nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém, xây dựng Đảng ta thật sự là Đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân; động viên toàn Đảng, toàn quân thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Phương châm thực hiện Nghị quyết là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh, bảo đảm tính đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp “xây và chống”, “chống và xây”, nói đi đôi với làm; bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức, không chuyển biến tình hình; giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ.
Các công việc cụ thể, trình tự, bước đi, mục tiêu, giải pháp của Đảng bộ tỉnh ta như thế nào, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện sau khi có kế hoạch và các hướng dẫn chính thức của Trung ương. Việc phổ biến và tổ chức thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh ta có đáp ứng được mục đích, yêu cầu của Trung ương và kỳ vọng, mong muốn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà hay không phụ thuộc rất lớn vào quá trình chuẩn bị xây dựng kế hoạch và các hướng dẫn cụ thể của Ban Thường vụ, của các Ban Xây dựng Đảng. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là đánh giá đúng thực trạng, xác định đúng những biểu hiện lệch lạc, yếu kém của các tập thể cấp ủy, cá nhân đảng viên theo 3 nội dung cấp bách nêu trên để từng cấp ủy, từng đảng viên tự nhìn nhận, tự lắng đọng lòng mình như thế nào, để tự giác sửa chữa, khắc phục theo nguyên tắc vừa chống vừa xây, vừa xây vừa chống.
Xây dựng Đảng thực chất là xây dựng con người. Do đó, chúng ta cần lường hết những phức tạp, khó khăn, thậm chí cả trở ngại trong quá trình thực hiện. Hiện nay, cũng còn nhiều người băn khoăn, lo lắng về tính khả thi của Nghị quyết. Vì vậy, khi thực hiện, chúng ta cần quán triệt trước hết phương châm kiên trì, bền bỉ, làm đi làm lại nhiều lần. Làm được như vậy chắc chắn chúng ta sẽ tạo được bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, lòng tin của nhân dân đối với Đảng sẽ được củng cố vững bền, nền tảng của chế độ sẽ càng thêm vững chắc.