|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN) |
Kết thúc buổi sáng 18-11, Quốc hội đã hoàn tất toàn bộ 2 ngày rưỡi tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong chương trình Kỳ họp thứ 10. Đây cũng là phiên chất vấn cuối cùng trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII.
Đặc biệt,
lần đầu tiên trên hội trường Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp tham gia
trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Trả lời 3
câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) liên quan đến
vấn đề nâng cao chất lượng phiên chất vấn; xử lý bồi thường oan sai; tác động từ
phía luật pháp đối với doanh nghiệp tư nhân; quy trình xây dựng luật..., Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định cả 3 câu hỏi đều là gợi ý có chất lượng đối
với công tác nghiên cứu và phát triển của Quốc hội.
Trả lời
câu hỏi của đại biểu đề xuất xây dựng luật để phân cấp trách nhiệm của Chính phủ
và địa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ theo Luật Tổ chức
chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, kể cả Luật Tổ chức Quốc hội
liên quan đến Hội đồng nhân dân địa phương thì đã có những quy định về phân cấp,
phân nhiệm để Chính phủ, Thường vụ Quốc hội có hướng dẫn phân cấp.
Những việc
đó, Quốc hội vừa thảo luận và ban hành xong, nhưng chưa có hiệu lực thi hành
ngay. Bởi vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không cần phải ban hành một luật
riêng về vấn đề này mà cần tổ chức thực hiện tốt các luật sắp có hiệu lực.
Trả lời
câu hỏi của đại biểu về phân định lỗi cá nhân hay lỗi công vụ trong xử lý oan,
sai để tiến hành bồi thường hay lấy tiền ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng cho rằng các luật liên quan đến bồi thường đã có phân biệt khá
rõ các hình thức lỗi như lỗi do cá nhân thẩm phán; lỗi cá nhân nhưng là do cố
ý, do trình độ, năng lực; lỗi do công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ
quan điều tra, kiểm sát, tòa án...
Khi xét xử,
quyết định bồi thường, thẩm quyền thuộc về cơ quan xét xử tòa án. Như vậy, có
thể nói Luật bồi thường, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện Kiểm
sát nhân dân và Luật Cơ quan điều tra sắp thông qua đều quy định rõ trách nhiệm
của từng chủ thể, tổ chức, cá nhân.
"Nếu
là lỗi cá nhân do cố ý làm sai thì còn có thể bị xử lý hình sự, chứ không chỉ bồi
thường. Trong quá trình nghiên cứu nếu có vấn đề gì đó xuất hiện thì sẽ cùng
nhau tiếp tục nghiên cứu thêm" - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Đối với nội
dung chất vấn của đại biểu về thẩm quyền đề xuất xây dựng pháp luật, Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong quy trình làm luật hiện nay, thẩm quyền
đề xuất, đóng góp sáng kiến xây dựng pháp luật có thể là đại biểu Quốc hội, các
Ủy ban, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân tối cao…
“Chính phủ
là một chủ thể có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất, trình luật để Quốc hội ban
hành. Đây là chủ thể quan trọng, vì Chính phủ là cơ quan hành pháp. Trong quá
trình hành pháp, người điều hành trực tiếp nắm được những đòi hỏi từ thực tiễn,
nhu cầu từ cuộc sống, yêu cầu của công tác quản lý để trình Quốc hội ban hành
luật pháp để thực hiện quản lý nhà nước, yêu cầu của Quốc hội một cách tốt hơn.
Đây là chủ thể chính trong đề xuất xây dựng các bộ luật” - Chủ tịch Quốc hội
nêu rõ.
Chủ tịch
Quốc hội cho rằng, vấn đề là phải tổ chức thực hiện cho tốt. Rất nhiều luật năm
nay, chương trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay là theo sáng kiến của của các cơ quan
của Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội và các chủ thể khác.
“Quy
trình, quy định của chúng ta rất rộng, rất dân chủ, đặt trách nhiệm rất cao vào
các cơ quan, tổ chức. Hơn nữa, với những đạo luật quan trọng, chúng ta còn tổ
chức lấy ý kiến nhân dân, là một hình thức dân chủ toàn dân. Như vậy, luật pháp
chúng ta quy định đến nay là đầy đủ” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cho rằng
3 đề xuất của đại biểu Trần Du Lịch là rất tốt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc
hội cần ghi nhận để cùng phối hợp triển khai trong quá trình xây dựng chương
trình xây dựng, ban hành luật trong các kỳ họp Quốc hội./.