|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Thanh Niên ký tên vào chiếc bình gốm lưu niệm Ngày thơ lần thứ VIII. Ảnh: A.NG |
Đến với thơ ca mọi người được trang trải và san sẻ những lòng, để vơi dịu những nỗi đau, hay để được tiếp thêm nguồn sinh lực cho ta đi tới.
Tinh thần yêu chuộng thơ ca là nét độc đáo trong tính cách người Việt, tâm hồn Việt, trải qua thời gian nó đã trở thành bản sắc văn hóa người Việt”- đó là lời khẳng định của nhà nghiên cứu Hồ Trường - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu trong đêm lễ hội mừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII năm 2010 tổ chức tại đình Phú Tự (xã Phú Hưng - TP.Bến Tre) vào ngay đêm rằm tháng giêng Canh Dần. Và chính vì thơ ca là phương tiện chuyển tải mọi cung bậc tình cảm nên thơ ca luôn có sức hấp dẫn ở mọi thời điểm. Trong đêm lễ hội thơ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Thanh Niên, ông Cao Dũng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông Nguyễn Tấn Đạt - Bí thư Thành ủy TP.Bến Tre, ông Cao Thành Hiếu - Chủ tịch UBND TP.Bến Tre, đại diện lãnh đạo các ban, ngành, xã phường đã đến góp mặt cùng với sự hiện diện của hàng trăm thi sĩ trong toàn tỉnh và đông đảo quần chúng nhân dân, tạo nên không khí sôi nổi cho đêm hội. Đây cũng là một hoạt động hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nghi thức tế lễ ở đàn xã tắc, thắp hương đền thờ liệt sĩ do các bậc cao niên và lãnh đạo đương thời tiến hành không chỉ thể hiện tấm lòng tri ân đối với người đi trước mà đêm hội kỷ niệm Ngày thơ cũng vì thế lại càng thêm phần trang trọng. Hàng trăm trái tim lắng đọng theo bài xướng Bạch mai bi ký, nhắc nhớ mãi ơn cao của người đi trước tạo dựng cơ đồ cho thế hệ mai sau: “Rừng rậm cồn hoang/ Sấu nghé, cọp gầm/ Sông sâu nước chảy/ Xứ cù lao bốn phương tụ hội/ Người Bến Tre xây ấp lập làng. Phương Nam thời mở cõi/ Nước ngọt cây xanh/ Đất lành chim đậu…”. Có thể nói, khí phách oai hùng của dân tộc Việt Nam như bài thơ thần hùng tráng “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, hay trong sáng, nhẹ nhàng, cao cả, đầy ắp những cảm xúc trước thiên nhiên trong bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị vượt thời gian và trở thành bất hủ: “Kim dạ Nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. (Bài thơ được dịch là: Rằm Xuân lồng lộng trăng soi/ Sông Xuân, nước lẫn màu trời thêm Xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát, trăng ngân đầy thuyền).
Viết thư pháp trong đêm thơ. Ảnh: A.N
Ngày thơ với chủ đề “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” hướng về Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi, tình cảm với muôn vàn yêu thương và trân trọng của người Bến Tre nói riêng, cả đất trời phương nam nói chung đang hướng về thủ đô đã được các thi sĩ thay lời dâng lên đầu ngọn bút, tuôn trào những hồn thơ dạt dào niềm cảm xúc: “Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi giữ nước/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…” (“Nhớ Bắc” của thi sĩ quá cố Huỳnh Văn Nghệ), hay: “Thời gian trôi qua nhanh như vó câu qua cửa sổ/ Mới đó đã ngàn năm-Thăng Long - Hà Nội/ Quê hương, ai đi xa không nhớ/ Nhớ đỉnh núi cao có tiếng chiêng cồng/ Nhớ núi sông chuyển mình với “câu thơ yên ngựa”/ Nhớ ngàn năm sự tích tổ tông…” (“Ngàn năm vó ngựa” của thi sĩ Trần Thế Tuyển) và nồng thắm, mênh mang: “Dẫu ngàn năm vẫn tinh mơ/ Như buổi sớm nay con tàu phương Nam đưa tôi về ga Hàng Cỏ/ Gặp nước hồ Gươm ánh lên màu huyền tích/ Có gió và sương cất lên tự sông Hồng…” (“Hà Nội tinh mơ” của thi sĩ Nguyễn Hữu Quý). Tuy không nhiều, nhưng những bài thơ bày tỏ tình cảm của người phương Nam hướng về Thăng Long - Hà Nội, lắng đọng và nổi bật trong đêm thơ. Thương về Hà Nội, nhớ thuở đi qua, nghĩ đến người hy sinh vì nước…là những cung bậc tình cảm mà nhiều thi hữu đã gửi gắm trong đêm thơ, từng câu thơ đã làm lòng người lắng lại, nghĩ suy: “Buổi chiều con đi nắng lung linh đầu ngõ/ Một quả bom vừa nổ bên liếp cải xanh rì/ Con đi, con mang theo, con chẳng quên gì cả/ Mùa cam ngọt Lương Hòa và tình yêu của mẹ Lương Hòa…” (Bài “Gửi mẹ Lương Hòa” của nhà thơ Chim Trắng đã được nhạc sĩ Lê Dân phổ nhạc)
Đêm hội thơ khép lại, những vần thơ, những câu thơ miên man tình người, yêu chuộng hòa bình, tôn vinh những nét đẹp của tâm hồn Việt, cũng như tấm lòng của những con người từ “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” vẫn còn đọng mãi.