Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách từng bước định hình

24/01/2024 - 13:38

BDK.VN - Một ngày đầu tháng 1-2024, có dịp tham gia cùng đoàn công tác tỉnh trong chuyến khảo sát triển khai Đề án Làng Văn hóa du lịch (VHDL) Chợ Lách, tôi có dịp cảm nhận không khí lao động nhộn nhịp của người dân nơi đây. Mọi người tất bật chuẩn bị hoa kiểng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2024.

Người dân xã Long Thới, huyện Chợ Lách chăm sóc kiểng mâm sôi để bán vào dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Trần Quốc.

Người dân xã Long Thới, huyện Chợ Lách chăm sóc cúc mâm sôi để bán vào dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Trần Quốc

Phát huy lợi thế của địa phương

Ông Lê Văn Nhể, ấp Hòa An, xã Long Thới cho biết: Gia đình đang chăm sóc 800 cây vạn thọ để bán vào dịp Tết Nguyên đán 2024. Hiện vạn thọ phát triển tươi tốt. Để chủ động trong phòng, chống hạn mặn, đặc biệt là mặn xâm nhập vào các kênh, nơi cung cấp nguồn nước ngọt tưới cho cây trồng, ông Nhể đã dành một phần diện tích đất của gia đình trải bạt trữ khoảng 6 ngàn khối nước dự phòng khi hạn mặn vẫn có nước ngọt tưới cho cây trồng. “Với lượng nước được dự trữ, nếu các kênh rạch bị nhiễm mặn thì tôi có thể sử dụng để tưới cho hoa kiểng Tết và 50 ngàn cây giống sầu riêng trong khoảng thời gian 1,5 tháng”, ông Lê Văn Nhể cho biết.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: Hiện nay, người dân đang tập trung sản xuất hoa kiểng để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Số lượng từ 6 - 8 triệu sản phẩm, gồm: các loại hoa nở, cúc, thọ, hoa giấy, tắc… sản lượng tập trung 6 xã cánh Đông huyện Chợ Lách (Phú Sơn, Vĩnh Hòa, Hưng Khánh Trung B, Vĩnh Thành và xã Long Thới) đoạn từ sông Cái Gà hướng ra sông lớn.

Trên địa bàn huyện Chợ Lách có 10 nhà máy nước, cơ bản đảm bảo cung cấp nước. Do các nhà máy nước nằm ven sông lớn, công tác lấy nước sẽ được thực hiện theo cách canh triều. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy đạt trên 80% số hộ. Đến nay, diện tích đê bao 9.248ha đất nông nghiệp (chiếm 88,4%). Trong đó, đê bao vững chắc có 105,7km, diện tích 4.985ha; đê bao an toàn 76,77km, diện tích 1.611ha; đê bao cục bộ nhà nước hỗ trợ cống dân đắp đê 60km bờ bao, diện tích 2.652ha. Với hơn 1.048 cống từ phi 60 trở lên.  Những năm gần đây, người dân rất quan tâm việc trữ nước ngọt  tại hộ gia đình thông qua đào ao lót bạt và túi trữ ứng phó hạn mặn. Năm 2024, người dân chủ động, đào ao trữ từ 200 - 500m3 khoảng 500 ao và trên 1 ngàn túi trữ 5 - 25m3 .

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đánh giá cao nhận thức và tính chủ động, tích cực của người dân Chợ Lách trong việc phòng, chống ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Ngoài các công trình, dự án do Trung ương, tỉnh, huyện đầu tư, từng hộ dân tự đầu tư, tạo sự đồng bộ, chủ động trong phòng, chống, ứng phó hạn mặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn; đảm bảo cung cấp đủ nước cho sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt, chăn nuôi.

Gắn với phát triển Đề án Làng Văn hóa du lịch

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Nguyễn Minh Đức, huyện đã và đang triển khai nhiều nội dung của Đề án Làng VHDL Chợ Lách. Cụ thể, huyện đang triển khai thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 cồn Cái Gà, xã Long Thới để kêu gọi xây dựng khu nghỉ dưỡng cồn Cái Gà. Thực hiện thủ tục tiếp theo đối với đất K26 để kêu gọi xây dựng Trung tâm điều phối Làng VHDL - trạm dừng chân. Thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân bóng đá xã Phú Sơn để kêu gọi xây dựng Trung tâm thương mại cây giống, hoa kiểng Chợ Lách.

Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Nguyễn Minh Đức cho rằng: Việc triển khai thực hiện đề án có bước chuyển mang tính đột phá để thực hiện chủ trương của huyện về phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch với phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương. Thời gian qua, thu hút đông đảo lượng khách du lịch quan tâm vào các dịp lễ, Tết, góp phần quảng bá sản phẩm cây giống, hoa kiểng của huyện đến khách thập phương. Đây còn là động thái vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng địa phương, nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần phục hồi, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo thêm cơ hội để giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền, dân tộc trong và ngoài nước.

Cơ sở hạ tầng bước đầu được quan tâm, với chủ trương đầu tư đồng bộ, góp phần thay đổi bộ mặt của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức của người dân về phát triển du lịch được nâng lên, bước đầu các hộ dân rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ, quan tâm sắp xếp, chỉnh trang, với trạng thái sẵn sàng đầu tư phục vụ phát triển du lịch. Đây là cơ hội để Làng VHDL Chợ Lách phát triển bền vững, khai thác tốt hơn nữa những lợi thế của địa phương gắn với phát triển dịch vụ du lịch. Từng bước đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện. Trên cơ sở quy hoạch, huyện vận động người dân đảm bảo cảnh quan quy hoạch Làng, tránh được tình trạng đầu tư tự phát các dịch vụ du lịch.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN