Lựa chọn hình thức phù hợp cho học sinh học trực tuyến

06/10/2021 - 06:10

BDK - Hiện dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến khó lường, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chưa triển khai dạy học trực tiếp như phương án dạy học từ tháng 10-2021. Hoạt động dạy và học tiếp tục bằng hình thức trực tuyến để phòng chống dịch cho đến khi có thông báo mới.

Học sinh Trường THCS Thành Thới A (Mỏ Cày Nam) học online tại nhà.

Học sinh Trường THCS Thành Thới A (Mỏ Cày Nam) học online tại nhà.

Chưa dạy trực tiếp

Trong thời gian chưa học tập trực tiếp, các cơ sở giáo dục chú trọng dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ. Hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến không kéo dài thời gian như học trực tiếp trên lớp để đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh (HS) khi tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi. Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo.

Theo bà La Thị Thúy - Giám đốc Sở GD&ĐT, tùy tình hình thực tế về điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị, các trường đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức dạy học ứng phó diễn biến dịch Covid-19 và Công điện số 1190/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện thực hiện kế hoạch năm học mới 2021-2022 hiệu quả, chất lượng.

Giáo viên nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa để xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt. Ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới, các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức đã triển khai dạy học hoặc có thể hướng dẫn cho HS tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh.

Bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với HS. Đảm bảo cuối năm học đạt được yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình. Đồng thời, tổ chức rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, mức độ cần đạt của từng khối lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại đơn vị. Thực hiện tinh giản nội dung để tập trung giúp HS hoàn thành các nội dung cốt lõi.

Nội dung tinh giản

Qua 3 tuần học trực tuyến, giáo viên Trường THPT Trần Văn Ơn (Châu Thành) đã dành 1 tuần để ôn tập kiến thức cũ, 2 tuần vào chương trình mới. Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Ơn Đỗ Văn Công cho biết, giáo viên chủ yếu hướng dẫn HS khai thác hiệu quả sách giáo khoa để học tập. Nội dung dạy học cũng tinh giản, tập trung các kiến thức cốt lõi có trọng tâm. Trong thời gian này, nhà trường vừa dạy trực tuyến vừa chỉ đạo giáo viên nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và thống nhất trong tổ, khối nội dung giảng dạy các môn học khi HS trở lại trường học trực tiếp.

Để hạn chế việc sử dụng các thiết bị trong quá trình học trực tuyến, giáo viên Trường THCS Thành Thới A (Mỏ Cày Nam) cơ cấu nội dung bài giảng gói gọn trong 30 phút online. Thầy Lê Thanh Tân - Tổ phó Tổ Toán, Tin học - Mỹ thuật, Nhạc, Trường THCS Thành Thới A cho biết: thay vì 45 phút/tiết học trực tiếp tại trường, hầu hết giáo viên đã soạn giáo án rút ngắn còn 30 phút/tiết để hướng dẫn những kiến thức mới và giảm thời lượng học online cho HS. Qua định hướng kiến thức trọng tâm, giáo viên gửi link bài giảng soạn sẵn để các em nghiên cứu, tự học là phần lớn.

Hiện nay, ngành GD&ĐT vẫn giữ phương án dạy học trong điều kiện dịch Covid-19 đã được triển khai từ đầu năm học 2021-2022. Cụ thể, các cơ sở giáo dục mầm non duy trì hoạt động hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà. Hình thức qua kết nối mạng, giáo viên chuyển các video, tài liệu cho phụ huynh hỗ trợ hướng dẫn trẻ. Đối với trẻ em mẫu giáo 5 tuổi lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em tổ chức giáo dục trẻ em ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp 1.

Đối với HS lớp 1, lớp 2, ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này. Giáo viên giới thiệu thêm đến cha mẹ HS một số đài truyền hình của các tỉnh, thành phố có phát sóng chương trình dạy học lớp 1, lớp 2 để biết và sắp xếp cho HS tham gia học. Linh hoạt kết hợp gửi bài giảng đến cha mẹ HS qua các ứng dụng, phối hợp cùng cha mẹ HS hướng dẫn HS khai thác hiệu quả sách giáo khoa chủ động học tập ở nhà.

Đối với HS lớp 3, lớp 4 và lớp 5 tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ. HS lớp 6, giáo viên hướng dẫn xem lại các tiết hướng dẫn học tập theo chủ đề đối với môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và môn Khoa học Tự nhiên đã phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre và các kênh YouTube như đã thông báo để hướng dẫn HS tiếp tục tự học (có hỗ trợ của giáo viên) để hoàn thiện chủ đề học tập. Đối với chương trình lớp 9 và lớp 12 vẫn duy trì chương trình học tập, ôn tập theo định hướng nội dung phù hợp đảm bảo kiến thức cho kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Để đảm bảo hiệu quả việc dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT yêu cầu nhà trường căn cứ vào điều kiện thực tế để có định hướng, lựa chọn hình thức phù hợp qua các hệ thống như LMS, Google Meet hoặc qua mạng xã hội như Zalo, Facebook… để hướng dẫn cho học sinh theo các chủ đề học tập. Đối với các trường hợp học sinh không có điều kiện để tiếp cận dạy học trực tuyến, nhà trường phân công giáo viên nắm rõ từng trường hợp cụ thể để có biện pháp hỗ trợ như: photocopy, chuyển tài liệu học tập đến học sinh đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Bài, ảnh: P. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN