Mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, bài 1: Khi nông dân mở Homestay

30/05/2018 - 08:37

BDK - Nông dân làm du lịch từ chính mảnh vườn, ngôi nhà của mình đã xuất hiện ở tỉnh từ vài năm trước. Từ một vài hộ rồi lan rộng ra nhiều hộ, mô hình làm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong các loại hình du lịch của tỉnh nhà.

Du khách nước ngoài ưa thích các hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Hữu Hiệp

Du khách nước ngoài ưa thích các hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Hữu Hiệp

Từ mảnh vườn gia đình

Xuất phát từ nhu cầu của khách, từ xu thế phát triển của du lịch mà từ vườn trồng bưởi, trồng dừa, chôm chôm, sầu riêng,... người dân tận dụng để thu hút khách du lịch đến tham quan và bán chính sản phẩm của mình làm ra.

Với mảnh vườn khoảng 1ha và ngôi nhà dừa ba gian, gia đình ông Huỳnh Văn Mười, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre đã tận dụng để làm du lịch nhà vườn 7 năm nay.

Ngôi nhà của ông Mười với tên gọi “Homestay Mười Nở” ở ngay trong chính mảnh vườn trồng đủ các loại cây: bưởi, cam, chuối, dừa,... của gia đình. Trước đây, vườn cây trồng để làm kinh tế, cứ đến thời điểm thu hoạch, thương lái lại đến thu mua hoặc vợ ông đưa ra chợ để bán. Nhưng từ khi mở homestay, khách đến ở, tham quan thì ông Mười “lái” vườn cây sang phục vụ du khách. Khách có nhu cầu thưởng thức thì có thể mua ngay tại vườn mà không lo bị chặt chém hay bị lừa.

Không chỉ dừng lại ở việc mở homestay để làm kinh tế, với những nét xưa còn lưu giữ trong ngôi nhà dừa ba gian hơn 40 năm tuổi, ông Mười còn muốn giới thiệu đến du khách truyền thống của gia đình Bến Tre xưa, các món ăn truyền thống của người dân xứ dừa trong bữa cơm gia đình...

Bà Trần Thị Quỳnh Nga, Việt kiều Canada cho biết: Bà biết đến Homestay Mười Nở vào dịp đi tour cùng các bạn. Sau đó, khi quay lại Bến Tre bà đều ghé đây. “Tôi thích sự bình dị của chủ nhà, ông chủ thì nhiệt tình chỉ cách trồng và nhận biết cách lựa chọn các loại trái cây sao cho ngon”, bà Nga chia sẻ.

Ông Huỳnh Văn Mười - chủ Homestay Mười Nở chăm sóc vườn bưởi để phục vụ du khách.

Ông Huỳnh Văn Mười - chủ Homestay Mười Nở chăm sóc vườn bưởi để phục vụ du khách.

Không chỉ có ông Mười, nhiều nông dân ở Nhơn Thạnh cũng khai thác chính mảnh vườn của mình để làm du lịch. Hiện nay, ở xã Nhơn Thạnh có 4 homestay do người dân địa phương tự mở để phục vụ khách du lịch.

Nếu du khách đến Nhơn Thạnh được nghỉ ngơi trong những homestay mát rượi dưới tán dừa, hít thở mùi hương bưởi mỗi buổi sáng và tìm hiểu nghề dệt chiếu truyền thống, nghề làm kẹo dừa... thì khi đến với Tân Phú, huyện Châu Thành, du khách sẽ được tham quan và trải nghiệm một không gian du lịch mới của vùng đất trù phú với những vườn chôm chôm, vườn sầu riêng trĩu quả... và cách làm du lịch “bao ăn” của người nông dân nơi đây.

Theo thống kê sơ bộ của ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú, hiện nay xã có khoảng 12 điểm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp phục vụ khách du lịch. Đa phần các điểm du lịch đều bán vé “bao ăn” cho khách tham quan vườn cây ăn trái như chôm chôm, sầu riêng, dâu, vú sữa...

Du lịch vườn “Quê ta” do gia đình anh Lê Quốc Thắng, ấp Tân Quy, xã Tân Phú mở ra đã được gần 10 năm. Với mảnh vườn 3.000m2, anh Thắng trồng rất đa dạng các loại trái cây: dâu, ổi, mận, vú sữa, sầu riêng... để phục vụ nhu cầu của khách.

“Chúng tôi bán vé cho khách với bảng giá công khai, mỗi vé có giá từ 30.000 - 90.000 đồng/khách, tùy theo loại trái cây, tùy mùa vụ để khách tự vào vườn hái trái và thưởng thức tại vườn”, anh Thắng cho biết.

Chị Châu Thị Tiên, TP. Hồ Chí Minh hào hứng chia sẻ: “Cả tuần làm việc mệt nhọc, cuối tuần muốn thư giãn, nghỉ ngơi. Vì vậy, tôi chọn du lịch miệt vườn. Về Tân Phú đúng mùa chôm chôm, sầu riêng, các con tôi rất thích thú vì lần đầu tiên được nhìn thấy cây chôm chôm, cây sầu riêng và còn được tự tay hái ăn nữa”.

Gắn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Làm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp đã được nhiều nông dân ở tỉnh khai thác nhiều năm nay. Tuy nhiên, làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phục vụ du lịch mới chỉ có ông Nguyễn Duy Thuấn, xã Bình Phú, TP. Bến Tre đã và đang đi theo từ 4 năm nay.

Từ khi cầu Rạch Miễu đi vào hoạt động, nhận thấy tiềm năng du lịch Bến Tre phát triển, ông Thuấn bỏ nghề lái xe, về quê sửa chữa khu vườn 4ha của gia đình để làm du lịch.

Ông Thuấn mở khu du lịch Phú An Khang tiên phong làm nông nghiệp công nghệ cao phục vụ du lịch, bắt đầu từ trồng dưa lưới giống Nhật Bản trong nhà lưới khép kín. Để trồng được dưa lưới, ông Thuấn nhờ Trung tâm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc.

“Mỗi cây dưa lưới tôi trồng đều đăng lên mạng xã hội để khách lựa chọn…mua. Cuối tuần, khách có thể đến để chăm sóc cây và theo dõi quá trình cây lớn. Nếu khách ở xa, tôi chụp ảnh gửi họ xem. Sau 70 ngày, dưa được thu hoạch, chủ nhân có thể tự tay hái và đem về nhà”, ông Thuấn cho biết.

Không chỉ dừng lại ở 1.500m2 trồng dưa lưới, ông Thuấn còn mở rộng diện tích nhà lưới để trồng rau, cà chua bi... phục vụ khách tham quan muốn tìm hiểu về quy trình làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nếu khách muốn mua sản phẩm thì có thể tự chọn.

Khách phương xa thật sự thích thú khi có thể tham quan, chụp ảnh và được trực tiếp chăm sóc và tự tay hái trái, hái rau... sạch để đem về thưởng thức. Đây được xem là cách làm ăn khá mới mẻ vừa kết hợp giữa làm nông nghiệp truyền thống và hiện đại, giúp tiêu thụ nông sản với giá trị cao hơn so với giá bình thường và đem lại sự mới lạ cho du khách.

Ông Nguyễn Duy Thuấn chia sẻ: “Mô hình du lịch của tôi hướng đến tất cả các đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên. Chúng tôi muốn các em được tìm hiểu về một cách làm nông nghiệp mới - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Mỗi người nông dân tạo nên một ý tưởng và chính những ý tưởng, sáng tạo trong cách làm đã hình thành nên sự đa dạng trong mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Để mô hình công nghiệp “không khói” này phát triển bền vững và nhân rộng thì đòi hỏi các nhà quản lý phải vào cuộc, chung tay cùng nông dân.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: Tuệ Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN