Phóng sự: Nhịp sống trên tuyến đường hoa Guinness ở Chợ Lách

12/01/2025 - 16:10

BDK.VN - Năm nay, người dân huyện Chợ Lách có một mùa hoa đáng nhớ, khi lần đầu tiên huyện tổ chức Lễ hội Hoa - Kiểng năm 2025. Những ruộng hoa trùng điệp màu vàng, đỏ, xanh... nối nhau uốn lượn theo cung đường hoa, với du khách đó là cảnh đẹp mê ly, còn với người nông dân xứ hoa kiểng thì đó là nguồn sống của gia đình cho cả năm sau.

UBND huyện Chợ Lách đã đăng ký và thành công xác lập kỷ lục Guinness “Tuyến đường hoa kiểng do cộng đồng cùng tham gia xếp đặt, tạo tác dài nhất Việt Nam”. Tuyến đường dài 15km trải dài qua các huyện lộ: 34, 35 và 37 đi qua Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách, gồm các xã: Vĩnh Thành, Phú Sơn, Vĩnh Hòa và Long Thới. 

 Khoảng 50 du khách từ TP. Hồ Chí Minh đến Tuyến đường hoa Guinness tại xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách. Ảnh: Thạch Thảo

“Tuyến đường hoa kiểng do cộng đồng cùng tham gia xếp đặt, tạo tác dài nhất Việt Nam” do người dân huyện Chợ Lách ủng hộ bằng cách bày trí hoa ven 2 bên đường. Chị Phan Thị Kim Ngân, ngụ ấp Lân Đông, xã Phú Sơn cho biết: “Trưởng ấp đã đến nhà và vận động người dân đem hoa đang trồng của gia đình ra chưng 2 bên đường, nên tôi nói ở nhà đem các cổng hoa giấy có khung sắt ra phia mặt tiền nhà. Năm nay tôi làm nhiều cổng hoa giấy hơn vì khách khá chuộng. Du khách chủ yếu đi xe du lịch nên họ thường mua bông nhỏ như bông giấy nhỏ, vạn thọ...”.

Vườn hoa giấy nhà anh Nguyễn Hoàng Minh, xã Phú Sơn rực rỡ khoe sắc dưới nắng. Ảnh: Thạch Thảo

Đường ĐH 34 vào ngày cao điểm khai mạc lễ hội đã xảy ra kẹt xe, chuyện chưa từng thấy ở xã Phú Sơn. Ấy vậy mà vui, người dân hai bên tuyến đường hoa nói, họ chưa bao giờ thấy xe và người đến quê mình vào mùa hoa nhiều đến vậy. Xã Phú Sơn vốn nổi tiếng với nghề sản xuất hoa giấy. Từ hoa giấy có thể làm ra nhiều sản phẩm khác nhau như: Cổng bằng hoa giấy, chậu hoa giấy ngũ sắc, ghép hoa 5 màu đỏ, cam, vàng, hồng, trắng. 

Vườn hoa giấy nhà anh Nguyễn Hoàng Minh, xã Phú Sơn rực rỡ khoe sắc dưới nắng, mùa hoa đạt là nhờ thời tiết, để ghép một chậu hoa giấy thành phẩm cần đến 4 - 5 tháng chăm sóc, để mắc ghép dính, không bị thải, cây sẽ cho ra đủ 5 màu tròn đẹp.

Cúc mâm xôi ở xã Long Thới nhìn từ trên cao. Ảnh: Trung Hiếu.

Anh Nguyễn Văn Dẻo tài xế xe ba gác có 8 năm làm nghề chở hoa từ trong những vườn ở sâu ra đường lớn. Anh Dẻo cho biết: “Mỗi chậu tôi chở lấy công 1 ngàn đồng, cho bán kính khoảng 2 - 3km, xa hơn thì 1,5 ngàn đồng/chậu. Nghề chở hoa phải khéo, không để hoa hư dập, nếu không sẽ bị đền tiền chậu hoa đó”. 

Mùa này, xe ba gác dập dìu trên huyện lộ 34, 35 và 37 đi qua các xã Vĩnh Thành, Phú Sơn, Vĩnh Hòa và Long Thới. Quan sát các xe vận chuyển hoa từ xe ba gác lên xe tải, cần đến 3 người, trong đó, 1 người chuyển và 2 người xếp hoa vào xe. Sở dĩ cần nhiều lao động đến vậy vì để đảm bảo hoa đi 2.000km ra đến Hà Nội vẫn đẹp và nguyên vẹn.

 Vận chuyển hoa cúc từ những vườn ở sâu ra đường huyện. Ảnh: T. Thảo

Nắng lên cao, tôi nhìn đồng hồ thấy đã gần 12 giờ trưa, người nông dân ở Chợ Lách vẫn say mê với thành quả mùa hoa Tết. Bởi mùa hoa Tết là nguồn sống chính cho cả gia đình trong năm. 

Anh Võ Thanh Hải, chủ vườn hoa xã Long Thới, cùng các lao động đang gói hoa cúc mâm xôi giao đi Hà Nội, anh Hải nói: “Cúc mâm xôi đi Hà Nội phải trồng sớm, cho nở hoa sớm. Kinh nghiệm là thời tiết ở Hà Nội lạnh nên không thể giao hoa búp, vì sợ hoa sẽ bị nín không nở được. Chúng tôi dùng giấy dầu bao từng chậu để bảo vệ hoa, giấy dầu dai và ít rách hơn giấy báo. Mỗi chậu hoa có dây màu đỏ là chậu thương lái đã chọn, họ chọn chậu nào thì mình gói chậu đó giao”.

Gói hoa cúc mâm xôi bằng giấy dầu, để bảo vệ hoa trong quá trình vận chuyển đến Hà Nội bán dịp Tết Ất Tỵ. Ảnh: T.Thảo.

Vì sao chọn Tuyến đường hoa kỷ lục đi qua các xã nằm trong Đề án Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách, gồm xã Vĩnh Thành, Phú Sơn, Vĩnh Hòa và Long Thới. Chủ  tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho biết: “Lễ hội Hoa - Kiểng năm 2025 được tổ chức lần đầu tiên tại huyện Chợ Lách với quy mô, phạm vi, chuỗi sự kiện là tương đối lớn đối với huyện Chợ Lách từ trước đến nay. Lễ hội diễn ra trong thời điểm người dân trồng hoa kiểng ở huyện đang phấn khởi chờ đón mùa vụ thắng lợi. Trên địa bàn huyện, hiện 4 xã thuộc Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách là có số lượng hoa kiểng tập trung nhiều nhất huyện, do đó, chúng tôi chọn 4 xã Vĩnh Thành, Phú Sơn, Vĩnh Hòa và Long Thới này làm khu vực chính diễn ra lễ hội”.

Tại cầu Vàm Mơn, dưới bến sông, một ghe chở hoa đang neo đậu. Ảnh. Thạch Thảo.

Mùa hoa Chợ Lách đang ở thời điểm sôi động nhất trong năm. Khi các loại hoa đi phía Bắc được thương lái tới “rước đi” trong những ngày đẹp của tháng Chạp, để hoa có thể đến được điểm bán vào ngày Rằm Tháng Chạp. Hầu hết các vườn hoa đã có thương lái đến mua từ 2 tháng trước. 

Mùa hoa là nguồn sống chính của nhiều gia đình ở huyện Chợ Lách. Nhờ nghề hoa kiểng, người dân cất nhà, nuôi con ăn học, ổn định cuộc sống. Ảnh: T. Thảo

Nhiều du khách tới xin chủ vườn chia cho 1 cặp hoa nhưng hoa đã có chủ, ngã giá bao nhiêu cũng không bán lại được. Tại cầu Vàm Mơn, dưới bến sông, một ghe chở hoa đang neo đậu. Mùa hoa Tết của Chợ Lách tỏa đi bốn phương, mang theo thương hiệu Hoa kiểng Chợ Lách hòa vào dòng đời, mang Tết về với những gia đình người Việt trên khắp nẻo quê hương.  

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN