BDK.VN - Ngày 11-1-2025, qua 3 ngày diễn ra, “Không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật huyện Chợ Lách” trong khuôn khổ hoạt động Lễ hội Hoa - Kiểng Chợ Lách năm 2025 thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia, thưởng thức.
Không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật huyện Chợ Lách được tổ chức ở một khu vực riêng tại Khu 26, xã Phú Sơn. Tại đây, Ban Tổ chức cho hay, cuộc thi tranh cúp “Hoàng kê Chợ Lách” thu hút rất nhiều “đại sư kê” đến và đăng ký thi đấu.
Số lượng đăng ký hiện tổng cộng là 40 đội, đến từ nhiều tỉnh, thành như: Biên Hòa, Định Quán (Đồng Nai), tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh... Mỗi đội có 3 gà chọi, tổng số lượng là 120 con gà tham gia thi đấu, trọng lượng mỗi con từ 3 đến 3,5kg.
Trưởng ban Tổ chức Không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật huyện Chợ Lách Lê Tự Gương, ngụ xã Long Thới cho biết: “Mục đích của hoạt động này là nhằm phục vụ vui chơi, giải trí, không phải đấu ăn thua mà là hên xui may rủi. Nét đẹp văn hóa gà chọi vốn là một truyền thống của người xưa tồn tại đến ngày nay. Vì thế hoạt động chọi gà không bị cấm, chỉ cấm đá gà ăn tiền mà thôi”.
Trên sàn đấu, những chiến kê được bịt cựa gà bằng cao su, để không gây sát thương cho đối thủ.
Quy tụ nhiều gian hàng giới thiệu các sản phẩm dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của chiến kê.
Được biết, “Không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật huyện Chợ Lách” quy tụ 30 gian hàng, thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa, cho thấy nghề nuôi gà chọi nghệ thuật tại huyện Chợ Lách được người dân gần xa quan tâm. Các gian hàng gồm: Gian hàng giới thiệu các loại thức ăn, dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của chiến kê, thảm xơ dừa lót chuồng cho gà chọi...
Chia sẻ về giống gà nòi trứ danh của Bến Tre, Trưởng Ban tổ chức Không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật huyện Chợ Lách Lê Tự Gương - người được mệnh danh là “kê sư” trứ danh miền Tây nói: “Đặc trưng của gà nòi Bến Tre là chúng rất anh hùng, không sợ đối thủ, đấu không chạy. Trên đấu trường, chúng mãnh liệt và triệt hạ đối thủ nhanh. Đó là nhờ giống gà nòi Bến Tre có tính khôn, bản năng này do kiểu gen quy định, kết hợp với được nuôi tốt mà có”.
Đây là lần đầu tiên huyện Chợ Lách tổ chức riêng một không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật, dù chưa được nhiều người biết đến, song Ông Lê Tự Gương cho rằng: “Ước mong của tôi là qua Lễ hội Hoa - Kiểng Chợ Lách năm 2025 gợi lên một chút về vấn đề giữ gìn gen di truyền giống của gà nòi Bến Tre. Bởi theo cá nhân nhận định, nếu không bảo tồn giống vật nuôi quý này, trong vòng 3 đến 5 năm nữa, giống gà nòi Bến Tre sẽ bị phân ly (phá vỡ giống gen quý). Việc giữ gìn gen gà nòi tôi đã nỗ lực trong 30 năm qua, tốn rất nhiều kinh phí, nhưng để bảo tồn yếu tố gen gà nòi truyền thống cần các nhà khoa học, ngành chuyên môn hướng dẫn để giữ được di truyền giống”.
Không chỉ có chọi gà nghệ thuật, “Không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật huyện Chợ Lách” còn tổ chức đấu giá 2 sản phẩm, nhằm gây quỹ hỗ trợ hộ nông dân khó khăn, cần vốn thực hiện mô hình nuôi gà chọi.
Ông Lê Tự Gương thông tin: “Tôi đóng góp và mang đến lễ hội 3 con gà mái thuần giống gà Khét sữa (tên 1 loại gà), 3 con gà này tôi cho giá khởi điểm 10 triệu đồng để đấu cho vui. Còn trong thực tế, mỗi con gà mái thuần Khét sữa có giá 50 triệu đồng. Sản phẩm thứ 2 là mô hình linh vật "Hoàng kê Chợ Lách" bằng sắt, mô phỏng chú gà như 1 chiến binh hùng dũng cao lớn, sản phẩm này được chế tác với giá 45 triệu đồng, nhưng tôi đưa ra giá khởi điểm ban đầu 15 triệu đồng”.
Đấu giá 2 sản phẩm gây quỹ được diễn ra trực tiếp tại “Không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật huyện Chợ Lách” trong ngày 11-1-2025.