BDK.VN - Ngày 11-1-2025, nhằm ngày 12 tháng 12 năm Giáp Thìn, Ban Quản lý đình An Hội (thuộc phường An Hội, TP. Bến Tre) tổ chức lễ lạp miếu. Đây là lệ hàng năm được duy trì hàng trăm năm qua tại đình An Hội, ngôi đình có tuổi đời khoảng 200 năm giữa lòng thành phố. Tại trung tâm TP. Bến Tre, việc đình An Hội giữ gìn được các nghi thức xưa cũ và được người dân quan tâm, thể hiện sức sống của một đô thị lâu đời của tỉnh Bến Tre.
Lễ nghinh sắc qua các một số tuyến đường tại TP. Bến Tre vào sáng sớm ngày lễ lạp miếu đình An Hội.
Tại lễ lạp miếu năm nay, có một nghi thức đặc biệt là có lễ khán sắc và tuyên sắc. Sắc thần là văn bản truyền mệnh lệnh của vua - người đứng đầu triều đại quân chủ - phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền theo tín ngưỡng của làng xã người Việt. Trưởng ban Quản lý đình An Hội Bùi Hữu Phúc cho biết: “Khán sắc là việc mở sắc ra để người dân chiêm ngưỡng, nhắc nhở đình chúng ta đã được Vua phong thần, có chứng cứ, tài liệu rõ ràng. Còn tuyên sắc là đọc sắc chỉ của nhà vua trong sắc thần đó, dặn quan ở đây cai trị dân như thế nào”.
Lễ lạp miếu là lễ lớn nhất trong năm của Đình An Hội. Vào 6 giờ ngày 11-1-2025, trong tiếng trống kèn nhạc lễ buổi khán sắc, nhiều người dân có dịp được tận mắt xem sắc thần.
Trưởng ban Khánh tiết đình An Hội Trần Văn Khánh, 71 tuổi cho biết: “Gia đình tôi có 4 đời làm việc cho đình An Hội, từ thời ông cố, ông nội, cha và nay đến tôi. Từ bấy đến nay, đình có 3 lần khán sắc. Lần thứ 1, vào năm 1996, lúc này đình An Hội được chính quyền địa phương bàn giao trở lại. Lần thứ 2 là năm 2015, khi đình được công nhận là di tích di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Ban Khánh tiết và người biết đọc chữ Nôm quỳ thực hiện lễ tuyên sắc - đọc nội dung sắc thần của vua ban.
Nay là lần thứ 3, do các thành viên trong Ban Khánh tiết thống nhất vì đình vừa được đại trùng tu. Sắc thần của đình An Hội có được là nhờ các vị tiền bối khi lập làng, xã đã thân chinh ra đến triều đình Huế, yết kiến vua để xin sắc về cho địa phương thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, phù hộ cho vạn gia bá tánh được an cư lạc nghiệp. Hiện 3 sắc thần đang thờ tại đình do vua Thiệu Trị và sau là vua Tự Đức ban sắc”.
Những lá sắc được gìn giữ hàng trăm năm là bản gốc được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Bến Tre. Việc lần giở các lá sắc diễn ra hết sức nâng niu, tỷ mỉ.
Người dân địa phương đã được nhìn thấy các sắc thần nguyên bản được lưu giữ hàng trăm năm tại đình An Hội. Bạn Nguyễn Duy Linh, 25 tuổi, đến từ tỉnh Vĩnh Long - người đọc được chữ Nôm trong các sắc thần, Linh bày tỏ: “Các sắc thần tại đình An Hội được viết bằng chữ Nôm, biến thể từ chữ Hán do thêm nhiều âm điệu riêng của người Việt. Đình An Hội đặc biệt ở điểm, 1 ngôi đình thờ tới 3 ngôi đình gồm đình An Đức (tức đình An Hội ngày nay, cùng đình Mỹ Hóa, đình Phú Khương. Các chú ở đình đã bảo quản rất tốt các sắc phong này. Điểm ấn tượng nữa là lần khán sắc này, Ban Khánh tiết đã cho rộng rãi người dân đến xem sắc, vì thông thường việc khán sắc là không phổ biến rộng. Sắc thần tại đình An Hội là sắc gốc, có một không hai, được đem từ triều đình Huế về. Sau mỗi lá sắc tại đình An Hội đều có dòng chữ nhỏ ghi tên người hộ ti - người được vận chuyển vật phẩm từ triều đình”.