Vườn dừa của ông Mão đang phát triển tốt nhờ ủ phân hữu cơ.
Làm giàu từ mô hình chăn nuôi nói chung và mô hình nuôi gà lấy trứng nói riêng là hướng đi không mới đối với nhiều hộ nông dân, song điều đáng ghi nhận là mô hình trên được thầy giáo nghỉ hưu Nguyễn Văn Mão (sinh năm 1952, ở ấp Vinh Trung, xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại) thực hiện theo quy trình sử dụng chế phẩm sinh học EM và máy thổi khí ASP để ủ phân hữu cơ kết hợp trồng dừa.
Trước đây, ông Mão sống chủ yếu dựa vào lương hưu và tiền bán dừa hàng tháng. Thời điểm dừa liên tục bị rớt giá, đời sống gia đình ông ở mức tạm ổn. Năm 2016, ông Mão trăn trở trước chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp”. Đến năm 2017, từ nguồn vốn gần 300 triệu đồng đền bù giải tỏa đất triển khai thực hiện tuyến đê sông Tiền, ông Mão mạnh dạn đầu tư nuôi gà lấy trứng theo hướng công nghiệp kết hợp ủ phân hữu cơ để cải tạo và khôi phục lại vườn dừa trên 10 năm tuổi của gia đình theo quy trình khép kín.
Ban đầu, ông Mão đầu tư xây dựng dãy chuồng khép kín và mua 3.000 con gà giống về nuôi thử nghiệm. Sau 18 tuần chăm sóc, đàn gà cho trứng với tỷ lệ cao, ông Mão bán với giá bình quân 1.700 đồng/trứng. Năm 2018, ông Mão tiếp tục đầu tư vốn xây thêm 2 dãy chuồng và nuôi thêm 3.000 con gà giống, nâng tổng đàn gà lên 6.000 con, với tổng diện tích chuồng nuôi 2.000m2, được chia thành 3 dãy, gồm: 2 dãy nuôi gà trên lồng chuyên biệt dành cho gà đẻ trứng, 1 dãy nuôi gà hậu bị, trong đó dãy nuôi gà hậu bị được ông sử dụng đệm lót sinh học để giữ chuồng khô ráo, sạch sẽ và không có mùi hôi. Đến nay, mỗi ngày ông thu được 4.800 trứng, hiện ông bán với giá 1.500 đồng/trứng. Như vậy, mỗi tháng sau khi trừ các khoản chi phí, ông còn lãi trên 200 triệu đồng.
Ông Mão cho biết: Để phát triển tốt mô hình, ông đã thực hiện chuẩn quy trình chuồng nuôi đảm bảo đủ tiêu chí ấm trong mùa mưa và thoáng mát trong mùa nắng. Ngoài ra, ông còn thực hiện vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gà. Quy trình chăm sóc đàn gà cũng được đầu tư, cung cấp nước uống bằng hệ thống tự động và đảm bảo vệ sinh, nguồn nước lấy trực tiếp từ nhà máy sau đó đưa qua hệ thống lắng lọc; thức ăn nhập trực tiếp tại nhà máy chế biến đạt chất lượng ISO-9001 theo tiêu chuẩn GlobalGAP; giống gà nhập từ công ty có kiểm định sức khỏe và tiêm vắc-xin. Ông còn đầu tư hệ thống phun sương tự động, quạt làm mát và đèn chiếu sáng đảm bảo xuyên suốt đủ 16,5 tiếng để gà phát triển và cho trứng sai.
Từ hiệu quả của mô hình, ông Mão được Hội Nông dân xã và huyện giới thiệu đến Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho ông 1 đệm lót sinh học sử dụng chế phẩm EM và 1 máy ủ phân hữu cơ sinh học theo công nghệ ASP. Từ đó, ông đầu tư vốn xây dựng 6 hầm ủ phân, mỗi hầm có dung tích chứa 5m3, mỗi tháng ra phân ủ 1 lần dùng để bón cho vườn dừa bị lão hóa, số phân còn lại ông bán cho bà con xung quanh. Đến nay, vườn dừa 10.000m2 của gia đình ông phát triển tốt, hiện thu hoạch mỗi tháng từ 800 - 1.000 trái. Ngoài ra, ông còn xây hầm biogas để đun nấu hàng ngày gắn với xây dựng 3 hầm lắng chứa nước thải từ hầm biogas, đặt máy hút lấy nước tưới đảm bảo môi trường và tốt cho vườn dừa.
Hiện ông Mão dự kiến tiếp tục hoàn thiện quy trình nuôi gà khép kín như: phân loại rác thải tại nguồn, lấy rác thải hữu cơ đem ủ phân, rác vô cơ tập trung chôn, đốt, bán phế liệu để đảm bảo môi trường, đồng thời tiếp tục đầu tư nuôi ruồi lính xanh lấy ấu trùng nuôi cá”.
Bài, ảnh: Thanh Hương