Nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội

08/03/2023 - 05:35

BDK - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, tồn tại bất cập để kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho phù hợp. GS, PBXH đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH các cấp trong việc phối hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Công tác phản biện xã hội quy tụ nhiều thành phần tham gia.

Công tác phản biện xã hội quy tụ nhiều thành phần tham gia.

“Cầm tay chỉ việc”

Thời gian qua, công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH ngày càng được nâng lên về chất lượng. Các kiến nghị sau GS cơ bản được khắc phục tốt; công tác PBXH ngày càng nhận được sự quan tâm của chính quyền, các ngành chức năng trong quá trình thực hiện. MTTQ Việt Nam có vai trò nhất định trong hoạt động GS, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác GS, PBXH theo Quyết định (QĐ) số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên hướng dẫn, định hướng MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã thực hiện phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật. Năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã” tại 9 huyện, thành phố. Thông qua tọa đàm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục hướng dẫn các căn cứ pháp lý hiện hành, quy trình GS, PBXH theo QĐ số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị và định hướng một số nội dung GS, PBXH cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH cấp huyện, cấp xã.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành Nguyễn Vĩnh Phúc cho rằng: Vai trò GS, PBXH của MTTQ, các tổ chức CT-XH góp phần rất lớn vào công tác phát hiện, ngăn chặn kịp thời, góp phần kéo giảm sai phạm của cán bộ, đảng viên. Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn cố gắng thực hiện tốt vai trò này theo tinh thần của QĐ số 217/QĐ-TW, QĐ số 218/QĐ-TW của Bộ Chính trị. “Trong năm 2022, Châu Thành tập trung mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ MT các xã, huyện. Chọn xã tổ chức thí điểm công tác PBXH với nội dung tình hình thực hiện nghị quyết 6 tháng cuối năm 2022. Đây xem như bài học vỡ lòng và sau đó huyện tổ chức thực hiện tại 9 xã. Với thành quả này, sang năm 2023, huyện tiếp tục phát huy”, ông Nguyễn Vĩnh Phúc cho biết thêm.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng cho biết: Năm 2022, kết quả thực hiện công tác GS, PBXH trong hệ thống MTTQ và các tổ chức CT-XH đạt hiệu quả tốt, được các cấp ủy đảng đánh giá cao. Để thực hiện được điều này, ngay từ đầu năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xác định được nội dung và tổ chức tọa đàm nâng cao chất lượng công tác GS, PBXH theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Thành phần mời tọa đàm có MTTQ, các tổ chức CT-XH cấp huyện, chủ tịch, phó chủ tịch cấp xã. Chủ trì có Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện, mời đại diện hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật cùng tham gia, chủ trì là những người có kinh nghiệm trong công tác GS, PBXH.

Trong tọa đàm, MTTQ huyện sẽ xây dựng báo cáo đề dẫn về thực trạng, giải pháp công tác GS, PBXH. Chủ trì tọa đàm sẽ gợi ý để cấp xã và các tổ chức CT-XH phát biểu những khó khăn, vướng mắc thời gian qua, trên cơ sở đó bàn giải pháp tháo gỡ. Sau tổ chức tọa đàm đến 9/9 huyện, thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có báo cáo, đề xuất đối với cấp ủy, chính quyền tại các địa phương, xây dựng sổ tay về GS, PBXH, trong đó có tất các văn bản từ Trung ương đến tỉnh có liên quan đến công tác GS, PBXH được đóng thành tập gửi đến 100% xã, phường, thị trấn và các tổ chức thành viên của MTTQ. Với những giải pháp đã làm, cuối năm 2022, chất lượng công tác GS, PBXH tăng lên cả về số cuộc và chất lượng so với năm 2021. Nếu năm 2021, PBXH chỉ có 4 đơn vị cấp xã tổ chức, thì đến cuối năm 2022 có 101 xã tổ chức phản biện.

Giải pháp thời gian tới

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng: Do mới thực hiện phản biện lần đầu tiên, chất lượng chưa đánh giá nhiều nhưng ở cấp xã tổ chức được PBXH thì địa phương sẽ rút kinh nghiệm và năm 2023 sẽ tổ chức tốt hơn. Trong phản biện ở cấp xã, hạn chế nhiều nhất là việc phát biểu của các thành viên tham gia phản biện chưa cao. Đây chỉ là bước đầu để MT cấp xã thực hiện công tác phản biện tốt hơn trong thời gian tới. Đối với cấp huyện, tỉnh, công tác GS, PBXH được thực hiện có nền nếp. Công tác GS cả 3 cấp đều thực hiện tốt, cấp xã đã đưa ra được nội dung GS phù hợp với vấn đề người dân quan tâm.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng cũng cho rằng: Công tác GS, PBXH trong hệ thống MT vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong đó có nội dung GS chưa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các ngành. Nội dung GS có những tổ chức CT-XH nắm chưa sát, dẫn đến việc đặt vấn đề với các đơn vị chưa mạnh dạn; việc theo dõi kết quả sau GS có nơi chưa sát. Nội dung và chất lượng phản biện, nhất là tại cơ sở còn nhiều nội dung cần quan tâm nâng cao.

Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành Nguyễn Vĩnh Phúc: Khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác GS, PBXH là có nơi cấp ủy chưa chuyển bộ, chưa nhận thức đúng về vai trò của GS, PBXH. Lãnh đạo cấp ủy cơ sở chưa quan tâm tạo điều kiện cho công tác GS, PBXH. Vai trò chủ động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH trong tham mưu đề xuất với cấp ủy, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ GS cán bộ, đảng viên còn hạn chế, hoạt động GS thiếu tính thường xuyên.

Bàn về giải pháp cho thời gian tới, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng cho rằng: Tăng cường công tác PBXH theo chuyên đề để phát huy sức mạnh tổng hợp của MTTQ Việt Nam các cấp. Theo đó, hàng năm, Ủy ban MTTQ các cấp sẽ xác định các chuyên đề, các lĩnh vực cụ thể, đăng ký với cấp ủy, phối hợp với chính quyền thực hiện công tác GS, PBXH.

Chủ động tạo sự gắn kết giữa công tác nắm tình hình nhân dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri với việc triển khai công tác GS, PBXH về những vấn đề mà người dân quan tâm. Trên cơ sở quy định của pháp luật và kế hoạch PBXH của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ Việt Nam các địa phương chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản, các dự thảo nghị quyết ngay từ ban đầu.

Phát huy tốt vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học trong hoạt động thực tiễn để làm công tác PBXH. Quy tụ nhiều thành phần tham gia PBXH để bảo đảm tính đa dạng, tính đại diện, tính chuyên sâu, đúng sát thực tiễn. Qua quá trình phản biện sẽ nắm dư luận xã hội, nắm việc tiếp thu, khắc phục triển khai của các cơ quan xây dựng các dự thảo nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật.

Năm 2022, cấp xã GS 285/251 cuộc (tăng 34 cuộc so với năm 2021); cấp huyện PBXH 12/5 cuộc (tăng 7 cuộc so với năm 2021); cấp xã phản biện 101/12 cuộc (tăng 89 cuộc so với năm 2021), chất lượng các báo cáo phản biện ngày càng được nâng lên và có chiều sâu, được các cơ quan chức năng ghi nhận và đánh giá cao.

Bài, ảnh: Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN