Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo ra công ăn, việc làm bằng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại địa phương là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện thu nhập cho bà con nông dân.
Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, cộng với việc một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã hình thành trước đây, đã giải quyết khá tốt lực lượng lao động lúc nông nhàn. Những làng nghề này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho bà con nông dân, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam.
Ở một xã thuần nông, đời sống của đa số nông dân xã An Định phụ thuộc rất nhiều vào cây dừa và đàn gia súc, gia cầm. Do giá dừa giảm mạnh từ đầu năm đến nay, giá heo hơi, gia cầm lên xuống thất thường, lại chịu nhiều tác động của giá cả thị trường sau các đợt tăng giá xăng dầu, nên nguồn thu nhập của bà con rất bấp bênh, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Từ thực trạng này, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn tại xã An Định được tập trung theo hai hướng chính. Bên cạnh các lớp dạy nghề nông để giúp bà con gia tăng năng suất, chất lượng nông sản, thì lớp đào tạo lao động cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng được chú trọng đặc biệt. Từ đây, nghề sản xuất các sản phẩm từ cọng lá dừa, yếm dừa và cây lục bình có thêm điều kiện để phát triển mạnh. Với những hiệu quả thiết thực mang lại, từ vài chục hộ tham gia các lớp học, đến nay, nghề đan giỏ cọng dừa, đan thảm lục bình, đan ghế nhựa đã phát triển rộng trên phạm vi toàn xã. Những sản phẩm phụ của cây dừa và loài cây mọc hoang nơi ao, hồ, hầu như không có giá trị, nay đã trở thành nguồn thu nhập khá quan trọng cho rất nhiều hộ dân.
Tuy không phải là xã điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhưng Thành Thới B là một trong những địa phương của huyện Mỏ Cày Nam thực hiện tốt chương trình này. Ngoài kinh tế vườn thì cây lác cũng mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho bà con nông dân. Với nguồn nguyên liệu tại chỗ, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thành Thới B được tập trung vào các ngành nghề chế biến các sản phẩm từ cây lác, trong đó phát triển mạnh nhất là nghề dệt chiếu lác. Nghề này không chỉ góp phần nâng cao giá trị cây lác, mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho những hộ ít đất hoặc không có đất canh tác.
Bên cạnh hiệu quả cải thiện nguồn thu nhập cho bà con nông dân, việc phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp tại địa phương còn mang lại nhiều ý nghĩa khác. Trong đó, nổi bật nhất là đã tạo một bầu không khí thi đua làm việc, tăng gia sản xuất, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, làm thay đổi diện mạo ở nhiều vùng nông thôn, mà tiêu biểu hơn hết là tại xã An Thạnh. Từ ngày làng nghề tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Khánh phát triển mạnh việc sản xuất các sản phẩm từ cây dừa như: than gáo dừa, chỉ xơ dừa, cơm dừa, dệt lưới chỉ xơ dừa, bà con nông dân dường như không lúc nào được rảnh rỗi. Nhiều công ty, cơ sở sản xuất hình thành, không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương mà còn cho các ấp, xã bạn.
Để phát triển bền vững, các làng nghề rất cần những chương trình hỗ trợ. Đó là những chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, nguồn vốn, các lớp chuyển giao khoa học - công nghệ...