Nga-Trung thúc Triều Tiên trở lại đàm phán

18/06/2009 - 15:30

Ngày 17/6, sau cuộc hội đàm tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ra tuyên bố chung bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân.

Trong tuyên bố, Nga và Trung Quốc khẳng định ủng hộ Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm góp phần đạt được giải pháp chính trị-ngoại giao cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và nối lại cuộc đàm phán sáu bên trong thời gian sớm nhất.

Giới phân tích đánh giá việc lãnh đạo Nga và Trung Quốc ra tuyên bố chung thúc ép Triều Tiên dường như là một dấu hiệu cho thấy cả Mátxcơva và Bắc Kinh đều lo ngại những hành động không thể dự đoán trước của Bình Nhưỡng.

Vài giờ trước đó, Triều Tiên đã cảnh báo sẽ có hành động đáp trả quân sự mạnh "gấp hàng nghìn lần" nếu Mỹ và các đồng minh khiêu khích.

Báo "Rodong Sinmun" của Triều Tiên ngày 17/6 đăng bình luận nêu rõ các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng chỉ là để tự vệ, không nhằm đe dọa bất cứ ai. Theo bài báo, Mỹ đang đẩy tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đến miệng hố chiến tranh bằng việc triển khai các lực lượng vũ trang quy mô lớn đến Hàn Quốc và các khu vực xung quanh, đồng thời lấy cớ Triều Tiên thử hạt nhân để tiến hành xâm lược. Bài báo nhấn mạnh Triều Tiên sẽ "kiên quyết chống lại sự đối đầu của kẻ thù bằng biện pháp đối đầu tổng lực".

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Myung-bak đã khẳng định lại cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tại cuộc đàm phán ngày 16/6 giữa ông Obama và ông Lee Myung-bak đang ở thăm Mỹ, hai bên khẳng định các cường quốc sẽ không còn sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ lớn đối với Triều Tiên sau khi nước này có những động thái cứng rắn mang tính "gây chiến". Ông Obama tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẽ theo đuổi mạnh mẽ việc thực hiện các biện pháp trừng phạt quốc tế mới đối với Triều Tiên.

Theo tin từ Washington, chính quyền của ông Obama đã thông qua một lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên, theo đó chuyển từ hướng ưu tiên giải pháp ngoại giao sang dùng biện pháp mạnh để thực thi những biện pháp trừng phạt mới của Liên hợp quốc trong lĩnh vực tài chính và vận chuyển vũ khí. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nghị quyết của Liên hợp quốc không cho phép lực lượng quân sự tấn công tàu Triều Tiên, nhưng cho phép Hải quân Mỹ được khám xét tàu thuyền Triều Tiên và những tàu mang cờ hiệu các nước khác nếu bị nghi vận chuyển hàng cấm cho Triều Tiên mà Mỹ cho là nguồn doanh thu chính của Triều Tiên trong một thời gian dài.

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Lee Myung-bak ngày 17/6 tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân.

Phát biểu khi nhận bằng danh dự tại Đại học George Washington, ông Li Miêng Pắc nhấn mạnh: "Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng không cho phép Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Triều Tiên cần phải từ bỏ hoàn toàn tham vọng hạt nhân của mình và trở thành một thành viên của cộng đồng quốc tế". Tuy nhiên, ông Lee Myung-bak nhấn mạnh ông mong muốn hòa bình và hi vọng có "một cuộc đối thoại có ý nghĩa" với miền Bắc./.

Nguồn TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN