Nghị lực vươn lên từ gian khó

22/10/2018 - 07:02

Người phụ nữ (PN) tuy “chân yếu tay mềm” nhưng với bản tính chịu thương chịu khó, có thể cuộc sống vất vả, khó khăn nhưng nghị lực và ý chí của các chị vẫn luôn mạnh mẽ. Về các ấp nông thôn huyện Chợ Lách, nơi mà đời sống kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn, tôi tìm gặp được nhiều tấm gương PN vượt khó thoát nghèo. Vì các con, vì gia đình, các chị nỗ lực lao động, cải thiện cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

Chị Lê Thị Phượng Loan chăm sóc cây xoài giống.

Chị Lê Thị Phượng Loan chăm sóc cây xoài giống.

Phát triển sinh kế

Trên địa bàn xã Vĩnh Hòa, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề làm kiểng. Các hộ nghèo do PN làm chủ hộ thường rơi vào tình trạng thiếu vốn sản xuất, đất ít, không có điều kiện canh tác. Hội PN hỗ trợ vốn và dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật, giúp các chị có điều kiện phát triển kinh tế. Chị Nguyễn Thị Mỹ (sinh năm 1967) ở ấp Phú Quới đến với nghề trồng kiểng tắc chỉ khoảng 4 - 5 năm trở lại đây. Trồng, chăm sóc kiểng tắc tuy vất vả nhưng nhờ nghề này, đời sống kinh tế gia đình chị Mỹ đã khá hơn trước đây rất nhiều. Ngày trước chị Mỹ cùng con trai lớn đặt lọp trên sông, đời sống kinh tế bấp bênh.

Được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ PN phát triển kinh tế, chị Mỹ mua cây giống, phân bón, bầu, chậu, trang thiết bị, từ ít dần dần làm thêm nhiều, 2 năm nay làm được nhiều hơn. Lấy công làm lời, chị chăm chỉ lao động, đồng vốn vay và công lao động đã sinh lời giúp chị trang trải cuộc sống và phát triển nghề. Vụ kiểng tắc tập trung vào một mùa Tết nên chị “gối đầu” mua phân, nguyên vật liệu, thuê nhân công, sau vụ mới thanh toán. Ngoài ra, gia đình còn nuôi thêm vịt xiêm để có “đồng ra đồng vô”, tăng thu nhập.

Chị Lê Thị Phượng Loan (sinh năm 1964) ở ấp Lân Bắc, xã Phú Sơn cũng là một hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên nhờ nghị lực. Nhà ban đầu có vườn dừa nhưng sản xuất không hiệu quả, chị Phượng Loan và chồng bươn chải nhiều nghề để mưu sinh nhưng cuộc sống vẫn vất vả, bấp bênh. Chị được hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ PN phát triển kinh tế của Hội PN và mạnh dạn chuyển đổi gần 2 công vườn dừa kém hiệu quả sang làm cây giống mít và xoài. Có đồng vốn hỗ trợ, chị mạnh dạn mua nguyên liệu và bắt đầu làm cây giống. Mỗi lần bán cây giống, chị tích góp lại để tiếp tục xoay vòng đầu tư và trả một phần tiền vốn vay.

Nỗ lực vươn lên

Được sự chung tay hỗ trợ của tổ chức hội cũng như chính quyền địa phương về nhiều mặt nhưng để thay đổi được hoàn cảnh, cải thiện cuộc sống, phần lớn là do chính từ sự nỗ lực của bản thân các chị. Chị Võ Thị Huệ - Chủ tịch Hội Liên hiệp PN huyện Chợ Lách nhận xét: “Các chị PN được hỗ trợ sinh kế thoát nghèo đều có sự tích cực, mạnh dạn, tự tin trong phát triển kinh tế, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ ngành chức năng hay chính quyền địa phương”.

Nhận xét về chị Nguyễn Thị Mỹ, chị Huỳnh Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp PN xã Vĩnh Hòa cho biết: “Chị Mỹ có sự nỗ lực rất lớn để vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Nhà nghèo, phải gồng gánh nuôi 2 con, gánh vác gia đình vất vả mà rất chịu khó, chịu làm để vượt qua khó khăn. Là gương điển hình về PN phát triển kinh tế gia đình của xã”.

Nghĩ về những thời điểm khó khăn nhất mà mình và các con đã vượt qua, chị Mỹ nói: “Gia đình khó khăn quá nên mình chỉ có suy nghĩ duy nhất là phải ráng mà làm, động viên các con cố gắng vượt qua”. Niềm an ủi của chị Mỹ là người con trai lớn luôn biết nghĩ đến mẹ và em. Hoàn cảnh khó khăn, con trai lớn của chị phải dở dang việc học khi mới lớp 6, lớp 7, đang làm thợ hồ ở TP. Hồ Chí Minh. Ở tuổi 21, em đã đứng ra gánh vác gia đình với mẹ, tạo điều kiện cho em gái tiếp tục học hành. Hiện con gái nhỏ của chị Mỹ đang học lớp 9 tại Trường THCS Vĩnh Hòa, cô bé luôn chăm ngoan, phấn đấu học tập để không phụ lòng mẹ và anh trai. Vòng tay quan tâm của Hội PN tiếp tục nối dài với nhiều hoạt động chăm lo, vận động học bổng cho con của hội viên có hoàn cảnh khó khăn cố gắng học tập.

Chị Phượng Loan cũng quyết tâm như vậy. 23 năm trầy trật với nhiều nghề mưu sinh kiếm sống để lo cho các con ăn học, hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, chồng lại nhiều phen bị tai nạn lao động, tưởng chừng khiến người phụ nữ nhỏ bé gục ngã. Nhưng nhìn các con ham học, chị lại tìm mọi cách cố gắng vươn lên. “Các con chính là động lực để mình cố gắng. Nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước, của Hội PN, mà tôi có điều kiện để thoát nghèo”, chị Phượng Loan nói. Ngôi nhà tình thương được xây dựng 5 năm trước có thể nói là bước đệm để gia đình chị Phượng Loan ổn định cuộc sống. Với nhiều nỗ lực, gia đình chị Phượng Loan đã thoát nghèo, con trai lớn có nghề tháp cây giống lành nghề, con gái và con trai nhỏ an tâm học hành.

Phong trào hỗ trợ PN phát triển kinh tế là một trong các phong trào chính được Hội PN huyện quan tâm. Nhiều hình thức, mô hình giúp cho chị em PN hội viên phát triển sinh kế như: truyền nghề, hỗ trợ vốn, dạy nghề, xuất khẩu lao động… Các mô hình duy trì trên địa bàn huyện có thể kể đến: sản xuất hoa kiểng, làm nghề quay chậu, kết cườm, đan bội kẽm, đan thảm tre, chỉ xơ dừa… đã góp phần giải quyết việc làm cho các chị em, tạo thu nhập thêm cho phụ nữ từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng.

(Chị Võ Thị Huệ - Chủ tịch Hội Liên hiệp PN huyện Chợ Lách)

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN