Xin ông vui lòng cho biết những nhận xét của ông về công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian qua?
- Nhìn chung, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân đều có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức về công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua yêu nước trong tỉnh đã đem lại nhiều kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Các đối tượng được khen thưởng đều được xem xét chặt chẽ, đảm bảo các qui định và tiêu chuẩn theo Luật Thi đua - Khen thưởng, Nghị định, Thông tư và các hướng dẫn của Trung ương; tổ chức, cá nhân được khen thưởng đều là những tấm gương thật sự tiêu biểu, xứng đáng. Song song với việc khen thưởng về những đóng góp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, công tác khen thưởng người có công với cách mạng cũng đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực thực hiện.
Công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian qua tuy được nâng lên nhưng cũng có không ít sở, ngành, địa phương vận dụng và đề nghị mức khen thưởng chưa sát đúng với các quy định của pháp luật, làm nảy sinh mối tương quan không hợp lý trong mặt bằng khen thưởng. Từ đó, dẫn tới việc bình xét và suy tôn các danh hiệu thi đua còn trong tình trạng nể nang, cào bằng, chất lượng chưa cao. Việc chọn lựa đối tượng, thành phần khen thưởng, một số nơi ít quan tâm đến người trực tiếp lao động, công nhân, nhân dân, mà chỉ tập trung vào những cán bộ lãnh đạo và công chức Nhà nước, thậm chí có nơi còn thỏa thuận với nhau hoặc “nhường” cho nhau. Điều đó đã làm giảm ý nghĩa của phong trào thi đua.. Hạn chế này đã được tỉnh nhắc nhở, hiện đang được khắc phục dần.
Theo ông, đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới?
- Để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới, các địa phương cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Về khen thưởng chuyên đề, đột xuất: cần đánh giá đúng mức hiệu quả đạt được của phong trào trong thực hiện chuyên đề đến thời điểm sơ kết, tổng kết (hiệu quả chưa thiết thực, chưa có tác dụng thì chưa khen). Chọn đối tượng khen là người trực tiếp thực hiện, nếu là ở cơ sở thì phải do cơ sở xét đề nghị, không khen cho lãnh đạo và những người không trực tiếp thực hiện. Người được khen thưởng phải thật sự là điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua của chuyên đề được sơ kết, tổng kết.
- Về xét thi đua tổng kết hàng năm: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp phải đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ, những mặt mạnh, tiêu biểu của từng đơn vị để so sánh với nhau, nhằm tìm ra những tập thể tiêu biểu nhất để đề nghị khen thưởng. Mỗi cơ quan, đơn vị khi phát động thi đua phải có nội dung cụ thể; biện pháp thực hiện khả thi; phải gắn kết nhiệm vụ chung với nhiệm vụ cụ thể, từng lúc phải có đánh giá kết quả để làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cuối năm và bình xét thi đua. Cần phải có quy định nhóm đối tượng và tỷ lệ khen theo từng nhóm để xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng hàng năm: Đối với cá nhân, đề xuất ban hành nội dung, tiêu chí thi đua, thang điểm và tỷ lệ khen thưởng cho từng nhóm đối tượng. Nhóm đối tượng là cán bộ, chuyên viên, nhân viên, công nhân, người lao động trực tiếp. Nhóm đối tượng là trưởng, phó phòng thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; trưởng, phó phòng cấp huyện và tương đương; Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND cấp xã, phường, thị trấn. Nhóm đối tượng là Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện, thành phố, Giám đốc, Phó Giám đốc sở, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương. Đối với tập thể: xây dựng và ban hành bộ nội dung, tiêu chí thi đua để các cơ quan, đơn vị bám sát vào các tiêu chí, tổ chức thực hiện cho từng tập thể.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm, đồng thời với cương vị của mình, ông có kiến nghị gì đối với việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới?
- Trong quá trình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tôi xin đề xuất một số kiến nghị liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng, như sau:
- Quốc hội sớm bổ sung, sửa đổi Luật Thi đua - Khen thưởng cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
- Chính phủ cần bổ sung đối tượng và tiêu chuẩn trong qui định khen thưởng cán bộ có quá trình cống hiến lâu dài đến chức danh Phó Giám đốc sở (hiện chỉ mới khen đến Giám đốc sở, nhưng ở huyện thì khen Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy, Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND huyện, thành phố); Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh (tương đương với chức danh Bí thư hoặc Phó Bí thư Huyện ủy).
- Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn mở rộng thêm đối tượng xét tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc là tổ bộ môn ở các trường học; trình Chính phủ về biên chế chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng đối với các sở, ngành lớn (trên 500 cán bộ, công chức, viên chức); đề nghị Chính phủ có qui định mức phụ cấp 1/2 biên chế công chức làm công tác thi đua, khen thưởng cấp xã, phường, thị trấn (nửa tháng lương tối thiểu).
- Chính phủ cần có chính sách chi tiền thưởng cho người có công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
- Các thành viên Hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác thi đua, khen thưởng (dù kiêm nhiệm), xây dựng chương trình hoạt động định kỳ của hội đồng, thành viên hội đồng và cần có chính sách ưu đãi để động viên các thành viên hoạt động.
Xin cảm ơn ông!