Ngôi nhà bị phá hủy do xung đột tại Kramatorsk, Ukraine, ngày 14-6-2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Khoản cho vay này trong khuôn khổ hỗ trợ mà Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết đối với Ukraine thông qua việc sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng Sáu vừa qua ở Italy, các nước thành viên G7 đã thảo luận cách thức sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của Nga để cung cấp hỗ trợ 50 tỷ USD cho Ukraine.
Trong thông cáo chung được đưa ra khi kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 cho biết sẽ cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong phạm vi cho phép của khuôn khổ pháp lý và quy định hành chính của mỗi nước.
EU và Mỹ dự định mỗi bên sẽ đóng góp 20 tỷ USD. Trong khi đó, 3 nước Nhật Bản, Anh và Canada sẽ gánh vác 10 tỷ USD còn lại.
G7 có kế hoạch bắt đầu triển khai chương trình cho vay này muộn nhất là cuối năm nay.
Tuy nhiên, 3 thành viên G7 gồm Pháp, Đức và Italy có thể sẽ không tham gia chương trình vào thời điểm hiện nay khi cho rằng EU đã có một kế hoạch hỗ trợ tương tự.
Dự kiến, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G7 sẽ thảo luận thêm về vấn đề nói trên, trong khuôn khổ một sự kiện bên lề một cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra vào cuối tháng này tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil).
Sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine, các nước phương Tây đã phong tỏa tài sản của Nga ước tính khoảng 300 tỷ USD, trong đó phần lớn là tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga.
Liên quan việc hỗ trợ Ukraine, ngày 16-7-2024, Cộng hòa Séc và Ukraine đã nhất trí tiến hành sản xuất chung súng trường và đạn dược tại Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Prague, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal đưa ra thông tin trên trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Séc.
Phát biểu họp báo chung với Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala, Thủ tướng Denys Shmygal thông báo hai bên đã ký 2 thỏa thuận quan trọng, trong đó có thoả thuận về công nghiệp quốc phòng, liên quan đến sản xuất đạn và súng trường tại Ukraine.
Ukraine đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp quốc phòng để giảm phụ thuộc vào viện trợ quân sự của phương Tây. Cộng hòa Séc hiện đang dẫn đầu một nỗ lực gây quỹ để mua đạn pháo cho quân đội Ukraine.
Hồi đầu tháng này, Prague cho biết đã gửi thiết bị quân sự trị giá 288 triệu USD cho Kiev kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine vào tháng 2-2022.
Nguồn: Vietnam+