Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do thủy hải sản chết hàng loạt

05/07/2016 - 07:02

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tặng quà bà con ngư dân tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: TA)

 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam vừa có báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện hỗ trợ nhân dân 4 tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do thủy hải sản chết hàng loạt. Theo kết quả giám sát, chính sách hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do thủy sản chết được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.

Cụ thể, từ ngày 23-6-2016 đến hết ngày 29-6-2016, 04 Đoàn giám sát của Trung ương đã tiến hành giám sát tại 04 tỉnh. Trong đó giám sát tại Hà Tĩnh do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì; giám sát tại Quảng Bình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì; giám sát tại Quảng Trị do Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì; giám sát tại Thừa Thiên Huế do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì.

Báo cáo của các đoàn giám sát Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tại 4 tỉnh: Hà Tĩnh; Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên Huế cho thấy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với nhân dân bị thiệt hại kịp thời, đúng đối tượng, có hơn 40.000 hộ dân được hỗ trợ gần 4. 310 tấn gạo; hỗ trợ nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại hơn 9,8 tỷ đồng; 8.111 chủ tàu thuyền do ngừng khai thác đã được hỗ trợ tổng số tiền là 53 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế quan tâm hỗ trợ tiền, hiện vật qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trị giá hơn 45 tỷ đồng và 149 tấn gạo; đến nay, đã thực hiện hỗ trợ cho nhân dân hơn 42 tỷ đồng và 149 tấn gạo.

Theo đánh giá của đoàn giám sát, các chính sách của Chính phủ đã được thực hiện tương đối tốt: hỗ trợ gạo cho hộ ngư dân, hỗ trợ hộ nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ chủ tàu thuyền ngừng khai thác. Riêng hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường còn chậm.

Tuy nhiên, tại xã Kỳ Ninh - thị xã Kỳ Anh - Hà Tĩnh có trường hợp nuôi trồng ngao, cua trên cùng bãi bồi ven biển (cùng nguồn nước) nhưng có hộ thì được hỗ trợ, có hộ không được hỗ trợ là do cơ quan chuyên môn tỉnh và thị xã Kỳ Anh có kết luận nguyên nhân thủy sản chết khác nhau. Do đó, gây thắc mắc trong các hộ dân. Một số tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên đánh bắt ven bờ và vùng lộng phải ngừng hoạt động do thủy hải sản chết hàng loạt (sự cố môi trường) nhưng không được hỗ trợ, vì theo Quyết định 772/QĐ-TTg chỉ hỗ trợ tàu thuyền có công suất dưới 90 CV trở xuống.

Các đoàn giám sát và 4 tỉnh được giám sát kiến nghị Chính phủ bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản. Cụ thể, các hộ gia đình đóng mới tàu cá; tàu dịch vụ hậu cần (tàu có vỏ mới, máy thủy mới hoặc máy thủy đã qua sử dụng) phục vụ hoạt động khai thác hải sản có công suất từ 90CV trở lên được ngân sách hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới, nhưng không quá 1 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1-7-2016 đến hết tháng 30/6/2019 và hỗ trợ khi được UBND cấp huyện sở tại xác nhận tàu đã hoàn thành. Mức trần giá trị tàu cá để tính hỗ trợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ hơn 90CV sang tàu có công suất từ 90CV trở lên, được hỗ trợ 0,7 triệu đồng cho 1CV tăng thêm; thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho các tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên...

Các đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ bổ sung, sửa đổi chính sách khôi phục nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, hỗ trợ đối với nuôi thủy sản trong ao, đầm nước mặn, nước lợ, hỗ trợ 100% kinh phí mua con giống thủy sản để khôi phục sản xuất cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trên 70%. Nhưng tối đa không quá 120 triệu đồng/ha đối với ao nuôi trên cát; 80 triệu đồng/ha đối với ao nuôi ao đất thâm canh; 50 triệu đồng/ha đối với nuôi bán thâm canh; 30 triệu đồng/ha đối với ao nuôi quảng canh.

Hỗ trợ 50% kinh phí mua con giống thuỷ sản để khôi phục sản xuất cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại từ 30% - 70%. Nhưng tối đa không quá 60 triệu đồng/ha đối với ao nuôi trên cát; 40 triệu đồng/ha đối với ao nuôi ao đất thâm canh; 25 triệu đồng/ha đối với nuôi bán thâm canh; 15 triệu đồng/ha đối với ao nuôi quảng canh cải tiến.

Hỗ trợ đối với nuôi lồng, bè 100% kinh phí mua con giống để khôi phục sản xuất đối với  thiệt hại trên 70% nhưng tối đa không quá 15 triệu đồng/100m3. Hỗ trợ 50% kinh phí mua con giống để khôi phục sản xuất đối với  thiệt hại từ 30% - 70% nhưng tối đa không quá 7,5 triệu đồng/100m3...

Đối với chính sách hỗ trợ thu mua, tạm trữ hải sản, hỗ trợ 100% tiền điện thực tế phát sinh của các tổ chức, cá nhân có kho đông lạnh thực tế đang tạm trữ sản phẩm hải sản tồn kho tại các huyện ven biển trong thời gian 01 năm, bắt đầu từ 01-5-2016 đến 30-4-2017. Hỗ trợ cho các chủ kho đông lạnh 100% lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại trong vòng 01 năm đối với các khoản vay để xây dựng kho đông lạnh và thu mua hải sản phát sinh trước ngày 01/6/2016, thời gian hỗ trợ từ ngày 01/5/2016 đến 30-4-2017.

Đối với chính sách khôi phục dịch vụ du lịch biển, hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay còn dư nợ tại các ngân hàng thương mại cho các chủ cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở kinh doanh khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển đã vay vốn để đầu tư mới hoặc nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí phục vụ du khách trong mùa du lịch biển. Thời gian hỗ trợ trong vòng 01 năm, từ ngày 01-5-2016 đến 30-4-2017.

Bổ sung đối tượng là người lao động đang hoạt động thuộc các hộ gia đình, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường (cơ sở lưu trú, nhà hàng, vận chuyển khách du lịch, vui chơi giải trí) vào đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, khuyến khích tạo việc làm theo Dự thảo chính sách nêu trên.

Các đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ bổ sung chính chính sách an sinh xã hội: Hỗ trợ miễn, giảm các khoản đóng góp của các gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp có con em đang học phổ thông tại trường công lập năm học 2016 - 2017. Đồng thời  khi công bố nguyên nhân gây hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt (sự cố môi trường biển) thì đồng thời công bố vùng ngư trường đánh bắt hải không an toàn (nếu có) để cho người dân yên tâm đánh bắt hải sản và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm./.

Theo ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích