Nhớ ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước

05/06/2019 - 07:41

BDK - Sự kiện ngày 5-6-1911 đã đi vào lịch sử Việt Nam, đó là ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tên gọi khác là Văn Ba - là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) đã xuống tàu từ bến cảng Sài Gòn (còn gọi là bến cảng Nhà Rồng) ra đi bôn ba qua 4 châu lục và gần 30 quốc gia để tìm đường cứu nước. Sau 30 năm, ngày 28-1-1941, Người trở về quê hương để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Với lòng tôn kính bậc vĩ nhân, dấu ấn lịch sử ngày 5-6-1911 vẫn luôn được cả nước khắc ghi, trong đó có Bến Tre.

Bức ảnh Bến cảng Nhà Rồng hiện đang được Ban quản lý Di tích tỉnh lưu giữ. Ảnh: Hoàng Huấn

Bức ảnh Bến cảng Nhà Rồng hiện đang được Ban quản lý Di tích tỉnh lưu giữ. Ảnh: Hoàng Huấn

Bến cảng Nhà Rồng

Trong kho tàng tư liệu về lịch sử, hiện Ban Quản lý Di tích tỉnh đang lưu giữ một bức ảnh quý hiếm về Bác. Đó là bức ảnh Bến cảng Nhà Rồng thời điểm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (năm 1911). Đây là một bức ảnh nằm trong bộ ảnh với hơn 200 hình ảnh, tư liệu về Bác theo chuyên đề hiện có của Ban Quản lý Di tích tỉnh.

Ảnh Bến cảng Nhà Rồng (ảnh trắng đen, chụp toàn cảnh bến cảng khi ấy), nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước thuộc phần 1. Phần này, giới thiệu một số hình ảnh, tư liệu về quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, về việc người tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường cách mạng vô sản cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Sự chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức và con người cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bộ ảnh được Ban Quản lý Di tích tỉnh mua lại từ Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh từ khá lâu và đã đưa đi triển lãm lưu động ở nhiều di tích trong tỉnh nhân các ngày lễ lớn như: Bến Tre Đồng khởi 17-1, Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5, Ngày sinh nhật Bác 19-5, Ngày Quốc khánh 2-9... phục vụ hàng ngàn lượt khách tham quan trong và ngoài tỉnh.

Bộ ảnh được chia làm 3 phần: Phần 1: Nguyễn Ái Quốc - Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Phần 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập tự do cho Tổ quốc và Phần 3: Tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi đường cho Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam độc lập thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Lịch sử đã ghi lại bối cảnh năm 1911, thời điểm Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc. Nhân dân ta phải chịu 2 tầng áp bức bóc lột của thực dân Pháp và địa chủ phong kiến tay sai. Đời sống nhân dân vô cùng cơ cực, lầm than với những chính sách bắt phu, bắt lính, sưu cao, thuế nặng... Với lòng yêu nước thương dân và một khát vọng lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho nước nhà, năm 1911, Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng - Thương cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau 30 năm, ngày 28-1-1941, Người trở về quê hương để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc. Sau đó, tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.

“Dấu chân phía trước”

Dấu chân phía trước (nhạc Phạm Minh Tuấn, thơ Hồ Thi Ca) là một trong nhiều bài hát về Bác được đông đảo công chúng đón nhận. Bài hát đề cập sự kiện Bác ra đi tìm đường cứu nước, ca ngợi công lao to lớn của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng quê hương. Có nhiều ca sĩ, diễn viên, người làm nghệ thuật ở Bến Tre cũng đã thể hiện qua bài hát này.

Đây là bài hát thể hiện tình cảm của những thế hệ được may mắn sinh ra trong thời bình, hướng lòng mình về Bác như chính lời bài hát: “Khi tôi còn là hạt bụi/ Người đã lên tàu đi xa/ Khi quê hương còn chìm nổi/ Người đã lên tàu đi xa/ Khi tôi còn là hạt bụi/ Người đã lên tàu đi xa/ Khi Bến Nhà Rồng đầy nước mắt/ Bước chân Bác đặt chốn này…”.

Anh Võ Minh Viễn - ca sĩ, đảng viên Chi bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh chia sẻ: “Tôi đã tiếp nhận và biểu diễn bài hát này hơn 10 năm qua, trong những lần tổ chức lễ đón nhận danh hiệu các xã văn hóa. Đây là một bài hát rất hay, có tính nghệ thuật cao. Mỗi khi tôi hát thì cảm xúc rất dạt dào vì đây là một trong những bài hát về Bác Hồ mà tôi yêu thích nhất”.

Với sự kiện Bác ra đi tìm đường cứu nước, nhiều chương trình nghệ thuật có sử dụng bài hát nêu trên đã được tổ chức nhiều lần trong tỉnh. Điển hình như trong hội thi “Tiếng hát mang tên Người” cấp tỉnh qua các năm, nhiều thí sinh đã chọn bài “Dấu chân phía trước” để thể hiện tài năng và cảm xúc của mình, trong đó có cả thí sinh trẻ tuổi và cao tuổi.

Khi nhắc đến sự kiện lịch sử ngày 5-6-1911, nhiều người lại nhớ đến bài thơ nổi tiếng “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên. Đây là bài thơ khắc họa hình ảnh cao đẹp của Bác Hồ trong những năm dài hoạt động cách mạng ở nước ngoài. “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dàn lui, làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre… Luận cương của Lê-nin theo Người về quê Việt/ Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi/ Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”. Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam và nhân loại những di sản vô cùng quý giá.

H. Huấn - A.Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN