Nỗ lực bảo tồn Hát sắc bùa Phú Lễ

05/05/2017 - 07:29

Tiết mục biểu diễn hát sắc bùa trong lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể Hát sắc bùa Phú Lễ.

Hát sắc bùa (HSB) Phú Lễ - xã Phú Lễ, huyện Ba Tri đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thế nhưng, trước nguy cơ bị mai một thì đâu là giải pháp để HSB tồn tại và phát triển?

Hiện nay, toàn tỉnh có 5 đội HSB, gồm: đội Bảo tàng tỉnh (thuộc Hội Di sản văn hóa tỉnh), đội Khu di tích Thảm sát Cầu Hòa (xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, gọi tắt là đội xã Phong Nẫm), đội Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Ba Tri, đội xã Phú Lễ (Ba Tri) và đội Trường THCS xã Phú Lễ (Ba Tri). Trong đó, đội Bảo tàng tỉnh và đội xã Phong Nẫm được xem là các đội nòng cốt của tỉnh. Các đội đều duy trì sinh hoạt thường xuyên, tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Di sản văn hóa tỉnh thì hiệu quả chưa cao, vì tính lan tỏa đến nhiều người còn ít.

Giới trẻ trong tỉnh hiện nay nói chung, xã Phú Lễ nói riêng phần lớn đều không biết về HSB. Trước tình hình một trong những loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc của tỉnh có nguy cơ bị mai một cao, những người làm công tác quản lý, nghiên cứu tâm huyết với hoạt động văn hóa như các ông: Lư Văn Hội, Nguyễn Quang Trị cùng nhiều vị tiền bối am hiểu sâu về HSB như ông Dũng, ông Sáu Đức (Ba Tri)… đã và đang ra sức duy trì nét văn hóa đặc sắc của quê hương xứ Dừa.

Ngoài duy trì tổ chức sinh hoạt đều đặn đội HSB Bảo tàng tỉnh và đội xã Phong Nẫm thì trong các buổi sinh hoạt, giao lưu đờn ca tài tử hàng tháng tổ chức tại Bảo tàng tỉnh, Hội Di sản văn hóa cũng có lồng ghép biểu diễn HSB để giới thiệu rộng rãi đến người xem; kêu gọi nhiều người cùng tham gia tập luyện. Ngoài biểu diễn trong tỉnh, đội HSB Bảo tàng tỉnh kết hợp đội xã Phong Nẫm tổ chức đi biểu diễn giao lưu ở các sự kiện văn hóa do một số tỉnh bạn tổ chức.

UBND huyện Ba Tri đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Hội Di sản văn hóa tỉnh cũng đã có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản HSB. Cụ thể là đã tiến hành khảo sát, ghi chép, phục hồi và lưu giữ bằng văn bản giấy các bài bản HSB. Ông Dương Minh Tùng - Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết, huyện sẽ chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương trên địa bàn huyện, đặc biệt là xã Phú Lễ không chỉ bảo tồn mà còn phát huy tốt loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian HSB trong cộng đồng xã hội, trong từng khu dân cư trên địa bàn xã, ấp và trong các trường học của huyện.

UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu ban hành kế hoạch, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác hoạt động bảo tồn; Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường xem xét, đưa HSB vào các tiết học ngoại khóa và mời các đội HSB biểu diễn thường xuyên trong các dịp lễ hội cho học sinh xem; Trung tâm Văn hóa - Thể thao và UBND xã Phú Lễ tiếp tục phối hợp với Hội Di sản văn hóa tỉnh, đặc biệt là ông Lư Văn Hội tiếp tục xem xét phát triển hội viên, mở rộng đối tượng, thành phần tham gia câu lạc bộ HSB cấp huyện và xã, thường xuyên tổ chức luyện tập bài bản sắc bùa đúng với trình tự và bài bản của buổi diễn HSB. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ hiểu được giá trị và ý nghĩa của loại hình di sản văn hóa phi vật thể HSB là văn hóa của dân tộc…

Bên cạnh sự nỗ lực của các đơn vị chức năng, cũng có ý kiến cho rằng, có thể xem xét để tạo điều kiện đưa HSB vào phục vụ các điểm du lịch sinh thái bên cạnh trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử. Việc tạo điều kiện đưa HSB vào trong sinh hoạt, giao lưu văn hóa của Đoàn Thanh niên cũng là điều cần xem xét thêm.

Cần nhắc lại, HSB Phú Lễ là nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, cả Nam Bộ chỉ có ở Phú Lễ - Ba Tri, tỉnh Bến Tre; tồn tại trên 100 năm qua. Lời ca, điệu diễn sắc bùa vừa đáp ứng được nguyện vọng, ước mơ, tình cảm của người nghe, người xem, gắn kết mối quan hệ giữa người và người thêm gần nhau hơn, tạo thêm cho cuộc sống nhiều niềm vui và niềm tin về những điều tốt đẹp. Xin mượn một đoạn trong bài “Mở cửa rào” để kết thúc bài viết như một niềm tin về sự phát triển mạnh mẽ của HSB trong tương lai: “…Nhà ông cửa kín rào cao/ Dán liễn đèn màu câu đối tứ giăng/ Nhà ông đón tết khang trang/ Con cháu quay quần bái tạ tổ tiên/ Nhà ông kín cổng cao tường/ Mở rào ông đón lộc xuân sắc bùa/ Mở rào đón lễ giao thừa/ Nghinh tân tiễn cựu ấm no an lành…”.

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh: Các cấp lãnh đạo cần dành sự quan tâm nhất định đến hoạt động của các đội HSB hiện có; đồng thời khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tác thêm những bài bản mới để HSB Phú Lễ xuất hiện ngày càng gần gũi hơn trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân tỉnh nhà, nhất là nhân dân xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Duy trì chế độ sinh hoạt các đội, nhóm hát hiện có, đồng thời, tập hợp, hình thành thêm những nhóm hát mới để tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi loại hình HSB Phú Lễ trong cộng đồng địa phương…

Đối với Bến Tre, việc sưu tầm, phục hồi và lưu giữ, tái hiện lại hình thức diễn xướng HSB Phú Lễ khi đang ở bờ vực bị mai một là một quá trình dày công tìm tòi, nghiên cứu, tâm huyết của nhiều nhà văn hóa, văn nghệ cùng cơ quan chuyên môn tỉnh nhà và công lao của những nghệ nhân HSB hiếm hoi còn sống khi ấy trên mảnh đất này. Việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản trong những năm tiếp theo không phải là chặng đường bằng phẳng nếu không có sự tâm huyết cháy bỏng của mỗi người dân xứ Dừa.

Ông Lư Văn Hội - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh: Tham gia HSB đòi hỏi người hát phải đam mê, nhiệt tình và tinh thần tự nguyện cao, phải truyền đạt được âm điệu bài hát cho người nghe. HSB là hát trong ngày xuân, hát cho những gia đình có nhu cầu với ý nghĩa là yểm quỷ trừ tà, cầu cho gia đạo bình yên và hát góp vui. Bây giờ nhu cầu này không còn nữa nhưng HSB cần được phục hồi, đáp ứng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đời sống xã hội; đồng thời, trình diễn trên sân khấu để giới thiệu đến du khách, các nhà nghiên cứu văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Chấn - Đội trưởng Đội HSB xã Phong Nẫm: Mỗi khi tham gia sinh hoạt HSB, nghe các âm hưởng lời ca của HSB, tôi quên đi những nhọc nhằn trong công việc và cuộc sống. Tôi thường xuyên tham gia tập luyện các điệu nhạc, góp phần gìn giữ tài sản quý mà ông cha để lại và mong muốn được truyền lại cho các thế hệ sau.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN