Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước bữa tối xã giao trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva. Ảnh: AFP
Theo tờ Washington Post, trong bài đăng trên Twitter hôm 11-7, ông Zelensky đã chỉ trích liên minh quân sự NATO vì từ chối đưa ra lộ trình cụ thể cho việc gia nhập khối của Kiev. Nhà lãnh đạo Ukraine xác nhận ông đã được thông báo rằng văn bản cuối cùng của tuyên bố được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh sẽ không bao gồm mốc thời gian cụ thể về tư cách thành viên NATO của Ukraine.
Ông Zelensky gọi động thái này là “sự thiếu sót này chưa từng có và vô lý”. Đồng thời, ông cho biết “hành động thiếu quyết đoán” về vấn đề này là dấu hiệu của “sự yếu kém” trong liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Tổng thống Zelensky nói rằng những nước phương Tây ủng hộ Kiev từng quyết định thảo luận về tư cách thành viên NATO của Ukraine trong các cuộc đàm phán với Nga.
Dẫn nguồn một quan chức giấu tên quen thuộc với vấn đề này, tờ Washington Post đưa tin các thành viên của phái đoàn Mỹ tại NATO đã rất “tức giận” sau khi biết đến những tuyên bố của nhà lãnh đạo Ukraine.
Tờ báo chỉ ra rằng việc ông Zelensky chỉ trích liên minh hoàn toàn trái ngược với hình ảnh đoàn kết của phương Tây mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và các cố vấn đã gây dựng tại sự kiện này. Lời chỉ trích của ông cũng có thể khiến cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine, dự kiến diễn ra tại Vilnius, trở thành “một trong những thỏa thuận cấp cao nhất của hội nghị thượng đỉnh.”
Một quan chức cấp cao của NATO cho biết “dòng tweet của ông Zelensky đã gây áp lực lên liên minh”.
Cũng trong ngày 11-7, nhà ngoại giao cấp cao giấu tên từ Trung Âu nói với tờ Politico rằng ông Zelensky “đã đi quá xa” với những lời chỉ trích của mình.
“Tôi nghĩ rằng đây không phải là cách tiếp cận thấu đáo và công bằng từ nhà lãnh đạo Ukraine”, nhà ngoại giao này bình luận.
Trong tuyên bố chung được đưa ra hôm 11-7, các thành viên NATO chỉ nói rằng họ “có khả năng mời Ukraine gia nhập liên minh khi các đồng minh chấp thuận và Ukraine đáp ứng đủ các điều kiện”.
Tuy nhiên, khi đến thủ đô Litva sau đó, Tổng thống Zelensky nói rằng ông có “niềm tin rằng NATO sẽ đảm bảo an ninh cho Ukraine, và Ukraine sẽ giúp NATO hùng mạnh hơn”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN hôm 10-7, ông Biden nói rằng còn quá sớm để nói về tư cách thành viên NATO của Ukraine. Ông chủ Nhà Trắng giải thích rằng Kiev cần tiến hành nhiều cải cách hơn và đạt dân chủ hóa trước khi có thể trở thành thành viên của khối. Bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan giải thích rằng việc cho phép Ukraine gia nhập liên minh vào lúc này sẽ lôi kéo NATO vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Về phần mình, Nga – quốc gia phản đối mạnh mẽ việc NATO mở rộng về phía đông – nhiều lần tuyên bố nguyện vọng gia nhập liên minh phương Tây của Kiev là một trong số những lý do chính buộc Moskva phải phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2-2022.
Hôm 3-7, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moskva bị “đe dọa” bởi khả năng Ukraine gia nhập NATO. Ông cho biết Nga luôn yêu cầu duy nhất một điều - chú ý đến các mối quan ngại của Moskva và không mời các vùng lãnh thổ cũ của đất nước gia nhập NATO
“Đặc biệt là với những nước mà chúng tôi có tranh chấp lãnh thổ. Do đó, mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản - loại bỏ mối đe dọa về tư cách thành viên của Ukraine trong NATO”, ông Medvedev nói.
Nguồn: TTXVN