Phát huy tính “liêm chính” khi là “công bộc” của dân (kỳ 2)

24/04/2020 - 07:17

BDK - Trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ, công chức (CB, CC) nắm trong tay quyền lực công do đó có thể dẫn đến khả năng CB, CC nhận quà biếu, hối lộ của tổ chức, công dân, lợi dụng quyền lực mình nắm trong tay để làm trái các quy định của Nhà nước hoặc tạo điều kiện nhất định cho tổ chức, công dân. Để thật sự liêm chính trong thực thi công vụ, CB, CC cần giữ gìn sự trong sạch, tránh nhận quà biếu, hối lộ của tổ chức, công dân.

“Liêm chính” đòi hỏi một môi trường làm việc mà các cán bộ, công chức phải thẳng thắn, thật thà, trung thực với nhau.

“Liêm chính” đòi hỏi một môi trường làm việc mà các cán bộ, công chức phải thẳng thắn, thật thà, trung thực với nhau.   

Ngay thẳng và trung thực

Bên cạnh việc phát huy tinh thần tự nguyện và chủ động ngăn cấm hành vi nhận quà biếu, hối lộ, ngoài các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các cơ quan đơn vị cần chủ động xây dựng các biện pháp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hành vi nhận quà biếu, hối lộ của CB, CC để tạo ra tính răn đe và xử lý các CB, CC cố tình vi phạm.

Trong quá trình thực thi công vụ, CB, CC ở nhiều vị trí sẽ phải làm việc, tiếp xúc trực tiếp với người dân. Liêm chính trong quá trình giải quyết công việc cho người dân được thể hiện ở thái độ phục vụ đúng mực, lịch sự và công bằng. Không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ; công tâm, khách quan, tận tình hướng dẫn nhân dân thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Để những nội dung này được CB, CC quán triệt thực hiện trong quá trình thực thi hoạt động công vụ, thì cần được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật về quy tắc ứng xử của ngay thẳng và trung thực trong cơ quan, đơn vị.

Song song đó, ngay thẳng và trung thực là một đòi hỏi cơ bản nhất của liêm chính nói chung và liêm chính trong hoạt động công vụ cũng vậy. Chính vì vậy, CB, CC cần phải biết tự nhìn nhận các sai lầm của bản thân, tự phê bình mình để có thể tiến bộ hơn trong công việc, hoàn thiện bản thân tốt hơn. Bên cạnh đó, CB, CC cũng cần phải nhìn nhận và thẳng thắn phê bình các khuyết điểm của đồng nghiệp, của cấp dưới và cả của cấp trên. Tự phê bình và phê bình phải dựa trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, nghiêm túc, không bao che cho khuyết điểm của người khác.

Sự ngay thẳng trong hoạt động công vụ còn đồng nghĩa với việc CB, CC không được vì lợi ích của cá nhân mình mà có biểu hiện xu nịnh với cấp trên nhằm lấy lòng cấp trên, nói sai sự thật, đặt điều cho đồng nghiệp để nhằm mục đích xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người khác, ảnh hưởng đến cả môi trường làm việc của cơ quan, đơn vị nói chung. Chính vì vậy, liêm chính đòi hỏi một môi trường làm việc mà CB, CC phải thẳng thắn, thật thà, trung thực với nhau.

Đạo đức nghề nghiệp

Một cá nhân có thể đạt đến hiệu quả công việc nhất định, nhưng nếu kết hợp với một đội, nhóm, hiệu quả ấy có thể gia tăng theo cấp số nhân. Do đó, CB, CC cũng cần xác định rõ vị trí, nhiệm vụ của mình, phải có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp trong việc chung, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Ngoài ra, mỗi CB, CC cần có thái độ cầu thị đối với công việc được giao, không kêu ca, phàn nàn về công việc của bản thân mình cũng như không phê phán về công việc của người khác. Mỗi vị trí việc làm có nhiệm vụ, quyền lợi riêng, không đem ra so sánh thiệt hơn, gây không khí nặng nề, kém chuyên nghiệp trong môi trường công vụ.

Đạo đức nghề nghiệp là tài sản quý giá nhất đối với mỗi CB, CC cũng như từng cơ quan, đơn vị. Đó là điểm tựa giúp mỗi cá nhân đứng vững được trong môi trường làm việc với nhiều cạnh tranh nơi công sở và tiền đề cho sự thăng tiến trong công việc. Vì vậy, hãy làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và trung thực, luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp trong mọi hoàn cảnh, bạn sẽ luôn được đồng nghiệp và cơ quan coi trọng.

Đạo đức nghề nghiệp phải trở thành niềm tự hào của mỗi con người về công việc mình đang làm, trở thành những yêu cầu đòi hỏi mỗi CB, CC luôn giữ gìn trong quan hệ ứng xử. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp còn vượt lên trên cả những gì gọi là trách nhiệm công vụ, là sự thôi thúc bên trong mà mỗi công chức trên cương vị công tác của mình phải tự vượt lên để thể hiện sự liêm chính. Không chỉ giữ gìn cho bản thân, mà phải hiểu rằng mỗi cử chỉ, hành vi hay thái độ của mình là hình ảnh của cơ quan, đơn vị và cả một nền công vụ đầy trách nhiệm trước nhân dânn

Bài, ảnh: Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN