Phát huy tính “liêm chính” khi là “công bộc” của dân (kỳ 1)

22/04/2020 - 07:21

BDK - Liêm chính là hệ thống các giá trị, chuẩn mực trong nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin, lý tưởng của từng cán bộ, công chức (CB, CC). Nó định hướng hành vi, suy nghĩ trở thành phương châm hành động của từng CB, CC tạo ra một nền công vụ liêm chính.

Để bảo đảm hoạt động công vụ có hiệu quả, mỗi cán bộ, công chức phải thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ được giao. Ảnh: Đ. Phong

Để bảo đảm hoạt động công vụ có hiệu quả, mỗi cán bộ, công chức phải thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ được giao. Ảnh: Đ. Phong

Liêm chính

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “liêm” là trong sạch, không tham ô, tham lam, “luôn luôn tôn trọng của công, của dân”, liêm khiết trong mọi hoàn cảnh. Không ham người tâng bốc mình. “Nếu tham lam là bất liêm”. Do đó, Bác Hồ coi “liêm” là thước đo có tính người hay không. “Con người mà không liêm thì không bằng con vật”. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những hành vi trái với “liêm” như: “Cậy quyền thế mà đục khoét của dân, ăn của đút lót, hoặc trộm của công làm của tư”; đó là “Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình; đó là gặp việc phải mà sợ khó nhọc, nguy hiểm, không dám làm”; đó là lánh nặng, tìm nhẹ, thoái thác công việc cho người khác...

Còn “chính”, theo Bác là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn đối với mình, đối với người và đối với việc. Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình; vị công vong tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm… Đối với người: không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà; không dối trá, lừa lọc. Đối với việc: để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm…

Pháp luật trao cho cá nhân mỗi CB, CC các quyền và gắn với các nghĩa vụ mà CB, CC phải thực hiện một cách đúng đắn, đầy đủ. CB, CC chỉ thực hiện và phải thực hiện những gì mà pháp luật cho phép và yêu cầu. Để bảo đảm cho hoạt động công vụ được diễn ra bình thường, có hiệu quả, mỗi CB, CC phải thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ được giao. Đối với công việc phải tận tụy và tuyệt đối chấp hành những chỉ đạo, mệnh lệnh theo thứ bậc hành chính.

Trong sạch trong hoạt động công vụ

Liêm chính còn đòi hỏi CB, CC luôn luôn phải đặt lợi ích của cơ quan, của Nhà nước lên trên lợi ích cá nhân mà thực hiện một cách trung thực nghĩa vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được Nhà nước giao. Tránh lợi dụng quyền hạn, địa vị của bản thân để làm những việc trái với quy định của Nhà nước hoặc thực hiện những việc để đạt được lợi ích của cá nhân mình mà phương hại đến lợi ích của Nhà nước. CB, CC đứng trước xung đột lợi ích mà đặt lợi ích của cá nhân mình lên trên có thể làm phương hại tới lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người dân từ mức độ thấp đến mức độ rất cao mà bản thân cá nhân họ lúc thực hiện hành vi có thể cũng không lường trước hết hậu quả xảy ra.

Nếu như trong sạch là một trong các giá trị biểu hiện cơ bản của liêm chính nói chung thì trong sạch trong hoạt động công vụ chính là việc không tham, không lấy tài sản công, bảo vệ và sử dụng tài sản công một cách tiết kiệm, hiệu quả. CB, CC cần phải hình thành ý thức không chiếm dụng tài sản công, có ý thức bảo vệ các tài sản công không bị thất thoát, lãng phí và sử dụng tài sản công được giao một cách tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả.

Một biểu hiện của không liêm chính là ăn cắp thời gian làm việc, việc này sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công vụ, đồng nghĩa với việc lấy không một phần tiền lương và các chế độ, chính sách mà Nhà nước trả cho CB, CC. Do đó, liêm chính đòi hỏi CB, CC phải sử dụng hết thời gian quy định để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ở mức độ cao hơn nó đòi hỏi CB, CC còn phải tận dụng thời gian đó để làm việc một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất, tránh lãng phí thời gian và nguồn lực mà Nhà nước đã bỏ ra để trả công cho CB, CC. CB, CC cần phải tự ý thức được vấn đề này để giữ gìn đạo đức liêm chính của chính bản thân mình.

(Còn tiếp)

Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN