Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di tích

13/09/2019 - 08:37

BDK - TP. Bến Tre có 1 di tích cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh, trong định hướng phát triển du lịch, thành phố đề ra mục tiêu trùng tu các di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh gắn với phát triển du lịch tâm linh.

Một góc Di tích cấp tỉnh - Tòa thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo Bến Tre.

Một góc Di tích cấp tỉnh - Tòa thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo Bến Tre.

Trên địa bàn TP. Bến Tre, Bảo tàng Bến Tre là di tích lịch sử quốc gia, đây là nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo. 5 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là Đình An Hội (Phường 2), Đình Phú Nhuận (xã Phú Nhuận), Tòa thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo (Phường 6), Sự kiện tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 tại Bến Tre (Phường 3) và Đình Phú Tự (xã Phú Hưng). Mỗi di tích gắn liền với câu chuyện lịch sử, văn hóa của một thời kỳ, cùng với vẻ đẹp hoài cổ, các di tích lưu giữ những thông điệp, sức sáng tạo, ý thức xã hội, đời sống tinh thần, tâm linh của thế hệ trước lưu truyền cho thế hệ sau.

Những kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, miếu... có hàng trăm năm tuổi được coi là di tích, nhưng với người dân, chúng còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi gửi gắm đời sống tinh thần, tâm linh. Cụ thể, như Đình An Hội, Đình được phong sắc thần vào năm 1846 (Thiệu Trị ngũ niên). Đình An Hội có diện tích gần 1.150m2, trong đó diện tích xây dựng gần 121m2 được chia làm các khu vực: võ ca, sân tương, trung điện, chánh điện, hậu đình... Đình được xây dựng theo hình chữ Nhất, mái lợp ngói âm dương. Khi xây đình, người ta lắp đặt “Lưỡng long chầu nhật” (2 con rồng bằng gốm sứ tráng men xanh chầu mặt trời bằng gốm sứ màu đỏ) và dãy tượng “Bát tiên dự hội” rất sống động. Dãy tượng Bát tiên này được xem là cổ nhất của đình vì từ lúc xây dựng đầu tiên người ta lắp đặt trên mái đình. Trên mái đình còn được lắp đặt 8 con nghê chầu “Bát tiên dự hội”. Nội thất của đình được trang trí nhiều hoành phi, liễn đối… bằng chữ Hán chạm trổ rất tinh vi.

Đình An Hội hiện thờ 3 vị thần là Thành hoàng bổn cảnh của 3 làng với 8 sắc phong: thần làng An Hội (3 sắc phong), thần làng Mỹ Hóa (3 sắc phong), thần làng Phú Khương (2 sắc phong). Hàng năm, đình tổ chức trang trọng các lễ: giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), cúng Kỳ yên (12 và 13-3 âm lịch), Lạp miếu (12 và 13 tháng Chạp), Thượng nguơn (15-1 âm lịch), Trung nguơn (15-7 âm lịch), Hạ nguơn (15-10 âm lịch), kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7). Ngày nay, đình vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân Phường 2. 

Kế đến là Di tích Tòa thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo Bến Tre tọa lạc tại số 100C, đường Trương Định, Phường 6, TP. Bến Tre. Di tích Tòa thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo Bến Tre là di tích lịch sử văn hóa thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật gắn với danh nhân. Đây là trụ sở Trung ương đạo của Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo do Đức giáo tông Nguyễn Ngọc Tương sáng lập.         

Tòa thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo Bến Tre có diện tích 7.015,1m2. Nổi bật trong quần thể kiến trúc nơi đây là Đền Thánh (bửu điện) rộng 481.80m2, được xây dựng theo kiến trúc của nhà thờ Công giáo với 2 tháp cao, trên mỗi nóc tháp có chữ Vạn. Hệ thống cửa vòm bằng gỗ, chạm khắc hoa lá: hoa sen, hoa cúc, cành trúc. Hội thánh Bến Tre được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng 2 Huân chương kháng chiến hạng nhất cho gia đình Đức giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương và hạng nhì cho Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo Bến Tre với thành tích là hướng dẫn toàn đạo yêu nước mến quê hương. Ngoài ra có trên 5.000 liệt sĩ là tu sĩ và nhiều mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng. Giá trị văn hóa khoa học nghệ thuật được thể hiện qua cách kiến trúc, cách thờ cúng, kinh luật, giáo lý mang đậm bản sắc dân tộc. Nghệ thuật về mặt kiến trúc rất có giá trị đạo đức văn minh. Tòa thánh Bến Tre xét về mặt di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất quý giá.

Tòa thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh thể hiện sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với những giá trị về lịch sử, nghệ thuật kiến trúc xây dựng lẫn hình thức sinh hoạt tôn giáo mang đậm bản sắc của người Việt Nam của di tích mang lại. Đồng thời, là sự tri ân đối với công đức của Đức giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đối với sự nghiệp cách mạng. 

Bà Lê Thị Thanh Huệ - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin UBND TP.  Bến Tre cho biết, thành phố có kế hoạch quảng bá, giới thiệu các di tích trên địa bàn nhằm thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu. Thành phố cũng đề ra mục tiêu trùng tu, bảo tồn các di tích trong thời gian tới.    

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN